(Baonghean) - Đền ơn đáp nghĩa là truyền thống và đạo lý tốt đẹp của dân tộc ta. Những ngày tháng Bảy này, các cấp, ngành, đoàn thể ở các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều hoạt động tri ân đậm ý nghĩa nhân văn, thể hiện lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sỹ, người có công với cách mạng…

images1634023_bna_579819423a2ee.jpgLãnh đạo tỉnh trao bằng công nhận danh hiệu Mẹ VNAH cho các mẹ ở TP.Vinh
 
Hiện nay, Nghệ An là một trong những tỉnh đang quản lý và chi trả trợ cấp thường xuyên và một lần cho người có công lớn trong cả nước, với gần 78.000 đối tượng, với số tiền chi trả hàng tháng trên 117 tỷ đồng. Trong đó, có 20 cán bộ lão thành cách mạng, 201 cán bộ tiền khởi nghĩa, 162 mẹ VNAH, 23 anh hùng lực lượng vũ trang, 24.425 thương binh, 10.788 bệnh binh, 16.133 người nhiễm chất độc hóa học…

 Cùng với việc thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ trợ cấp ưu đãi đối với người có công với nước, trong những năm qua, công tác chăm lo hỗ trợ, giúp đỡ người có công vươn lên trong cuộc sống được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm, triển khai thực hiện và đã đạt được kết quả tích cực. Tuy điều kiện kinh tế của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng Nghệ An luôn dành một phần kinh phí thỏa đáng để thực hiện chính sách cho người có công, đặc biệt trong việc hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa; nâng cấp sửa chữa nhà ở cho người có công khó khăn về nhà ở;  nâng cấp, sửa chữa các nghĩa trang liệt sĩ; tìm kiếm, cất bốc, quy tập các phần mộ liệt sĩ hy sinh ở nước bạn Lào và các nghĩa trang trên địa bàn.

Tháng Bảy về, mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh lại dành những tình cảm tốt đẹp, những phần quà ý nghĩa đến các gia đình có công với cách mạng. Những ngày này, ngôi nhà tình nghĩa vừa được sửa chữa của thương binh Nguyễn Trọng Cảnh (SN 1948) ở khối 14, phường Nghi Hương (TX. Cửa Lò) có rất nhiều đoàn của các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể đến thăm hỏi, động viên, tặng quà. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường miền Nam, ông Cảnh trở về quê hương với đôi mắt bị mù, chân tay tê liệt, không có khả năng lao động khi dẫm phải mìn trong chiến dịch giải phóng thành phố Huế tháng 3/1975. Tuy nhiên, trong căn nhà tình nghĩa được xây dựng từ năm 1995, niềm tin vào cuộc sống của ông vẫn vẹn nguyên như cái thuở “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai…”. Bởi ông còn có gia đình là chỗ dựa, còn có sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cùng bà con lối xóm. Khi căn nhà đã xuống cấp, ông được chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ thêm 40 triệu đồng để sửa sang và bàn giao vào đầu tháng 7 này. 

Thắp nến tri ân các liệt sỹ. Ảnh: Lê Thắng

Tháng Bảy này cũng là dịp để  đoàn thanh niên các cấp tăng cường tuyên truyền cho các đoàn viên, thanh niên về đạo lý uống nước nhớ nguồn, về công tác đền ơn đáp nghĩa. Chị Nguyễn Thị Thơm – Phó Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: Ngay từ tháng 6, Tỉnh đoàn đã xây dựng kế hoạch cho các hoạt động tri ân hướng đến kỷ niệm ngày 27/7. Theo đó, Tỉnh đoàn yêu cầu các cấp bộ đoàn tổ chức các hoạt động tuyên truyền về lịch sử ra đời và ý nghĩa của Ngày Thương binh - Liệt sĩ; thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình thương bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; tổ chức các hoạt động tình nguyện chăm sóc sức khỏe như khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho các gia đình chính sách và các gia đình tại vùng khó khăn... Song song đó là các hoạt động vệ sinh môi trường, tu sửa, chỉnh trang, tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp tại các nghĩa trang, tượng đài liệt sĩ, các di tích lịch sử văn hóa; giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam; thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ…

Lãnh đạo huyện Đô Lương thăm tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn

Đồng chí Nguyễn Bằng Toàn – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định: “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” là trách nhiệm của cả cộng đồng và toàn xã hội để cuộc sống tinh thần và vật chất của người có công đầy đủ hơn, ấm áp hơn. Do đó, trong thời gian tới, các cấp, các ngành, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh sẽ tiếp tục chung tay chăm sóc các thương binh, liệt sĩ và người có công để làm xoa dịu đi nỗi đau mất mát đối với thân nhân gia đình liệt sĩ, góp phần thực hiện tốt việc chăm lo đời sống vật chất tinh thần của họ ngày càng tốt hơn. Thực hiện tốt công tác này không chỉ phát huy truyền thống, đạo lý của dân tộc ta mà còn góp phần quan trọng ổn định tình hình an ninh, chính trị, phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội”. 

Nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2016), tỉnh đã tổ chức Đoàn người có công tiêu biểu của tỉnh đi thăm thủ đô Hà Nội vào viếng và báo công với Bác, thăm khu di tính K9; khu căn cứ cách mạng tỉnh Tuyên Quang…; tổ chức các đoàn lãnh đạo tỉnh đi dâng hương, dâng hoa tại nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (tỉnh Quảng Trị); Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào (huyện Anh sơn); Khu di tích lịch sử Truông bồn (huyện Đô Lương); Quảng trường Xô Viết Nghệ Tĩnh (huyện Hưng Nguyên); thăm và tặng quà cho các đơn vị làm công tác chăm sóc, nuôi dưỡng thương bệnh binh, người có công và các gia đình chính sách người có công tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Minh Quân

TIN LIÊN QUAN