(Baonghean) - Trong khi ở nhiều địa phương, việc giải quyết rác thải nông thôn đang gặp lúng túng thì huyện Thanh Chương, chủ trương xây dựng mỗi gia đình có 1 hố rác được cán bộ, nhân dân hưởng ứng tích cực, góp phần xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sạch - đẹp.
Về xã Thanh Liên, trên những con đường ngang dọc, từ trục chính đến các lối xóm hiện không có những bãi tập kết rác tự phát thường thấy như các vùng nông thôn khác. Bà Nguyễn Thị Hòa, xóm Liên Đức đang quét dọn, gom rác vào hố rác xây ở góc vườn, chia sẻ: “Từ khi xây dựng hố rác này, tất cả mọi thứ rác thải sinh hoạt trong gia đình đều được gom lại, phân loại, thứ nào đốt được thì đốt, còn những thứ như mảnh chai, mảnh sành được gom lại sau đó đưa ra chỗ tập kết rác tập trung của xã”.
Gia đình bà Hòa là một trong những hộ đầu tiên triển khai xây dựng hố rác tại gia của xã. Đến nay, riêng xóm Liên Đức, đã có 100/115 hộ xây dựng hố rác tại gia. Có những hộ ngõ gần nhau thì 2 - 3 gia đình sử dụng chung một hố. Chính vì vậy, xóm làng đã hạn chế được lượng rác thải phát sinh ra môi trường chung.
Qua trao đổi, ông Phan Bá Ngọc, Chủ tịch UBND xã Thanh Liên, cho biết: Từ năm 2012, xã bắt đầu triển khai chủ trương mỗi gia đình, khu dân cư phải xây dựng được 1 hố rác để thu gom, tập kết và xử lý. Xã lên phương án tính toán kinh phí, bình quân mỗi hố xây 2m2 với khoảng 500 nghìn đồng, từ đó có cơ chế, chính sách hỗ trợ 50.000 đồng/hố. Các cán bộ, đảng viên và hội viên Hội Phụ nữ đã gương mẫu đi đầu xây dựng trước, sau đó lan tỏa trong cộng đồng. Đến nay, toàn xã đã xây được 1.330 hố rác tại gia. Không chỉ trong các khu dân cư, trên tất cả các trục đường giao thông nội đồng cũng đã xuất hiện các hố rác được xây để bà con vứt bỏ các chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất, tránh ô nhiễm môi trường trên đồng ruộng. Hiên tại xã đang tập trung hoàn thiện các thủ tục tiến hành xây dựng bãi rác tập trung của xã có quy mô 2.000 m2 để đến cuối năm nay đưa vào sử dụng, hoàn thành tiêu chí môi trường theo chuẩn nông thôn mới (NTM).
Với chi phí từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng để xây dựng hố rác và các gia đình tích cực hưởng ứng, góp phần nhân rộng mô hình sâu rộng ở nhiều xã như Thanh Lĩnh, Thanh Hưng, Thanh Dương... Ngay cả với vùng tái định cư ở xã Ngọc Lâm, chủ trương xây dựng hố rác tại gia cũng được triển khai bằng cách vận động đồng bào đào hố thu gom, tập kết và xử lý rác thải. Theo ông Lương Văn Tuất, ở bản Mà, từ chủ trương vận động đồng bào giữ gìn “sạch làng, sạch bản” của xã, gia đình đã đào hố, hàng ngày có thứ rác gì đều tập trung vào đó, mỗi tuần đốt một lần. Ông Lương Văn Tích, cán bộ nông nghiệp - môi trường, UBND xã Ngọc Lâm, cho biết: Hiện tại đã có nhiều gia đình đào hố để thu gom, xử lý rác, có hộ không đào hố nhưng cũng đã tự xử lý rác của mình. Đặc biệt, thông qua việc tuyên truyền, đồng bào đã có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh trong chính gia đình mình và cả bản làng bằng việc thực hành ăn, ở sạch sẽ, không vứt rác bừa bãi xuống suối, sông, bìa rừng như trước đây.
Theo ông Phan Đình Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện, chủ trương xây dựng mỗi gia đình 1 hố rác để bảo vệ môi trường được triển khai sâu rộng từ năm 2013 sau khi Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Chỉ thị số 11/CT-HU, ngày 25/03/2013 và UBND huyện có Chỉ thị 05/2013/UBND/CT về tăng cường lãnh đạo đối với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường trên địa bàn huyện. Chủ trương đúng và hợp lòng dân, đã từng bước làm sạch ruộng vườn, đường đi lối lại, kênh rạch, ao hồ, giảm nguy cơ phát sinh các dịch bệnh ở người và gia súc, góp phần xây dựng làng quê sạch đẹp.
Để thực hiện chủ trương này, UBND huyện đã giao cho Phòng Công Thương xây dựng mẫu thiết kế hố rác 2 ngăn để triển khai về các xã. Các tổ chức Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân cùng Đoàn Thanh niên gương mẫu thực hiện và đẩy mạnh vận động nhân dân thực hiện. Đến thời điểm này đã có 40/40 xã, thị trấn triển khai chủ trương xây dựng hố rác tại gia, trong đó có nhiều địa phương làm tốt với tỷ lệ xây dựng hố rác đạt gần 50% tổng số hộ toàn xã. Toàn huyện đã xây dựng được hơn 9.000 hố rác, phấn đấu đến hết năm 2015 nâng hố rác được xây trên toàn huyện là 20.000 hố. Cùng với đó, công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường chung cũng được các xã, thị trấn đẩy mạnh; thành lập các tổ vệ sinh môi trường tại các xóm, các tổ liên gia thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra các hành vi gây ô nhiễm môi trường ở từng địa bàn khu dân cư, từ đó thay đổi hành vi, thói quen vứt rác bừa bãi của người dân. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được hơn 400 tổ vệ sinh ở các xóm.
Xây dựng hố rác và xử lý rác thải tại gia đình là một chủ trương đúng mang lại hiệu quả thiết thực. Nhờ thực hiện chủ trương này mà tình trạng rác thải vứt đổ bừa bãi ở nông thôn, nhất là trên các sông, suối, ao hồ, đập, các trục đường tỉnh, huyện, xã, xóm giảm rõ rệt. Các bãi rác tập trung được quy hoạch xây dựng đang ngày càng phát huy hiệu quả. Trong khi chưa có hệ thống thu gom mang tính chuyên nghiệp với công nghệ xử lý hiện đại thì việc thu gom, xử lý rác tại các gia đình thực sự phát huy tác dụng xây dựng môi trường nông thôn sạch - đẹp; đây là giải pháp dễ thực hiện vì chi phí thấp và phát huy trách nhiệm của mỗi gia đình cũng như các đoàn thể ở cơ sở trong thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường, góp phần tích cực vào thành công chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Mai Hoa