Vụ này, gia đình anh Lê Tất Chung ở xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương có hơn 1,5 tấn cam V2 chín muộn để bán vào dịp trong và sau Tết Nguyên đán. Năm nay, do đào được rãnh thoát nước và đầu tư, chăm sóc kỹ hơn nên vườn cam của anh Chung cho năng suất, sản lượng cao hơn năm ngoái; có những cây cam cho thu hoạch trên 3 tạ quả và màu sắc cũng tươi, đẹp hơn nên giá bán tăng.
"Trồng cam muộn công chăm sóc vất vả hơn nhưng giá trị kinh tế lại cao hơn nhiều so với cam chính vụ và các loại cây trồng khác nên gia đình chúng tôi đang tiếp tục cải tạo đất để mở rộng diện tích cam muộn. 1,5 tấn vụ này tôi thu được hơn 600 triệu đồng” - anh Chung chia sẻ.
Không riêng gì gia đình anh Lê Tất Chung, hiện trên địa bàn huyện Thanh Chương còn có rất nhiều hộ đầu tư trồng cam chín muộn. Theo kinh nghiệm của các hộ dân, trồng cam muộn không khó, tuy nhiên, việc chăm sóc tốn nhiều công sức. Trong đó, đất trồng cam phải đảm bảo tơi xốp, đủ ẩm, bón phân đúng kỹ thuật và phải có rãnh thoát để chống úng kịp thời, không để cho cây cam bị xói mòn gốc.
Trong quá trình chăm sóc cần nắm rõ quy trình sâu bệnh và thay đổi lá trên cây vào các tháng trong mùa. Muốn cam đạt chất lượng tốt, quả đẹp, thời điểm đầu vụ, người trồng phải biết can thiệp vào quá trình ra lộc hoa của cây, biết cách tỉa hoa, tỉa cành, tạo tán để cam ra hoa đúng thời điểm.
Là người có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng, hiện tại gia đình chị Trần Thị Lam ở xóm Sướn, xã Thanh Đức có hơn 5 ha cam các loại, chủ yếu là giống V2. Để đảm bảo trồng gối vụ và nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích, chị trồng 3 ha cam chín sớm cho thu hoạch từ tháng 9 đến hết tháng 11 ÂL, 2 ha cam chín muộn cho thu hoạch từ Tết đến hết tháng 3 ÂL. Ưu điểm của cam chín muộn là số lượng ít, lại chín vào dịp Tết nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, giá cả cao hơn nhiều so với cam chính vụ.
“Cam chín muộn giá bán thường cao hơn cam chính vụ từ 5 -10 giá. Hiện giờ tôi bán tại vườn là 40.000 đồng/kg, tết này gia đình thu hoạch được 50 tấn, sẽ có nguồn thu khoảng 2 tỷ đồng" - chị Trần Thị Lam chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Bá Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Đức, toàn xã có hơn 100 ha cam nhưng chủ yếu là trồng cam chính vụ, còn cam trái vụ có hơn 10 ha. Chỉ có những người có nhiều kinh nghiệm và kinh tế vững thì mới dám trồng vụ trái, và so với cam chính vụ thì trồng cam muộn có giá trị kinh tế cao, lại không lo việc tiêu thụ.
Sau Tết, ngoài tăng cường tập huấn KHKT cho người dân, xã vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng cam muộn để tăng thu nhập.