(Baonghean) - Vào độ 23 tháng Chạp, ngày tiễn ông Táo về thượng giới, trong nhà ngoài ngõ bắt đầu thoảng hương thơm thanh khiết của hương trầm. Không biết tự bao giờ, cây hương trầm đã trở thành tín hiệu ấm áp báo Tết cổ truyền đã đến rất gần. Làn hương trầm mỏng mảnh và mùi hương dịu ngọt của nó là nhịp cầu tâm linh, nối kết thế giới hữu hình và thế giới vô hình, nối những người con xa xứ về gần.

Những ngày cuối năm rét ngọt, Thị trấn Tân Lạc (Quỳ Châu) đón chúng tôi trong không gian yên bình, tĩnh lặng. Hẵng còn sớm quá, sương mù giăng mờ lối vào chợ thị trấn, lác đác vài hàng quán dọn sớm, người người co ro trong chiếc áo to sụ. Thị trấn Tân Lạc phảng phất nét ưu tư rất đặc trưng như biết bao thị trấn vùng cao khác, nhưng có một điều đặc biệt, đó là những ngày này, đi trên khắp mọi ngả đường của thị trấn, dễ nhận thấy một mùi hương ngọt ngào, nồng ấm lan tỏa trong không gian. Người dân bản địa gọi đó là thứ mùi hương “đặc sản”, còn chúng tôi, những người khách thập phương, thầm gọi là hương vị Quỳ Châu. Dẫu là cách gọi nào, thì cũng đều hiểu rằng đó là mùi hương trầm - mùi hương mà hơn nửa thế kỷ nay, nó đã trở thành nét riêng có khi nghĩ đến mảnh đất vùng sơn cước. Thú vị hơn, khi anh bạn đi cùng đoàn nhanh miệng hỏi đường đến thăm một cơ sở sản xuất hương trầm thì nhận được câu trả lời thật dí dỏm: “Đường đi ngoằn nghèo lắm, chỉ đường không nhớ hết được đâu. Cứ đi theo mùi hương trầm là đến đúng địa chỉ thôi!”.

Và thế là hành trình lại được tiếp tục theo sự dẫn dắt của mùi hương. Đang vào chính vụ làm hương trầm, dọc hai bên đường trung tâm thị trấn cơ man nào là các quầy hàng bán hương. Ở thị trấn này, những ngày giáp Tết là thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm, bởi là chính vụ làm hương trầm, nhà nhà, người người đua nhau xay, trộn nguyên liệu, huy động nhân công cuốn hương, và cả những chuyến xe khoác áo bụi đường ào ào lên - xuống chở hương về xuôi. Chúng tôi tìm đến khối 4, Thị trấn Tân Lạc, nơi có gia đình ông Võ Minh Châu - truyền nhân của ông tổ nghề hương trầm Quỳ Châu nức tiếng. Khó có thể hình dung được rằng, người đàn ông nhanh nhẹn, có giọng cười hào sảng và cách dẫn chuyện dí dỏm đang đứng trước chúng tôi đây đã ngoại thất tuần.

Căn nhà sàn truyền thống của người Thái được gia đình ông “cải tiến” theo lối mới, vững chãi tọa lạc trên khu vườn rộng, bát ngát nào là xoài, na, mít, bưởi… Ông Châu tâm sự, nhiều người bất ngờ khi biết rằng ông cụ thân sinh ra ông - cụ Võ Lê Hải và cũng là ông tổ nghề làm hương trầm thật ra là một diêm dân chính gốc của mảnh đất Diễn Ngọc (Diễn Châu). Những năm đầu thế kỷ XX, cụ Võ Lê Hải gánh muối lên vùng sơn cước này để bán, về sau, nhận thấy đây là nơi phù hợp để sinh sống, làm ăn, cụ đã đưa cả gia đình lên Quỳ Châu định cư. Câu chuyện về nguồn gốc của cây hương trầm bắt đầu vào một ngày tình cờ, theo tập quán canh tác của người bản địa bấy giờ, cụ Võ Lê Hải đốt nương làm rẫy.

