Mong manh “người hùng” - “tội đồ”
Có lẽ đến bây giờ và sau này, nhiều người vẫn tiếc nuối cho HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng và các cầu thủ người Nghệ trong đội hình U23 Việt Nam tham dự đấu trường SEA Games 29. Hữu Thắng và các học trò đã có màn trình diễn cực kỳ ấn tượng, “thắng như chẻ tre” ở các giải đấu tập huấn tiền SEA Games và những trận đấu mở màn vòng bảng, nhưng cái cần nhất là một điểm ở trận đấu “sinh tử” với người Thái thì lại không làm được. Nhưng bóng đá là vậy, ngoài chuyên môn thì may mắn là một phần không thể thiếu. Và ở SEA Games 29, dường như “vận may” đã ngoảnh mặt với Hữu Thắng và các học trò!
SLNA với chiếc Cúp vô địch quốc gia thứ 4 của CLB. Ảnh: P.V Từ “niềm hy vọng vàng”, U23 Việt Nam bị loại ngay ở vòng bảng một cách bất ngờ. Hữu Thắng với tính cách của người Nghệ, “không cố đấm ăn xôi” mà đã đứng ra nhận trách nhiệm và tuyên bố từ chức để xoa dịu dư luận cho VFF. Tạo được những dấu ấn nhất định với những trận đấu thành công ở vòng loại châu Á 2018, nhưng chỉ vì một chút sơ sểnh của tuyển U23, Hữu Thắng lại trở thành “tội đồ”. “Dậu đổ bìm leo”, lúc đó nhiều người quay lại chỉ trích Hữu Thắng bảo thủ, “cục bộ địa phương” khi gọi đến 9 cầu thủ xuất thân từ bóng đá xứ Nghệ là Đình Luật, Văn Hoàn, Đình Đồng, Đình Hoàng, Công Vinh, Nguyên Mạnh, Phi Sơn, Ngọc Hải và Hoàng Thịnh vào đội tuyển quốc gia, còn ở SEA Games ông lại tin dùng học trò cũ Tuấn Tài dù ở CLB SLNA cầu thủ này ít khi được ra sân.
Nhưng trên sân cỏ, các cầu thủ xứ Nghệ cho thấy họ xứng đáng có mặt trong đội hình ra sân, có chăng “thần may mắn” đã không mỉm cười như ở AFF Cup 2008 - năm mà cú đánh đầu của tiền đạo người Nghệ Lê Công Vinh (nay là Chủ tịch CLB TP Hồ Chí Minh) trên sân Mỹ Đình vào phút chót trước người Thái đã đem về chức vô địch Đông Nam Á đầu tiên cho bóng đá Việt Nam.
SLNA luôn là đội bóng có số lượng CĐV đông đảo nhất cả nước. Ảnh: P.V Sau thời HLV Hữu Thắng, khi HLV Mai Đức Chung tạm quyền cũng như triều đại mới của HLV người Hàn Quốc là ông Park Hang-seo, đã từng có thời gian không có cầu thủ nào của SLNA được gọi lên tuyển, dù họ đều đang có phong độ rất tốt.
“Sông Lam biết khi mô cho cạn”
Tưởng chừng như cánh cửa lên các đội tuyển sẽ đóng lại một thời gian dài với các cầu thủ SLNA, nhưng với những màn trình diễn xuất sắc, những ngày cuối cùng của năm 2017, HLV Park đã cho gọi bổ sung một số cầu thủ SLNA vào đội hình dự VCK U23 châu Á 2018, điển hình là tiền vệ trẻ Phan Văn Đức. Từ một cầu thủ “vô danh” Văn Đức trở nên “chói sáng” ở Cúp Quốc gia với 4 bàn thắng trong những trận đấu quyết định, góp phần giúp SLNA giành Cúp Vô địch Quốc gia sau nhiều năm đội 1 trắng danh hiệu. Đặc biệt, tại Vòng Chung kết giải U23 châu Á tổ chức tại Trung Quốc vừa qua, cầu thủ quê Yên Thành này đã tỏa sáng rực rỡ, góp phần quan trọng đưa U23 Việt Nam vào tận bán kết, tạo nên mốc son cho lịch sử bóng đá nước nhà.
