Quan hệ gắn kết anh em giữa hai dân tộc đã được hình thành và phát triển cùng bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước. Đặc biệt, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung giữa nhân dân hai nước đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản và Chủ tịch Xuphanuvông đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, được tôi luyện qua nhiều thử thách và hun đúc bằng công sức, xương máu của bao thế hệ các anh hùng liệt sỹ, trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc.
Cách đây 58 năm, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam và Lào bước vào giai đoạn khó khăn, ác liệt. Nhưng với những thắng lợi quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao của cách mạng Lào, Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1962 về Lào đã được ký kết, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho cách mạng hai nước Lào và Việt Nam. Trước thời cơ và điều kiện thuận lợi đó, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 05/9/1962. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, là dấu mốc rất quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của hai dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất.
Sau khi hai nước được hoàn toàn giải phóng, để đưa quan hệ Việt Nam - Lào phát triển toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu, hai nước đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vào ngày 18/7/1977. Bốn mươi ba năm qua, Hiệp ước đã trở thành cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để hai nước không ngừng củng cố và phát triển quan hệ, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhìn lại chặng đường đã qua, tỉnh Nghệ An tự hào cùng với các tỉnh của nước bạn Lào anh em (Bôlykhămxay, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng) đã góp phần tô thắm quan hệ truyền thống giữa hai nước.
Trong những năm kháng chiến, với tình cảm quốc tế cao cả, trong sáng, thủy chung, biết bao người con xứ Nghệ đã gạt tình riêng, vì nghĩa lớn, rời quê hương sang nước bạn Lào cùng chiến đấu chống kẻ thù chung để giành độc lập, tự do cho hai dân tộc. Hòa bình lập lại, hàng trăm chuyên gia, hàng ngàn cán bộ của tỉnh Nghệ An lại tiếp tục lên đường sang các tỉnh bạn của Lào để giúp khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh.
Về đối ngoại nhân dân, các huyện biên giới phối hợp với Bộ đội Biên phòng vận động bà con không di dịch cư tự do; kết hôn không giá thú; không truyền đạo trái phép; không sử dụng, mua bán, vận chuyển, tàng trữ chất ma túy và hàng cấm; không tái trồng cây thuốc phiện; không nghe theo luận điệu xấu của kẻ địch; bảo vệ cột mốc quốc giới, thực hiện tốt Hiệp định biên giới, xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển.
Phong trào kết nghĩa bản - bản, đồn trạm biên phòng hai bên biên giới liên tục phát triển. Đến nay đã có 21 cặp bản, 8 đồn trạm kết nghĩa mang lại hiệu quả tốt về kinh tế, văn hóa và an ninh biên giới.
Thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, các đơn vị trong Bộ đội Biên phòng tỉnh đang nhận đỡ đầu 17 cháu học sinh Lào với mức hỗ trợ 500.000đ/cháu/tháng.
Trong phòng chống dịch Covid-19, tỉnh Nghệ An đã trao tặng tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Phăn và Bôlykhămxay trang thiết bị y tế và lương thực, thực phẩm trị giá 1,8 tỷ đồng. Bộ đội Biên phòng tỉnh, quân sự tỉnh, công an tỉnh và các huyện biên giới quyên góp kinh phí, vật chất giúp đỡ các tỉnh biên giới và lực lượng bảo vệ biên giới của bạn Lào trị giá 2 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh Nghệ An đang chuẩn bị tiếp tục hỗ trợ lương thực, vật tư y tế trị giá 1 tỷ đồng cho các tỉnh Hủa Phăn, Bôlykhămxay, Xiêng Khoảng phòng chống dịch Covid-19.
Đặc biệt, đã có nhiều công trình, dự án có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông vận tải được triển khai như: Tổ chức bổ sung tư liệu và nâng cấp Phòng trưng bày Cuộc đời, thân thế, sự nghiệp Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, tiến tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch (13/12/1920 - 13/12/2020); tỉnh Nghệ An hỗ trợ xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Xiêng Khoảng (vốn viện trợ của Chính phủ Việt Nam) và giúp trang thiết bị y tế, chuyên môn về siêu âm, hồi sức cấp cứu, sản phụ khoa, chấn thương chỉnh hình, tai mũi họng; lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đường Thanh Thủy đi Pạcxan tỉnh Bôlykhămxay; xây dựng Trạm xá quân dân y Nậm On tỉnh Bôlykhămxay; khám và chữa bệnh cho người dân các huyện biên giới Lào,…
Hiện nay, có khoảng 90 doanh nghiệp của Nghệ An đang trực tiếp đầu tư, kinh doanh có hiệu quả vào thị trường Lào với tổng số vốn trên 200 triệu đô la.
Trong lĩnh vực giáo dục, văn hóa, Nghệ An rất coi trọng việc hợp tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các tỉnh nước Bạn Lào. Năm học 2019-2020, các trường đại học, cao đẳng tỉnh Nghệ An đã tiếp nhận 111 cán bộ, học sinh sang học tiếng Việt, đào tạo 88 đại học các ngành, 06 cao học và 01 nghiên cứu sinh. Hàng năm, tỉnh Nghệ An trích ngân sách hỗ trợ đào tạo cho Lào 6,5 tỷ đồng. Tỉnh Nghệ An tặng Thư viện tỉnh Xiêng Khoảng 2000 cuốn sách; hỗ trợ thiết chế văn hóa cho các cụm bản biên giới.