Đổi mới lãnh đạo, chỉ đạo
Thanh An là xã miền núi thuộc diện hưởng lợi Chương trình 135; không chỉ khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội, mà ở các nhiệm kỳ trước do sai phạm trong quản lý đất đai của một số cán bộ và nội bộ Đảng chưa thật sự đoàn kết, thống nhất; trong thời gian dài, địa phương rơi vào tình trạng khủng hoảng niềm tin trong cán bộ, đảng viên và người dân đối với cấp ủy, chính quyền.
Khâu đột phá trước hết là xây dựng khối đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng, từ đó lan tỏa tạo đồng thuận cao trong nhân dân.
Nhận rõ những khó khăn, bước vào nhiệm kỳ 2015 - 2020, trên cơ sở những bài học được rút ra, Đảng bộ xã Thanh An xác định khâu đột phá trước hết là xây dựng khối đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng, từ đó lan tỏa tạo đồng thuận cao trong nhân dân. Các chủ trương đưa ra trong nhiệm kỳ, từ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đều được bàn bạc thấu đáo, phát huy cao tính dân chủ, phát huy trí tuệ trong tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, nhân dân để triển khai.
Quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện, Đảng ủy xác định rõ trọng tâm, trọng điểm; phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng tổ chức, cá nhân để bám việc, sát cơ sở; chú trọng công khai, minh bạch trong các khâu; phát huy tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên “làm trước”; đặc biệt luôn biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Đảng ủy xã đã chủ động vào cuộc giải quyết những việc mới, việc khó, nhạy cảm, không né tránh; chăm lo xử lý các vấn đề tồn đọng, bức xúc, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân; đơn thư, phản ánh, kiến nghị của nhân dân. Từ đó, niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy ngày một củng cố; không khí đồng thuận trong Đảng, trong nhân dân ngày một nâng cao vì sự phát triển chung của địa phương.
Đảng ủy xã đã lãnh đạo tạo được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và người dân trong việc giảm từ 15 thôn xuống còn 6 thôn.
Minh chứng rõ nhất là thông qua việc sắp xếp các thôn theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), Đảng ủy đã lãnh đạo, tạo được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và người dân trong việc giảm từ 15 thôn xuống còn 6 thôn. Và sự lãnh đạo của Đảng cũng thể hiện rõ thông qua lựa chọn nguồn ban cán sự ở xóm “ý Đảng, lòng dân một ý chí” khi có 6/6 thôn có bí thư hoặc phó bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn (trước thời điểm sáp nhập có 12/15 thôn trưởng là quần chúng).
Xây dựng niềm tin, tạo mối đoàn kết
Từ những đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền và sự vào cuộc đồng bộ của MTTQ, các tổ chức đoàn thể, kết quả thực hiện nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ được Đảng bộ xã đề ra trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 ở Thanh An đạt và vượt kế hoạch.
Đồng chí Nguyễn Danh Duyên - Bí thư Đảng ủy xã Thanh An cho biết, trên cơ sở bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Đề án Phát triển một số cây trồng hàng hóa, tạo vùng nguyên liệu gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm của Huyện ủy Thanh Chương, Đảng ủy xã đã chỉ đạo, vận động nhân dân mở rộng diện tích gắn với đẩy mạnh ứng dụng KHKT trên cây chè. Trong nhiệm kỳ đã trồng mới trên 155 ha, nâng tổng diện tích chè toàn xã lên hơn 500 ha.
Gắn với tăng diện tích, nhiều hộ trồng chè cũng mạnh dạn đầu tư thâm canh, đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiêu từ 70 - 100 triệu đồng/hộ, đảm bảo cây chè sinh trưởng, phát triển tốt. Nhờ đó, năng suất, sản lượng chè của địa phương tăng cao so với đầu nhiệm kỳ; từ sản lượng chè búp tươi đạt 4.800 tấn năm 2015; năm 2019 đạt 5887,1 tấn.
