(Baonghean) - Ba vụ nổ liên hoàn xảy ra tại sân bay và ga tàu điện ngầm ở thủ đô Brussels của Bỉ ngày 22/3 lại một lần nữa khiến châu Âu “rung chuyển”. Lần này, “trái tim châu Âu” đã đổ máu. Vì sao khủng bố nhắm đến thủ đô nước Bỉ?
Mảnh đất màu mỡ của chủ nghĩa khủng bố
Tính trên đầu người, Bỉ là nước có nhiều công dân nhất đang chiến đấu dưới lá cờ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria.
Theo ước tính, khoảng hơn 500 công dân Bỉ đã tới các vùng đất của IS để sinh sống và chiến đấu trong hàng ngũ thánh chiến. Thống kê chưa chính thức cho thấy đã có hàng trăm người Bỉ trở về nước từ lãnh địa của IS.
Tại thủ đô Brussels của Bỉ đang có nhiều người nhập cư, trong đó không ít người đến từ các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi. Hoạt động buôn bán và sử dụng ma túy ngầm, vũ khí lậu diễn ra tương đối phổ biến.
Hệ thống an ninh có phần lỏng lẻo ở một số khu vực là điều kiện để các phần tử thánh chiến có thể trà trộn trong xã hội Bỉ và dễ dàng toan tính thực hiện những âm mưu khủng bố.
Quận Molembeek ở thủ đô Brussels của Bỉ có tới 80% dân số là người Hồi giáo, số lượng người nhập cư lớn, tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức cao. Theo một số dữ liệu, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực này là 30%, trong khi chỉ số trung bình trong nước là 8,4%.
Đây là một trong những điều kiện để phát sinh những tư tưởng cực đoan trong xã hội, nhất là với nhiều cư dân trẻ tuổi gốc Hồi giáo vốn phải đối mặt với thái độ phân biệt chủng tộc.
Sau vụ khủng bố đẫm máu tại Paris (Pháp) hồi năm ngoái, làn sóng bài Hồi giáo tại châu Âu lại càng trỗi dậy mạnh mẽ, tạo cơ sở cho chủ nghĩa cực đoan lôi kéo thêm thành viên, mở rộng chân rết ngay tại trung tâm của châu Âu. Bằng chứng là cảnh sát Bỉ đã từng đột kích vào nhiều địa chỉ ở Molenbeek, và bắt giữ 7 nghi phạm có liên quan đến vụ thảm sát ở Paris hồi năm 2015.
Mục tiêu quan trọng
Việc IS chọn thủ đô của Bỉ, đồng thời là “thủ đô” của châu Âu để tấn công cũng có bởi vị trí “chiến lược” của thành phố này. Bỉ nằm giữa 3 cường quốc Anh, Pháp và Đức, cộng hưởng với việc thuộc khối Hiệp ước Schengen cho phép đi lại tự do trong một diện tích lớn của châu Âu. Điều này rất thuận lợi để những kẻ khủng bố đến rồi đi nhanh chóng và an toàn. Với diện tích tương đối nhỏ, hệ thống giao thông lại thuận lợi, ước tính đi xuyên qua nước Bỉ bằng ô tô chỉ mất khoảng 2 giờ đồng hồ.
Bỉ cũng là nơi đặt trụ sở của rất nhiều cơ quan quan trọng của khu vực và Thế giới như Liên minh Châu Âu EU, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO, Tổ chức kiểm soát hàng không Châu Âu ... Ngoài ra, trên lãnh thổ Bỉ còn có 2.000 công ty quốc tế, 2.500 cơ quan quốc tế, 150 công ty luật quốc tế. Do đó, chủ nghĩa khủng bố sẽ tạo được tiếng vang và phô trương thanh thế khi tấn công vào mục tiêu quan trọng này.
Thêm thách thức cho châu Âu
Ngay sau khi xảy ra các vụ tấn công ở thủ đô Brussels của Bỉ, IS đã lên tiếng nhận trách nhiệm. Vụ khủng bố lần này diễn ra chỉ vài ngày sau khi Bỉ thông báo bắt được Salah Abdeslam, nghi can chính trong loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris. Do đó có ý kiến cho rằng, vụ tấn công là động thái trả thù của IS đối với nước Bỉ. Theo đánh giá của giới phân tích, cũng giống như các vụ tấn công vào Paris hồi năm ngoái, IS một lần nữa đạt được mục đích của mình là tạo tiếng vang và khiến châu Âu “choáng váng”.
Chưa thể nói trước nước nào ở châu Âu sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của chúng khi mà các mạng lưới chân rết của IS đã trải rộng khắp châu lục này. Trong khi châu Âu đang có quá nhiều việc phải lo như vấn đề người nhập cư, việc đi hay ở của nước Anh, vấn đề nợ công Hi Lạp… thì vụ khủng bố tại Bỉ vừa qua cho thấy, chủ nghĩa khủng bố tiếp tục tạo ra thách thức mới cho toàn châu Âu.
Các chuyên gia cho rằng, hệ thống an ninh dù tốt đến mấy, nếu không xử lý được tận gốc nguyên nhân phát triển của chủ nghĩa cực đoan thì bóng ma khủng bố vẫn sẽ rình rập các quốc gia châu Âu./.
Nguyễn Cao Biền