(Baonghean) - Những năm gần đây, quả trám đen được xem là một loại quả đặc sản, quả sạch, có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, do thiếu nguồn giống nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất cũng như chất lượng quả. Trước thực tế đó, dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN tạo giống và phát triển cây trám đen ở huyện Thanh Chương” do Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Rau, hoa, quả Gia Lâm chủ trì đang được thực hiện và bước đầu cho hiệu quả.
Ở Nghệ An, cây trám đen phân bố ở một số huyện như Thanh Chương, Đô Lương, Anh Sơn, Tân Kỳ. Trong đó trám đen Thanh Chương được cho là chất lượng nhất. Nhiều người dân trên địa bàn các xã như Thanh Tiên, Thanh Liên, Phong Thịnh, Cát Văn, Thanh Nho, Hạnh Lâm, Thanh Đức, Thanh Thủy xem đây là cây trồng góp phần xóa đói giảm nghèo.
Ông Đinh Viết Mão, xóm Liên Thượng, xã Thanh Liên có 4 cây trám trong vườn nhà, mỗi năm cho thu nhập hơn 10 triệu đồng. Ông cho biết: 4 cây trám của gia đình đã được trồng cách đây hơn 10 năm. Năm nào cây cũng sai quả, trung bình mỗi cây cho từ 150-200 kg quả/năm. Do già cả không thể tự trèo lên cây để hái trám bán nên cứ đến vụ thu hoạch, ông lại bán quạ cả cây cho thương lái. giá đầu vụ khoảng 35.000 đồng/kg, cuối vụ có thể lên trên 40.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, cây trám trên địa bàn Thanh Chương chủ yếu là mọc tự nhiên hoặc được trồng bằng hạt do người dân tự trồng. Hơn nữa, do cây trồng không được chọn lọc, đầu tư chăm sóc nên năng suất không ổn định, năm được năm mất, có nhiều cây cho quả kém chất lượng, quả chát đắng. Cây trồng bằng hạt nên cây rất lâu có quả (7-8 năm mới bói quả), cây trồng bị thoái hóa, cây có bộ khung tán cao nên khó khăn cho việc thu hoạch, chăm sóc cây và phòng trừ sâu bệnh… Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với phát triển cây trám đen ở Thanh Chương là không có cây giống, đặc biệt là cây giống có chất lượng cao.
Vì vậy, việc áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ để nhân giống cây trám đen bằng phương pháp ghép tạo ra các cây giống chất lượng cao, rút ngắn thời gian ra quả, từ đó xây dựng các mô hình trình diễn tạo đà phát triển nhân rộng cây trám đen ở huyện Thanh Chương là rất cần thiết. Dự án “Ứng dụng tiến bộ KH-CN tạo giống và phát triển cây trám đen ở huyện Thanh Chương” được triển khai. Đây là dự án nằm trong chương trình khoa học và công nghệ phát triển kinh tế - xã hội các huyện, thành, thị do Sở Khoa học và Công nghệ quản lý. Dự án có tổng kinh phí 661 triệu đồng, do Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Rau, hoa, quả Gia Lâm chủ trì thực hiện. Đơn vị chuyển giao tiến bộ KHCN là Viện Nghiên cứu rau quả. Mục tiêu của dự án là bảo vệ và phát huy được nguồn giống trám đen tại địa phương, thiết lập được các vườn ươm để sản xuất giống trám trong nhân dân.
Cây trám đen đặc sản ở Thanh Chương được tiến hành ghép để nhân giống
có chất lượng cao.
Ông Phạm Xuân Cần, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Mục tiêu của dự án là nhân giống bằng phương pháp ghép rút ngắn thời gian ra quả cho cây trám đen và phục hồi nghề trồng trám đen tại huyện Thanh Chương. Phương pháp này có ưu điểm của cây ghép là nhanh cho thu hoạch quả (năm thứ 3 sau trồng cây đã bói quả cho thu hoạch), cây con thừa hưởng được các đặc tính tốt từ cây mẹ, hệ số nhân giống cao, cây có bộ khung tán thấp nên thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch và phòng trừ sâu bệnh. Cụ thể, dự án đã xây dựng mô hình vườn ươm sản xuất giống trám đen quy mô 4.000 cây giống đủ tiêu chuẩn về giống cây trồng. Hoàn thiện được quy trình nhân giống cây trám đen phù hợp với điều kiện sinh thái Nghệ An; đào tạo được 7 cán bộ kỹ thuật nắm vững quy trình kỹ thuật nhân giống cây trám.
Dự án ghép dâm giống trám đen thành công còn là cơ sở để huyện Thanh Chương chuyển đổi, đưa thêm đối tượng trồng có giá trị kinh tế, dễ trồng thay thế những cây trồng hiện không mang lại hiệu quả trong sản xuất. Hiện nay, người dân các xã như Xuân Tường, Thanh Mỹ, Thanh Thủy… và các huyện lân cận khác đã mua giống trám của dự án về trồng. Bước đầu, cây trám đang phát triển tốt, bắt đầu đã ra hoa. Sang năm thứ 3, cây trám sẽ bắt đầu cho thu hoạch. Vấn đề còn lại là tìm đầu ra ổn định cho cây trám, nhằm tránh việc người dân bị thương lái ép giá, tái diễn điệp khúc “được mùa, rớt giá” như những loại nông sản khác.