Thanh Chương: Hiệu quả từ công tác xã hội hóa và đổi mới quản lý giáo dục

(Baonghean) - Những bước chuyển trong giáo dục của Thanh Chương trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, tạo tiền đề, động lực tiếp tục đưa sự nghiệp giáo dục huyện nhà đi lên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Trường mầm non Thanh Tiên hiện có 8 phòng học đủ diện tích, đầy đủ các phòng chức năng âm nhạc, y tế, phòng bếp và khu nhà hiệu bộ, đảm bảo điều kiện tổ chức học bán trú cho 100% trẻ với số lượng 253 cháu. Có được cơ sở vật chất khang trang như hiện nay, mỗi năm, các phụ huynh tự nguyện đóng góp bình quân 500 nghìn đồng/phụ huynh trở lên; đồng thời góp ngày công để tu bổ, hoàn thiện một số hạng mục trong nhà trường. Đặc biệt, Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 4 đã hỗ trợ 1,5 tỷ đồng để xây dựng thêm một số phòng học và chỉnh trang lại khuôn viên, sân chơi. Tại Trường Tiểu học Thanh Tiên, mặc dù đã được công nhận chuẩn từ trước năm 2010, cùng với thời gian và so với yêu cầu chuẩn mới thì chưa đáp ứng được.

Năm 2014, xã kêu gọi và được Công ty TNHH Hưng Thịnh tại TP. Vinh hỗ trợ 6 tỷ đồng xây dựng trường cao tầng. Trường THCS cũng được xây dựng cao tầng và đã đạt chuẩn quốc gia. Xã đã huy động được nguồn lực từ các doanh nghiệp, con em xa quê và các nhà hảo tâm hỗ trợ xây trường học. Trên địa bàn xã 13/13 xóm với 30 dòng học đều có quỹ khuyến học... “Tổng nguồn huy động đầu tư trường học trong nhiệm kỳ trên 14 tỷ đồng, trong đó nguồn từ chương trình kiên cố hóa và ngân sách xã là 5 tỷ đồng, còn lại là nguồn xã hội hóa. Kết quả hiện tại, 3 trường học của xã đều đạt chuẩn quốc gia mức độ I và đang tiếp tục đầu tư xây dựng đạt chuẩn mức độ II”, đồng chí Nguyễn Văn Loan, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Tiên cho biết.

Một tiết học ở Trường THCS Thanh Khê.
Một tiết học ở Trường THCS Thanh Khê (Thanh Chương).

Năm 2012, Trường Mầm non xã Thanh Phong có 8/16 nhóm lớp phải bố trí học tại 8 nhà văn hóa xóm, 3 nhóm lớp học tại cửa hàng mua bán của HTX. Trước tình hình đó, Đảng ủy, chính quyền xã đã ưu tiên lựa chọn vị trí thích hợp, quy hoạch xây dựng trường tiểu học trên diện tích 11.000m2; đồng thời huy động nguồn lực đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 9,5 tỷ đồng, trong đó nguồn Nhà nước hỗ trợ 6, 4 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 1,5 tỷ đồng, còn lại từ ngân sách địa phương. Bây giờ, Trường Mầm non Thanh Phong trở thành ngôi trường đẹp nhất huyện Thanh Chương và được công nhận đạt chuẩn năm học 2014 - 2015. Trường THCS của xã được đầu tư xây dựng cao tầng và được công nhận trường đạt chuẩn vào năm 2013.

Đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Phong cho biết: Nhiệm kỳ 2010 - 2015 được đánh dấu là một nhiệm kỳ thành công trong việc huy động xã hội hóa để đầu tư cho giáo dục. Trong 5 năm, nhân dân đã đóng góp trên 3 tỷ đồng và hàng nghìn ngày công. Địa phương cũng đã tranh thủ được nguồn đóng góp của các doanh nghiệp và các đơn vị kết nghĩa như Công ty Xăng dầu Nghệ Tĩnh hỗ trợ 300 triệu đồng; một số doanh nghiệp khác hỗ trợ các nhà trường thùng đựng nước sạch sinh hoạt, bàn ghế, máy tính; các đơn vị quân đội như: Tiểu đoàn 14 và Tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 324, Quân khu IV hỗ trợ cả về vật chất và ngày công lao động để chỉnh trang, nâng cấp các trường học khang trang.

Dự kiến đến hết năm 2015, toàn huyện Thanh Chương có 79/129 trường trường đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 62%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khóa XXIX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra (KH 60%). Đã có 8 xã có 3/3 trường học đều đạt chuẩn. Thầy giáo Đặng Văn Hóa, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện, khẳng định: “Ngoài nguồn lực của Nhà nước, các địa phương chủ động thực hiện công tác xã hội hóa, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng trường chuẩn”.  

