(Baonghean) - Hòa trong không khí đón Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 cùng cả nước, hàng triệu người dân tỉnh Nghệ An từ thành thị đến nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi đã có một Tết cổ truyền thật đầm ấm, sum vầy, vui tươi. Đặc biệt, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội theo phương châm: mọi nhà đều có Tết, thì những hộ nghèo, gia đình chính sách vô cùng phấn khởi vì đã nhận được những món quà chứa chan nghĩa tình để có được một cái Tết ấm, Tết vui...

Rộn ràng đón Tết

Đối với quê hương Nghệ An, năm Giáp Ngọ trôi qua với nhiều dấu ấn vượt bậc trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa, xã hội đã có tác động tích cực đến chất lượng cuộc sống của người dân. Trong những ngày Tết Nguyên đán Ất Mùi, đi dọc đường Xuân trên quê hương, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, sự phấn khởi trên khuôn mặt của mỗi người dân. Với ông Hồ Sỹ Khai, xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, mỗi mùa Xuân đến lại mang một niềm vui mới. Ngay tại Thọ Thành quê ông, mức sống của người dân đang nâng lên từng ngày; đường làng, ngõ xóm được xây dựng sạch sẽ, khang trang. Vì vậy, Tết về trong mỗi nếp nhà ngày càng tươm tất, ấm cúng và thực sự đong đầy ý nghĩa của 2 chữ sum vầy. “Ngày xưa, cuộc sống còn nghèo khó, Tết đến cũng chỉ có bát gạo nấu cơm thờ cúng tổ tiên. Còn nay, cuộc sống đã sung túc lên rất nhiều nên sắm Tết đủ đầy, thuận lợi. Năm nay, các con tôi đi làm ăn bên Lào đều về đón Tết nên không khí gia đình càng thêm phấn khởi” - ông Khai chia sẻ.

Cuộc sống phát triển, ngày càng đi lên không chỉ là cảm nhận của những người hàng ngày gắn bó với quê hương mà cả trong những người con xứ Nghệ đi xa trở về đoàn tụ cùng gia đình trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Trao đổi cùng chúng tôi, anh Nguyễn Trọng Bắc ở Bình Dương về quê ăn Tết đã phấn khởi chia sẻ: “Cứ sau một năm trở về, tôi thấy quê hương lại thêm một lần thay đổi và phát triển. Đặc biệt, Thành phố Vinh có sự phát triển rất nhanh, khang trang, hiện đại, xanh - sạch - đẹp. Ở vùng nông thôn cũng thay đổi nhanh chóng, mang diện mạo nông thôn mới; đời sống gần như gia đình nào cũng biểu hiện sung túc, đủ đầy. Về quê ăn Tết năm nay, tôi thật sự vui mừng”.

 
Người dân TP. Vinh tham gia Đêm hội Giao thừa tại Quảng trường Hồ Chí Minh. Ảnh: H.T - TH

Lên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Thanh Thủy (Thanh Chương), cỏ cây hoa lá nảy nở thắm vùng biên giới. Đón Xuân mới Ất Mùi, cán bộ, chiến sỹ của Đồn còn có niềm vui riêng khi kết thúc năm 2014, đơn vị được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tặng danh hiệu Đơn vị Quyết thắng. Đồn trưởng, Thiếu tá Nguyễn Trung Thành cho biết: Trong những ngày Tết, quân số của đơn vị đảm bảo 100% trực và sẵn sàng chiến đấu để đảm bảo vững chắc an ninh biên giới phục vụ nhân dân vui Xuân, đón Tết yên bình, ấm ấp. Mặc dù làm nhiệm vụ, nhưng việc chăm lo cho cán bộ, chiến sỹ đón Tết nơi biên giới cũng đầy đủ và ấm cúng như ở quê nhà.

Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 hân hoan trôi qua với nhiều niềm vui, hạnh phúc của mọi nhà, mọi người và cơ quan, tổ chức. Theo báo cáo về tình hình Tết Nguyên đán Ất mùi 2015 của UBND tỉnh: Trong những ngày Tết, công tác chuẩn bị hàng phục vụ Tết chu đáo, chất lượng đảm bảo, giá cả nhìn chung ổn định, đáp ứng nhu cầu hàng hoá thiết yếu cho nhân dân, không để xảy ra tình trạng kinh doanh trái phép, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Các lực lượng vũ trang như công an, bộ đội, biên phòng đã chủ động kế hoạch tăng cường lực lượng, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh, nên tình hình an ninh chính trị cơ bản được đảm bảo tốt, các mục tiêu trọng điểm được bảo vệ tuyệt đối an toàn; tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông, không để xảy ra tình trạng ùn tắc. Các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị vào cuộc, kiểm soát chặt chẽ nên tình trạng đốt pháo giảm hẳn so với các năm trước, đặc biệt là trong đêm Giao thừa. Vệ sinh an toàn thực phẩm tốt, không có dịch bệnh xảy ra trên địa bàn. Vì vậy, nhân dân đón Tết, vui Xuân vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Trong đêm Giao thừa ở thành phố Vinh, nhiều bạn trẻ người nước ngoài rất thích thú, đội mưa đón Giao thừa và cảm nhận cái rét ngọt ở xứ sở nhiệt đới gió mùa. Hòa trong dòng người đang chờ đón thời khắc thiêng liêng chuyển giao năm mới ở Quảng trường Hồ Chí Minh, anh Dustin đến từ Mỹ cảm thấy rất thích thú. Năm nay 29 tuổi, Dustin là giáo viên của một trung tâm Anh ngữ nổi tiếng ở Thành phố Vinh. Thời gian trung tâm được nghỉ Tết, chàng trai trẻ đến từ bên kia bán cầu quyết định ở lại Thành phố Vinh để cảm nhận một nét văn hóa truyền thống của người Việt.

 

Đêm 30 Tết, Dustin ăn bữa cơm tất niên cùng bạn bè rồi đội mưa ra Quảng trường Hồ Chí Minh. Say sưa theo dõi các chương trình ca nhạc dân ca xứ Nghệ, chàng trai người Mỹ vỗ tay nhiệt tình và đưa ký hiệu ok chia vui với mọi người. Thỉnh thoảng, anh lại gọi điện, nhắn tin, chia sẻ cùng bạn bè về đêm hội ở Thành phố Vinh. “Lần đầu tiên được đón Tết ở Việt Nam, tôi cảm thấy tuyệt vời. Mọi người thân thiện, thời tiết cũng rất tuyệt, mưa nhưng không lạnh như ở Mỹ. Tôi nghĩ các bạn đã có một không gian ý nghĩa ngay dưới chân tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây sẽ là một trải nghiệm thú vị trong cuộc đời tôi” - Dustin chia sẻ.

Cũng tại Quảng trường Hồ Chí Minh trong đêm Giao thừa, một nhóm bạn trẻ là khách du lịch đến từ Úc cảm thấy rất thú vị và hào hứng với những tiết mục nhảy hiphop, flashmob của các nhóm nhảy. Cùng nhau ngồi nhâm nhi lon bia và cảm nhận không khí Tết trong mưa lất phất, nhóm khách du lịch cho biết, đây là lần đầu tiên các bạn được đón Tết ở nước ngoài. Ngày mùng 1 Tết, cả nhóm đi khám phá Thành phố Vinh rồi lên quê Bác ở Nam Đàn. Trong khi đó, cô giáo Jammeh, chuyên gia Anh ngữ của Trường Đại học Vinh tìm hiểu không khí đêm Giao thừa và cảm nhận “ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt”. Trước đêm Giao thừa, cô đã đi xem chợ hoa xuân, ngắm những cành đào rêu mốc, lúm xúm lộc và được các đồng nghiệp, các học trò mời đi chơi Xuân, đón Tết, được ăn bữa cơm đoàn viên. Cô giáo Jammeh cho rằng, lần đầu tiên đón Tết ở một xứ sở nhiệt đới, cũng chính là cơ hội để cô hiểu thêm về văn hóa, con người và quê hương Nghệ An, nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh đã sinh ra…

