(Baonghean) - Tháng Ba, bầu trời như cao xanh hơn, màu nắng Xuân cũng trong trẻo hơn trên đảo Mắt. Biển và trời ở hòn đảo nhỏ cách đất liền 18 hải lý dường như hòa cùng một sắc - sắc xanh ngọc bích. Tháng Ba này, chúng tôi đã cùng chung một hải trình ra với những người giữ đảo, đúng dịp đảo kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, 40 năm được vinh dự đón nhận danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang.
Sau hơn 1 tiếng đồng hồ chao lắc giữa những con sóng lừng và cơn mưa đỏng đảnh mùa hạ quất xiên xiên, đảo đã trầm hùng, gân guốc hiện ra với những gộp đá khổng lồ vờn xuống tận chân sóng. Tạc vào dáng đảo là hàng ngũ vuông vức, nghiêm trang của các cán bộ, chiến sỹ đảo Mắt đứng thành một khối trên cầu cảng đón khách đất liền. Tàu cập mạn, đảo và bờ đã tay trong tay, ríu rít bao nhiêu câu chuyện tưởng chừng không bao giờ kết. Chúng tôi luồn dưới những tán cây không tên dày đặc, mát rượi, theo con đường bê tông quanh co để lên với các trung đội. Cao vút trên cao điểm 218 là nóc đảo, tâm đảo, nơi đây đã có điểm định vị vệ tinh toàn cầu (GPS). Vọng gác uy nghi nằm cạnh đài tưởng niệm liệt sỹ với hàng chữ "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" được tạc thẳng vào vách đá trong những năm chống Mỹ khốc liệt. Phía dưới là trạm hải đăng nằm yên bình bên mép đá. Rải theo các gộp đá, triền sóng vỗ ầm ào là doanh trại của các trung đội lính đảo được xây dựng kiên cố. Ở trung đội nào cũng có nơi ăn ở gọn gàng, sach sẽ, vũ khí ngời ánh thép nằm sẵn sàng trên giá súng. Quanh quẩn bên nòng pháo, doanh trại là lũ gà túc túc kiếm ăn, mấy chú lợn đảo bụng tròn căng nằm thản nhiên trong bóng mát của những gốc sung đảo. Khung cảnh thật yên ả, không khác gì một vùng quê nào ở đất liền.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đảo Mắt được giao nhiệm vụ đánh địch tập kích đường không, đổ bộ vào đất liền bằng đường biển trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đồng thời bảo vệ và tiếp chuyển cho các đoàn vận tải hàng hóa, vũ khí trang bị cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc, đảo Mắt là một trọng điểm đánh phá của chúng. Không ngày nào ngớt tiếng bom đạn trên đảo. Mỗi ngày bình quân đảo phải chịu 2 tới 3 trận oanh kích. Hàng trăm trận thử lửa nóng bỏng càng làm đảo vững vàng hơn lên để đối mặt với kẻ thù. Trong suốt thời kỳ chiến tranh phá hoại, đã có hơn 400 máy bay Mỹ lượt đánh phá đảo, cán bộ, chiến sỹ kiên cường bám trụ đánh lại chúng hàng trăm trận. Có trận chúng dùng hàng chục máy bay với hàng trăm quả bom tấn, bom tạ , rốc két, bom bi, bom phạt… Nhiều trận, bom Mỹ nổ cách trận địa pháo chừng 2 đến 3 mét, nhưng tiếng pháo phòng không kiên cường từ đảo vẫn vang rền, vít đầu giặc xuống, bắt chúng phải đền tội. Hàng trăm tàu chiến, thủy phi cơ đến cứu phi công đều bị các chiến sỹ giữ đảo đánh cho khiếp sợ, quay đầu tháo chạy.
Trong chiến đấu, đã có nhiều đồng chí nêu cao tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” tiêu biểu như Hồ Kiên Giao, khi quanh mình bom đạn địch cày xới, bị thương nặng mà không một tiếng kêu la, vẫn động viên khẩu đội tiếp tục chiến đấu, phút cuối cùng ngã xuống anh vẫn ở trong tư thế tiếp đạn cho đồng đội bắn tan xác một máy bay f105 của giặc Mỹ. Y tá Phan Đình Châu dùng thân mình đỡ chân súng cho đồng đội bắn khi trên mình mang đầy thương tích. Còn rất nhiều các đồng chí: Lưu, Linh, Quý, Lạt và đặc biệt như liệt sỹ Phạm Hồng Thủ, dù bị thương rất nặng với hàng chục vết thương, nằm trên bàn mổ suốt 9 tiếng đồng hồ vẫn lạc quan, không một tiếng kêu la, gần tắt thở anh ghi lại quyết tâm “Nếu tôi không còn cầm súng trực tiếp đánh Mỹ được nữa, thì Đảng cho tôi được cầm bút đánh Mỹ…”. Nay những dòng chữ bất hủ đó đã được đưa vào phòng truyền thống của Bảo tàng Quân khu 4. Tinh thần dũng cảm kiên cường của cán bộ, chiến sỹ đảo Mắt đã được ghi danh với việc bắn chìm 14 tàu chiến, bắn rơi và bắn hỏng 15 máy bay các loại, giải thoát cho 3.101 lượt thuyền dân, cứu sống 137 ngư dân bị nạn. Ngày 11/1/1973, đảo Mắt vinh dự được nhận danh hiệu Anh hùng, điều đó càng làm cho cán bộ, chiến sỹ trên đảo thêm vinh dự, tự hào, chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc.
Chiến sỹ đảo Mắt trên thao trường.
Trong những ngày đất nước yên bình, đảo vẫn thao thức không quên cảnh giác. Các chiến sỹ ở đảo thường xuyên duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, trực phòng không, trực thông tin cơ yếu. Phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Cửa Lò - Bến Thủy, Hải đội 2, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Cảnh sát biển Vùng 1, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Sở NN&PTNT nắm và kiểm soát chặt chẽ tình hình biển đảo trong khu vực đảm nhiệm. Và bằng mồ hôi, công sức của mình, các chiến sỹ đã biến đảo trở thành một đảo sinh thái, thành lá phổi xanh điều tiết không khí cho khu du lịch Cửa Lò. Đảo trưởng, Thiếu tá Đinh Xuân Lâm cho biết, việc tăng gia trên đảo được chú trọng, cải thiện được nhu cầu thiết yếu về rau xanh và thực phẩm trong bữa ăn của cán bộ, chiến sỹ. Năm nay, đảo được lắp đặt một cột thu phát sóng tín hiệu điện thoại di động Viettel. Đây chính là sự động viên và là cơ hội để cán bộ, chiến sỹ trên đảo liên lạc với gia đình và người thân, nhất là những chiến sỹ trẻ, lần đầu tiên xa gia đình.
Bộ đội trồng rau trên đảo.
Cách xa đất liền, là đảo tiền tiêu xứ Nghệ, nhưng đảo Mắt không bao giờ thiếu vắng tình cảm hậu phương. Năm nào cũng có nhiều đoàn khách ra cùng đảo. Từ lúc tàu cập mạn đến lúc trở về là những giây phút tưng bừng của đảo. Cho đến lúc chân vịt sôi lên, tàu quay mũi trở về, lính đảo như được tiếp thêm một luồng sinh khí mới, chắc tay súng, an lòng đứng đầu ngọn sóng gìn giữ bình yên cho biển trời Tổ quốc.
Tháng Ba ở đảo Mắt
Trần Hải