(Baonghean.vn) - Tham gia TPP, bên cạnh những cơ hội và kỳ vọng, còn có không ít thách thức cần được nhận diện rõ hơn trên các lĩnh vực. Dưới đây là ý kiến một số doanh nghiệp ở Nghệ An xung quanh vấn đề này.
Ông Trần Anh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng công ty CP nông sản XNK Nghệ An, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tiêu biểu cho biết:
Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP là hiệp định đòi hỏi những tiêu chuẩn cao cả về thương mại, dịch vụ gắn với môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ thuật… và những chế tài giám sát thực thi rất mạnh mẽ. Đặc biệt TPP không phân biệt giữa các nước giàu nghèo để có những ưu đãi riêng biệt, khi đã chấp nhận tham gia là chấp nhận cuộc chơi công bằng giữa các nước.
Ngoài những lĩnh vực được hưởng lợi, nếu TPP được ký kết thì còn có ngành gặp phải một số vấn đề khó khăn như xuất khẩu thủy sản và lúa gạo có thể giảm 10-15% do những rào cản kỹ thuật, quy chuẩn nguyên liệu. Các ngành hàng sản xuất và hàng hóa của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh bình đẳng với các nước trong khối khi thuế nhập khẩu giảm về 0%; thị trường dịch vụ, đầu tư phải mở cửa, mua sắm chính phủ sẽ phải tuân theo khuôn khổ TPP. Sức ép liên quan đến giảm thuế nhập khẩu hàng hóa về mức 0% sẽ chủ yếu đến từ các nước mà Việt Nam chưa có các hiệp định thương mại tự do FTA, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Mexico và Peru.
Ông Phan Xuân Hợi – Tổng giám đốc Tổng công ty Cp dệt may Hoàng Thị Loan:
Nguyên liệu sản xuất của công ty gồm bông và xơ. Xơ mua trong nước, nhưng bông nhập khẩu 100%, chủ yếu từ Tây Phi, Pakistan, Ấn Độ. Tham gia TPP, về tổng thể chung ngành dệt may có nhiều cơ hội và nằm trong bối cảnh chung đó, Công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan với cơ cấu 100% là sản xuất sợi sẽ cơ hội gián tiếp thông qua dệt may. Nghĩa là khi dệt may có điều kiện để đẩy mạnh thì đương nhiên sản phẩm sợi cũng sẽ phát triển.
Thị trường xuất khẩu của chúng tôi chủ yếu xuất sang thị trường Ai Cập, Trung Quốc, là các nước nằm ngoài TPP, vì thế cơ hội của doanh nghiệp trông chờ vào 45-50% doanh số ở thị trường nội địa. Thế nhưng trong nước hiện cung vượt cầu, cạnh tranh thị trường rất căng (theo Hiệp hội dệt may Việt Nam, năm 2013 toàn thị trường có 4 triệu cọc sợi thì nay có 7 triệu cọc sợi).
Thách thức khác là doanh nghiệp nước ngoài vào chiếm lĩnh thị trường, họ có thiết bị hiện đại, dòng sản phẩm cao hơn. Vì thế, để tồn tại và phát triển, giải pháp đặt ra là phải tập trung quản trị sản xuất tốt, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, đổi mới thiết bị. Ở tầm vĩ mô, hiện Tổng công ty Cp dệt may Hà Nội đang có chiến lược đầu tư mạnh cho cụm công nghiệp dệt may của Nghệ An, Hà Tĩnh với những kế hoạch đầu tư cụ thể. Theo đó, doanh nghiệp “con” chúng tôi cũng sẽ có những thay đổi căn bản cho gia nhập TPP tới đây.
Ông Nguyễn Đình Sinh- Giám đốc Công ty CP Austdoor:
Theo góc nhìn của chúng tôi thì tham gia TPP có nhiều thuận lợi hơn là thách thức. Khi TPP có hiệu lực, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng có cơ hội tiếp xúc với các doanh nghiệp nước ngoài. Qua cọ xát để có đánh giá mình ở đâu, từ đó có giải pháp phát triển.
Vào TPP là bước ngoặt cho Việt Nam thay đổi cách thức phát triển, cải cách thể chế, tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, là động lực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam. Vào TPP, tất cả doanh nghiệp lớn nhỏ đều phải thay đổi về tư duy chiến lược, công nghệ. Vì thế, đây sẽ là bài test, là môi trường để sàng lọc doanh nghiệp, doanh nghiệp nào không đủ năng lực, làm ăn không lành mạnh sẽ tụt hậu và ngược lại. Từ đây, nhà nước cũng sẽ có giải pháp để tăng cường công tác quản lý thị trường, chống hàng giả hàng nhái.
Riêng đối với ngành hàng cửa cuốn chúng tôi xác định sẽ có nhiều thuận lợi. Ngay từ năm 2003, doanh nghiệp đã nhập dòng cửa cuốn tấm liền công nghệ Úc (Australia) vào Việt Nam; tiếp đến là các dòng cửa cuốn mới có tích hợp công nghệ Automatich dự động đảo chiều khi gặp vật cản, thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp… Australia là thành viên của TPP, vì thế khi Việt Nam gia nhập TPP chung tôi sẽ có lợi thế, là cơ hội để doanh nghiệp cạnh tranh.
Với giá nhân công rẻ, chúng tôi sẽ có thể tiếp cận để xuất khẩu, trong khi đó, thị trường trong nước, doanh nghiệp ngoại khó cạnh tranh bởi đặc điểm của ngành hàng là vừa sản xuất cung ứng sản phẩm nhưng cũng phải song hành với dịch vụ, đây là yếu tố nước ngoài khó cạnh tranh trên thị trường Việt Nam.
Thu Huyền (thực hiện)