Cấp ủy, chính quyền xã cũng chỉ đạo nhân dân trồng mới và trồng lại rừng nguyên liệu đạt hơn 540 ha; vận động nhân dân ở các thôn có diện tích vườn đồi lớn như Thượng Lâm, An Ngọc, An Hòa, An Bình…, cải tạo vườn tạp để trồng các cây có giá trị hàng hóa như cam bù, bưởi da xanh, chanh… Chăn nuôi được chuyển hướng theo mô hình gia trại tập trung với các con nuôi chủ lực lợn, gà bản địa; tận dụng diện tích mặt nước để mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 120 ha.
Trên cơ sở tiềm năng du lịch đảo chè, Đảng bộ xã cũng tập trung lãnh đạo, định hướng nhân dân mở rộng và nâng cao các chất lượng dịch vụ phục vụ du khách. Theo đó, lượng khách đến điểm đảo chè ngày càng tăng, đạt hơn 10.000 lượt khách/năm. Các dịch vụ, thương mại, ngành nghề tiếp tục phát triển với tổng 102 cơ sở, ki ốt tạp hóa; các dịch vụ sửa chữa xe máy, xe đạp, điện tử, vận tải…
Ngoài ra, trong nhiệm kỳ Thanh An có bước đột phá trong huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, 5 năm đạt hơn 51 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp chiếm 17,2%, địa phương đã xây dựng mới 1 cụm trường mầm non gồm 8 phòng học; 3 phòng chức năng trường tiểu học; tu sửa, nâng cấp một số hạng mục trường THCS, nhà sinh hoạt cộng đồng và trạm y tế xã, nhà văn hóa thôn Thượng Lâm; điện Đức Mẹ; Quán Thánh; xây dựng 5 cầu, cống dân sinh và hơn 11 km đường bê tông, gần 3 km kênh mương cấp 2 phục vụ tưới tiêu.
Chương trình NTM cũng được cấp ủy, chính quyền Thanh An tập trung chỉ đạo và có thêm 3 tiêu chí đạt (thủy lợi, thu nhập, nhà ở dân cư), nâng tổng số tiêu chí đạt lên 13/19. Đối với 6 tiêu chí chưa đạt cũng đã triển khai thực hiện được nhiều nội dung quan trọng về giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, y tế, môi trường, tổ chức sản xuất, văn hóa. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; quốc phòng - an ninh được chăm lo.
Quyết tâm cao cho nhiệm kỳ tới
Dẫu đã có nhiều chuyển đổi, bộ mặt nông thôn khởi sắc, mức sống người dân được nâng lên, song Thanh An vẫn là địa bàn còn nhiều khó khăn, nhất là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong nhiệm kỳ mới cần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là về sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường, hội nhập; khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ.
Bí thư Đảng ủy xã - đồng chí Nguyễn Danh Duyên chia sẻ thêm: Từ thực tiễn đặt ra yêu cầu cho cấp ủy nhiệm kỳ mới 2020 - 2025 cần tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là nhận thức về sản xuất hàng hóa, kinh tế thị trường, hội nhập; khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ. Cấp ủy, chính quyền phải vào cuộc quyết liệt hơn trên cơ sở xác định các thế mạnh của địa phương gắn với quy hoạch các vùng sản xuất tập trung theo từng loại sản phẩm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, bao gồm vùng cây ăn quả, vùng chè công nghiệp, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất lúa và rau màu.
Xây dựng, nhân rộng, phát triển các mô hình kinh tế gia trại, trang trại cho thu nhập cao, nâng cao giá trị thu nhập của ngành chăn nuôi trong nội ngành nông nghiệp. Thanh An cũng chủ trương phát triển các ngành nghề, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn; tiểu thủ công nghiệp; kinh doanh thương mại - dịch vụ tại đảo chè, tuyến Quốc lộ 46C... Cùng đó, Đảng bộ cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thu hút mọi nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng gắn với hoàn thiện các tiêu chí NTM, phấn đấu về đích NTM vào năm 2023.
Để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, Đảng bộ xác định phát huy tốt hơn nữa sức mạnh đoàn kết, dân chủ trong Đảng, trong nhân dân; đổi mới mạnh mẽ nhận thức, tư duy và hành động, đưa Thanh An phát triển cao hơn trong nhiệm kỳ mới 2020 - 2025.