(Baonghean) - Những ngày vừa qua, cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan có dấu hiệu tăng nhiệt sau khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan quyết định hủy bỏ kết quả cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 tại nước này. Thái Lan giờ đây đang đứng trước thách thức của một cuộc bầu cử lại, song tiến trình này chưa biết tới khi nào mới thực hiện được trong bối cảnh các phe phái mâu thuẫn nặng nề như hiện nay.
Hôm qua (24/3), những người biểu tình chống chính phủ ở Thái Lan đã nối lại các cuộc biểu tình Các cuộc biểu tình chống chính phủ tiếp tục ở Bangkok. Nguồn: APđường phố sau một thời gian im ắng. Cuối tuần qua, hàng loạt vụ nổ bom và ném lựu đạn cũng đã xảy ra ở 3 thành phố lớn của Thái Lan là Bangkok, Chiang Mai và Chon Buri làm tình hình thêm căng thẳng. Dư luận cho rằng, bất ổn gia tăng là hệ quả tất yếu của động thái mà Tòa án Hiến pháp Thái Lan đưa ra hôm 21/3. Theo đó, cuộc bầu cử Hạ viện Thái Lan hồi tháng 2 vừa qua bị coi là vi hiến, do cuộc bầu cử không được tổ chức trong cùng một ngày trên toàn quốc.
Có thể nói rằng, phán quyết của Toà án hủy bỏ kết quả bầu cử đã “thổi hy vọng” cho phe đối lập chống chính phủ và làm cho lực lượng cầm quyền của Thủ tướng tạm quyền Thái Lan Yingluck Shinawatra lâm vào thế khó khăn hơn, trong bối cảnh bà Yingluck Shinawatra đang phải lãnh đạo chính phủ lâm thời với quyền lực bị hạn chế. Giờ đây, những nỗ lực nhằm thành lập chính phủ mới tại Thái Lan sau cuộc bầu cử hồi tháng 2 trở nên vô nghĩa. Thay vào đó, nước này sẽ phải tính toán cho một cuộc bầu cử lại theo phán quyết của Tòa án vừa đưa ra.
Tuy nhiên, điều đáng nói là tiến trình bầu cử lại không dễ được thực thi như yêu cầu của Tòa án Hiến pháp Thái Lan. Nước này đang đứng trước 2 sự lựa chọn để tổ chức một cuộc bỏ phiếu mới. Thứ nhất, Ủy ban bầu cử có thể thảo luận với chính phủ về việc ban bố sắc lệnh hoàng gia về một ngày bầu cử mới trong vòng 60 ngày. Thứ hai, Ủy ban bầu cử có thể tham vấn người đứng đầu tất cả các đảng phái chính trị quyết định thời điểm tốt nhất để tổ chức cuộc bầu cử mới có thể chậm hơn thời điểm 60 ngày kể từ khi Tòa án ra phán quyết. Song trên thực tế, tương lai của cả hai giải pháp này đều rất mờ mịt bởi các phe phái tại Thái Lan tiếp tục mâu thuẫn nặng nề trong vấn đề tổ chức bầu cử.
Chính phủ của bà Yingluck và lực lượng “áo đỏ” ủng hộ chính phủ đã tỏ rõ lập trường phản đối phán quyết của Tòa án. Thậm chí, bà Yingluck còn tuyên bố sẽ khởi kiện phe đối lập và Ủy ban bầu cử vì đã có hành động khiến cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 2 mất hiệu lực, quyền tranh cử và bỏ phiếu của người dân không được tôn trọng, đồng thời làm tốn kém cho ngân sách quốc gia. Các thành viên Đảng Vì nước Thái của bà Yingluck cũng cho rằng tòa án và các cơ quan độc lập không còn đứng ở vị trí trung lập và đang cố gắng để lật đổ chính quyền của Thủ tướng tạm quyền Yingluck.
Trong khi đó, phe đối lập tại Thái Lan thì cũng chẳng hào hứng gì với một cuộc bầu cử sớm vào thời điểm hiện nay. Bởi hơn ai hết, lực lượng này hiểu rằng, cũng giống như hồi tháng 2 vừa qua, nếu tổ chức bầu cử sớm, lợi thế sẽ tiếp tục nghiêng về lực lượng của bà Yingluck. Vì vậy, Ðảng Dân chủ tuyên bố sẽ không tham gia cuộc bầu cử mới, và thủ lĩnh phe biểu tình chống chính phủ Suthep Thangsuban khẳng định "không cho phép một cuộc bầu cử nữa diễn ra chừng nào chưa hoàn tất cuộc cải cách". Ngay cả khi ấn định được thời điểm bầu cử mới thì cũng không ai dám khẳng định phe đối lập sẽ không tẩy chay bầu cử hoặc tiếp tục các hành động cản trở cuộc bỏ phiếu diễn ra như cuộc bầu cử hồi tháng 2.
Có thể thấy, sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái Lan, tình hình quốc gia này đang trở nên phức tạp hơn khi cuộc bầu cử lại chưa biết có thể diễn ra hay không. Trong khi đó, các phe phái tại Thái Lan đều đang chuẩn bị các động thái nhằm đối phó với nhau trên “mặt trận” đường phố. Thủ lĩnh biểu tình chống chính phủ Suthep Thangsuban kêu gọi tiến hành một cuộc biểu tình lớn ngày 29/3 tới, yêu cầu tiến hành cải cách chính trị trước khi tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới. Trong khi những người biểu tình “áo đỏ” cũng tuyên bố sẽ tổ chức cuộc biểu tình lớn trên toàn quốc vào ngày 5/4 nhằm yêu cầu Tòa án rút lại phán quyết của mình. Những động thái này chắc chắn sẽ làm nóng hơn bầu không khí căng thẳng tại Thái Lan và đẩy quốc gia này lún sâu thêm vào khủng hoảng.
Thu Hà