“Trong lúc đốt nương làm rẫy thì cụ tình cờ đốt trúng cây rễ hương bài, tỏa mùi hương thơm ngát, dễ chịu. Vốn nền tảng là người tinh thông y thuật, lý số, cụ nhận ra đây là một loài thực vật quý, mùi hương của nó có tác dụng an thần, điều hòa không khí, đẩy lùi uế tạp… Thế rồi cụ tìm tòi, nghiên cứu, kết hợp thêm nhiều vị thuốc như thảo quả, đinh hương, bột mía ngọt… để tạo thành hỗn hợp. Ban đầu cụ chưa nghĩ ra cách quấn hương thẻ mà hình thức ban đầu của nó là dạng viên nén, đặt trong lư đồng rồi đốt.”- Cụ Võ Minh Châu nhớ lại lịch sử hình thành cây hương trầm Quỳ Châu.

Kể từ cái ngày tình cờ ấy đến nay đã 85 năm. Năm 1985, cụ ông Võ Lê Hải qua đời, người con trai duy nhất là ông Võ Minh Châu kế nghiệp cha. Từ ngày cụ ông mất, cứ vào đầu mỗi mùa hương, ông Châu lại nghiêm cẩn thực hiện một nghi thức tâm linh với người thân sinh ra mình, cũng là ông tổ nghề làm hương trầm, để xin phép được bắt đầu một mùa hương mới thuận lợi, suôn sẻ. Trong không gian trang nghiêm, thành kính, người đàn ông đã bước qua bên kia dốc của cuộc đời đứng lặng, lầm rầm khấn nguyện. Những cây hương trầm kính dâng vong linh người cha đã khuất tỏa làn hương thanh tịnh, như nhịp cầu nối liền giữa hai miền tâm thức.

Các làng nghề thi cuốn hương trầm tại Lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu). Ảnh: Trần Ngọc Lan
Các làng nghề thi cuốn hương trầm tại Lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu). Ảnh: Trần Ngọc Lan

Dẫn chúng tôi đi thăm kho nguyên liệu, ông Châu chia sẻ, nghề làm hương nhìn qua tưởng nhàn hạ, dễ dàng, thật ra lại là cái nghề lắm công phu và tâm sức. Muốn có được cây hương thơm ngát, ít tàn, chu hương khi cháy uốn vòng xoăn, ngay từ tháng 2, người làm hương đã phải tìm mua lùng về ngâm, vớt, chẻ, phơi. Loại lùng làm chu hương tốt nhất là lùng không quá già, cũng không quá non. Sau khi thực hiện các công đoạn, chu hương sẽ được nhuộm phẩm đỏ và phơi nắng to. Bí quyết phơi chu hương là chỉ phơi một nắng, như vậy, chu hương sẽ có độ giòn vừa phải và phẩm màu sẽ lâu phai. Sau khi xong chu hương là đến công đoạn chọn nguyên liệu.

Về cơ bản, có 5 loại nguyên liệu chính: rễ hương, đinh hương, thảo quả, quế chi, mía ngọt, trong đó, rễ hương là nguyên liệu không thể thiếu. Trước đây, rễ hương bài là loài thực vật phổ biến tại Quỳ Châu. Rễ hương Quỳ Châu có đặc điểm thơm nồng, nhân nhẩn vị đắng, khi kết hợp với các nguyên liệu khác sẽ dậy mùi hương kích thích đủ các cung bậc của khứu giác con người. Thế nhưng cùng với sự phát triển của nghề làm hương, cây rễ hương Quỳ Châu đã dần ít đi rồi mất hẳn. Vài năm lại đây, các mô hình trồng rễ hương được nhân rộng trên địa bàn nhưng thời gian chưa đủ để rễ hương “đủ tuổi” kết tinh dầu, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất số lượng lớn của các cơ sở làm hương trầm. Người làm hương giờ đây, như ông Châu, phải nhập nguyên liệu chính từ Lạng Sơn. Giá thành dĩ nhiên cao hơn và hương trầm, hiểu theo một cách nào đó, cũng nhạt đi phần nào cái làn hương dội về từ quá khứ.

