anh_27141040_25102018.jpgThái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ảnh: Getty
Tổng thống Mỹ Donald Trump lâu nay nhiệt tình ủng hộ việc hợp nhất quyền lực của Hoàng thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, trong khi vị hoàng thái tử này đang nỗ lực có được mối quan hệ thân thiết, chặt chẽ với con rể và cũng là cố vấn của ông Trump, Jared Kushner.

Tuy nhiên, giữa lúc dư luận dậy sóng sau khi giới chức Riyadh thừa nhận nhà báo Khashoggi đã bị sát hại bên trong lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istabul, Tổng thống Trump cảm thấy mình bị phản bội và đưa ra bước đi đầu tiên nhằm hạn chế thị thực đối với những người có liên quan tới vụ việc. 

Chuyên gia Martin Indyk, một nhà hoạch định chính sách hàng đầu về Trung Đông dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, nhận định trên thực tế Tổng thống Trump đã cố ủy thác chính sách trong khu vực cho Saudi Arabia và Israel gánh vác, bởi ông chủ Nhà Trắng đang nới lỏng các cam kết của Mỹ đối với khu vực này.

Tuy nhiên, ông Indyk cho rằng, Thái tử Mohammed thay vào đó lại gây ra quan ngại cho Washington – không phải chỉ vì vụ sát hại nhà báo Khashoggi mà còn trong vấn đề Yemen, nơi mà Mỹ đang hậu thuẫn cho chiến dịch ném bom do Saudi Arabia dẫn đầu chống lại phiến quân Houthi, lực lượng nhận sự ủng hộ từ Iran, đối thủ khu vực của Riyadh.

Ông Indyk nhận định: “Mohammed bin Salman cần Tổng thống Trump, sự sống sót duy nhất của Thái tử Salman tùy thuộc vào cách ông Trump xử trí". 

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Trong khi đó, ông Joseph Bahout, chuyên gia thuộc Viên nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Carnegie Endowment ở Mỹ, cho rằng Thái tử sẽ cần chứng tỏ ông ấy cứng rắn trong nước nhưng sẽ đối mặt “tình trạng tống tiền liên tục” từ nước ngoài.

Ông Bahout chia sẻ: “Nếu Thái tử Salman vượt qua cuộc khủng hoảng và duy trì quyền lực rồi trở thành Quốc vương, ông ấy sẽ là một vị vua yếu ớt vĩnh viễn nhưng đồng thời lại rất cứng rắn”.

Theo ông Bahout, Thái tử Mohammed có thể cố chứng tỏ mình là một đồng minh vững chắc của Mỹ, bằng cách có lập trường cứng rắn hơn với Iran, kẻ thù số 1 của chính quyền Tổng thống Trump, hoặc, trong một kịch bản ít có khả năng xảy ra hơn, bằng cách thực hiện cải cách tự do.

Tuy nhiên, người kế vị này dường như cũng cần lấy lòng Thổ Nhĩ Kỳ, nước đang tiết lộ bí mật về cái chết của nhà báo Khashoggi. Tổng thống Erdogan có thể gây sức ép buộc Saudi Arabia hàn gắn mối quan hệ với Qatar, đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc xoa dịu áp lực với Tổ chức Anh em Hồi giáo, lực lượng vốn bị Riyadh xem là mối đe dọa đối với vai trò của nước này trong cuộc biểu tình Mùa Xuân Arab. 
Còn ông Gary Grappo, cựu Đại sứ Mỹ tại Oman và phó trưởng đoàn ngoại giao ở Riyadh, cho rằng, Thái tử Mohammed đã củng cố quyền lực lên một mức mà khó có thể bị phế truất, tuy nhiên các cường quốc phương Tây ngày càng lo ngại về ông sau cái chết của Khashoggi.

Sau nhiều thập kỷ Saudi Arabia mua vũ khí của Mỹ và hưởng “tấm khiên bảo vệ” từ Washington, ông Grappo nghi ngờ Riyadh có thể dễ dàng chuyển sang các nhà cung cấp khác như Nga hoặc Trung Quốc.