Trước khi rời SLNA, Phi Sơn đã cùng với đội bóng xứ Nghệ đoạt danh hiệu Vô địch Cúp Quốc gia. Ảnh: P.V Không chỉ ra trình làng một cầu thủ trẻ có triển vọng, với lần thứ 4 đoạt Cúp Quốc gia, đội bóng xứ Nghệ xác lập kỷ lục mới là đội đoạt nhiều Cúp Quốc gia nhất. Cũng trong năm 2017, sau vài mùa “thất bát” ở các giải trẻ, SLNA đã đem về phòng truyền thống thêm một Cúp vô địch ở lứa tuổi U11 và 3 chiếc Huy chương Đồng của các đội U13, U15 và U21.
Nhưng phận “con nhà nghèo” vẫn mãi đeo bám SLNA. Kết thúc mỗi mùa bóng, vì nguồn lực tài chính hạn hẹp, SLNA không đủ tiền “lót tay” cho các cầu thủ hết hạn hợp đồng và đành để họ dứt áo ra đi.
Năm nay khán giả thành Vinh lại chứng kiến cầu thủ xuất sắc nhất đội là tiền đạo Phi Sơn chia tay đội bóng. Nhiều người tự an ủi rằng, biết đâu “Ronaldo xứ Nghệ” ra đi là cơ hội để các “ngôi sao mới” như Văn Đức tỏa sáng.
SLNA vô địch Giải Bóng đá nhi đồng toàn quốc 2017. Ảnh: P.V Trong bối cảnh bóng đá Việt đang gặp nhiều khó khăn, việc duy trì được “lò” đào tạo với các tuyến cầu thủ trẻ có chất lượng và mở các lớp bóng đá trẻ nghiệp dư đến tận các huyện, tổ chức thành công giải trẻ có uy tín như Giải bóng đá TN-NĐ Cúp Báo Nghệ An cho thấy, tiềm năng bóng đá xứ Nghệ “không biết khi mô cho cạn”. SLNA trở thành nơi cung cấp cầu thủ nội nhiều nhất cho các CLB ở V.League lẫn giải hạng Nhất. Và điều đáng mừng là các cầu thủ này dù khoác áo CLB nào cũng để lại ấn tượng tốt đẹp.
Như Chủ tịch FLC Thanh Hóa - Doãn Văn Phương (CLB đang sở hữu các cầu thủ trưởng thành từ “lò” SLNA như Văn Bình, Đình Đồng, Hoàng Thịnh) đánh giá: Khi làm việc với nhau, tôi ấn tượng vì sự chuyên nghiệp của cầu thủ Nghệ An.
Ngoài việc chú trọng công tác đào tạo trẻ, những năm gần đây, các cầu thủ SLNA sau khi giải nghệ đã tiếp tục học thêm các bằng HLV quốc tế. Năm nay Hữu Thắng, Đức Thắng, Thành Công, Quang Trường là một trong những số HLV đầu tiên của Việt Nam hoàn thành khóa học AFC Professional Coaching Diploma, và được cấp bằng AFC Pro.
Với tấm bằng HLV chuyên nghiệp này, giờ đây các “ông đồ” bóng đá xứ Nghệ có thể dẫn dắt các CLB ở nước ngoài cũng như các đội tuyển quốc gia. Trước đây, khi chưa được đào tạo bài bản, nhiều HLV người Nghệ như Nguyễn Thành Vinh, Nguyễn Hồng Thanh, Vũ Quang Bảo, Nguyễn Văn Thịnh, Hữu Thắng, Văn Sỹ Sơn, Quang Trường... cũng gặt hái được những thành công nhất định với nhiều CLB. Ở mùa giải 2017, dù mới lên nắm đội 1 SLNA nhưng HLV Đức Thắng cũng kịp tạo dấu ấn với chiếc Cúp Quốc gia, Như Thuật năm đầu tiên dẫn dắt U11 cũng giúp đội nhà giành Cúp vô địch...
HLV Hữu Thắng ngày rời ghế HLV trưởng U23 Việt Nam. Ảnh: P.V Dù có lúc thăng lúc trầm, trên sân cỏ, ở băng ghế huấn luyện, hay trên các khán đài, ở đâu người Nghệ vẫn là những điểm sáng nổi bật và có những đóng góp cho sự phát triển của bóng đá Việt.