Đổi mới công tác quản lý nhà trường

Mặc dù là huyện có truyền thống hiếu học và học giỏi, nhưng mấy năm đầu nhiệm kỳ 2010 - 2015, chất lượng giáo dục ở Thanh Chương có sự chững lại, thậm chí là thụt lùi so với nhiệm kỳ trước. Ban Thường vụ Huyện ủy Thanh Chương tiến hành nhiều cuộc họp phân tích và xác định khâu đột phá là phải đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục. Cuối năm 2012, huyện luân chuyển cán bộ từ Huyện ủy về làm Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo. Tiếp đó, trên cơ sở tham mưu của Phòng Giáo dục - Đào tạo, UBND huyện ban hành Quyết định quy định tổ chức bộ máy, vị trí việc làm và tiêu chuẩn từng chức danh của phòng. Từ quy định tiêu chuẩn này, nhiều cán bộ quản lý và giáo viên dạy giỏi ở các trường lần lượt được điều động đảm nhận các vị trí quan trọng. Đồng thời sắp xếp, điều động, bổ nhiệm đội ngũ hiệu trưởng các trường học, đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã tổ chức cuộc gặp với hiệu trưởng 39 trường THCS trong toàn huyện (bậc yếu nhất trong các bậc học) để làm rõ từng khâu yếu kém ở từng trường, trên cơ sở đó giao hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm tìm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.

Phòng Giáo dục - Đào tạo đã chủ trương hướng mạnh về cơ sở bằng cách phân công lãnh đạo, chuyên viên chỉ đạo từng bậc học, trường học và tổ chức giao khoán chất lượng cho các nhà trường từng năm gắn với chỉ tiêu thi đua. Từ hoạt động này, các trường đều chăm lo đổi mới công tác quản lý và phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục. Hiệu trưởng các trường tích cực dự giờ, thăm lớp, tham gia sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn, góp ý cho từng tiết dạy, từng môn học. Các trường cũng tổ chức thi giáo viên dạy giỏi cấp trường theo hình thức, nội dung, đề bài chung toàn huyện để đánh giá mặt bằng chung giáo viên. Phòng Giáo dục - Đào tạo cũng đã tham mưu ban hành quyết định các tiêu chí đánh giá, xếp loại các trường từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên; chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn; cảnh quan môi trường sư phạm; tính tích cực trong việc tham gia các cuộc thi, chế độ thi đua, báo cáo... theo hướng thực chất.

Trao đổi về hiệu quả những giải pháp trên, đồng chí Nguyễn Khánh Sơn, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Lĩnh, cho biết: “Năm học vừa qua, chất lượng của trường tăng lên 13 bậc, xếp thứ 2 toàn huyện và tăng 131 bậc cấp tỉnh, xếp trong tốp 100 trường/450 trường THCS toàn tỉnh. Số học sinh giỏi huyện năm học 2013 - 2014 có 75 em/229 học sinh toàn trường”.

Với những giải pháp tích cực, chất lượng giáo dục của huyện Thanh Chương trong những năm gần đây đã có nhiều khởi sắc. Nếu như năm học 2012 - 2013, điểm bình quân thi vào lớp 10 đạt 22,39 điểm, xếp thứ 14 toàn tỉnh thì năm học sau đó (2013 - 2014) tăng lên điểm bình quân là 27 điểm, xếp thứ 11 trong toàn tỉnh. Tỷ lệ học sinh giỏi cấp huyện tăng từ 8,3% năm 2011 lên 10,3% năm 2015; học sinh giỏi cấp tỉnh tăng từ 0,38% năm 2011 lên 0,48% năm 2015 và có 2 em đạt học sinh giỏi quốc gia. Số lượng, chất lượng học sinh thi đỗ vào các trường đại học ngày càng tăng, năm 2014 có 1.200 học sinh đậu đại học, trong đó có 3 em đỗ Thủ khoa, 3 em đỗ Á khoa và 11 học sinh dự thi đạt từ 27 điểm trở lên. Riêng đợt tuyển sinh đại học năm 2015, thông tin sơ bộ đã có 15 học sinh đạt 27 điểm trở lên. Những bước chuyển trong giáo dục của Thanh Chương trong nhiệm kỳ 2010 - 2015, tạo tiền đề, động lực tiếp tục đưa sự nghiệp giáo dục huyện nhà đi lên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.


Bài, ảnh:  Minh Chi

TIN LIÊN QUAN

Tin mới