“Tôi vẫn cố gắng giữ lại hầu hết các công đoạn làm hương trầm theo đúng như cách ông cụ thân sinh truyền lại. Có những bí quyết “sống để bụng” như về tỉ lệ trộn bột, thêm bớt một vài vị khác ngoài 5 nguyên liệu chính hay đơn giản như cách chọn đúng loại mía ngọt, loại quế chi… Sai một li đi một dặm, cũng có lúc tôi phải đổ bỏ hẳn cả một bao tải bột hương đã trộn vì “ra” không đúng mùi. Nghề này cũng cần cái tâm, cô ạ!”- ông Châu tâm sự.

Những người làm nghề hương trầm nêu cao cái tâm sáng ấy không phải là nhiều. Có những thời điểm, sản phẩm hương trầm Quỳ Châu bị mất niềm tin trong khách hàng rất lớn bởi một bộ phận cơ sở sản xuất chạy theo nhu cầu của thị trường và lợi nhuận mà bỏ quên việc tập trung cho chất lượng sản phẩm. Sau này, nhờ nhiều biện pháp tuyên truyền của chính quyền địa phương và sự phản hồi tích cực của khách hàng, chất lượng cây hương trầm Quỳ Châu dần đi vào ổn định. Đến nay, đã có 3 làng nghề hương trầm được tỉnh công nhận và 3 làng có nghề được huyện công nhận. Nghề làm hương đã giúp cho nhiều gia đình có sinh kế mới, nâng cao thu nhập và phát triển đời sống.

Lần này, thay vì mùi hương trầm thơm ngọt chỉ đường dẫn lối, chúng tôi lần tìm theo tiếng máy xay, máy trộn bột để đến thăm cơ sở sản xuất hương trầm Hà Loan hiện đang được xem là cơ sở lớn nhất làm nghề hương trầm tại Thị trấn Tân Lạc, Quỳ Châu. Hơn 20 năm qua, nghề hương trầm đã giúp gia đình chị Trần Thị Loan có thu nhập ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đây là một trong những cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư phương tiện, máy móc hiện đại, cải tiến mẫu mã và rất quan tâm đến khâu quảng bá sản phẩm. Gia đình chị Loan có website riêng để giới thiệu sản phẩm hương trầm đến các bạn hàng phương xa, hình thành nhiều đại lý, chi nhánh ở nhiều địa phương trong cả nước. Nhờ vậy, sản lượng 3 triệu cây hương mỗi mùa và có xu hướng tăng nhanh đã mang lại cho gia đình chị cuộc sống khá giả. 

Đang vào chính vụ làm hương phục vụ dịp Tết Nguyên đán, một không khí nhộn nhịp, khẩn trương lan tỏa khắp phố núi Tân Lạc. Cây hương trầm nhỏ bé đã không phụ lòng người, nghề làm hương đã giúp cho nhiều gia đình thoát nghèo, nâng cao đời sống kinh tế. Và cây hương trầm, cũng như biết bao điều nhỏ nhoi khác không thể thiếu vắng được trong văn hóa thưởng Tết, chơi Tết của người Việt ta. Hương trầm Quỳ Châu có một điều lạ là, sau khi cháy xong, trên lư hương bao giờ cũng để lại chu hương xoăn tít mà dân gian thường gọi là “Lộc”. Chính thế mà thắp hương trầm Quỳ Châu ngày nay, ta đã có thêm một nét đẹp văn hóa truyền thống riêng, một mùi hương rất Tết thật độc đáo. Không biết tự bao giờ, mùi hương ấy đã đi sâu vào tâm thức của mỗi người con Việt Nam, dẫn lối những người con tha hương trở về nguồn cội…

Phương Chi