Ấm tình sẻ chia

Trong niềm vui chung của nhân dân cả tỉnh mỗi dịp Tết đến, Xuân về, đáng nói đến những niềm vui của các gia đình nghèo, chính sách, đối tượng yếu thế trong xã hội... được “dệt” nên từ sự chăm lo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và cả tấm lòng sẻ chia ấm áp của của các tổ chức, cá nhân, cơ quan và doanh nghiệp. Ngay thời gian trước Tết, nhiều đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo tỉnh dẫn đầu đã đến thăm, chúc Tết các gia đình nghèo, chính sách, người cao tuổi… tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Những món quà đong đầy tình cảm trong mỗi chuyến đi của lãnh đạo tỉnh đã làm ấm lòng những người dân còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Ông Quang Văn Trương, trú tại xã Mường Nọc, huyện Quế Phong bị nhiễm chất độc hóa học xúc động khi gia đình được đón đồng chí Nguyễn Xuân Đường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đến thăm, tặng quà và chúc Tết, chia sẻ: “Sự quan tâm của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng chí trong đoàn đã giúp gia đình có điều kiện đón Tết đầy đủ hơn”.

Có thể nói, trên tinh thần: mọi nhà đều có Tết, các cấp, các ngành đã quan tâm nhiều đến việc tổ chức vui Xuân, đón Tết cho các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn, người già neo đơn, trẻ em không nơi nương tựa, lang thang cơ nhỡ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đồng chí Nguyễn Hữu Vinh, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: “Tết Nguyên đán Ất Mùi năm 2015, ngoài đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách của Trung ương, của tỉnh, UBND huyện trích trên 1,4 tỷ đồng cho các đối tượng người có công. Huyện tổ chức gần 20 đoàn thăm hỏi, động viên, chúc Tết các đơn vị làm nhiệm vụ trong dịp Tết, các gia đình chính sách, người có công, người cao tuổi, người nghèo. Đặc biệt, thực hiện Thư kêu gọi ủng hộ Tết Vì người nghèo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa bàn huyện đã ủng hộ được gần 1,2 tỷ đồng giúp đỡ người nghèo đón Tết. Huyện cũng đã chủ động cấp phát kịp thời gần 300 tấn gạo cứu đói trong dịp Tết đến 6.214 gia đình”...

Trên bình diện cả tỉnh, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi đến ngày 10/2/2015 (tức ngày 22 tháng Chạp năm Giáp Ngọ) đã có 21/21 huyện, thành phố, thị xã thực hiện xong việc trao quà Tết cho người có công với tổng kinh phí quà tặng là 32.496.750.000 đồng. Các địa phương trong tỉnh cũng đã hỗ trợ gạo cứu đói cho nhân dân với tổng số gạo 3.349 tấn, có 77.275 hộ dân với 223.267 người được thụ hưởng, mức hỗ trợ: 15kg/người. UBND tỉnh đã cấp 8.161.400.000 đồng cho UBND các huyện, thành phố, thị xã để hỗ trợ cho 81.614 hộ nghèo ăn Tết, mức hỗ trợ: 100.000 đồng/hộ. Hàng chục ngàn cụ cao tuổi và các đối tượng xã hội cũng đã được nhận quà Tết. Công tác xã hội hóa nhằm chăm lo Tết có các hộ nghèo, các đối tượng chính sách và yếu thế trong xã hội đã được triển khai rộng rãi và thực sự đạt hiệu quả cao. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng số tiền vận động xã hội hóa thăm, tặng quà dịp Tết ẤT mùi 2015 là 52,1 tỷ đồng. Tính tổng cộng, kinh phí thực hiện chế độ trợ cấp thường xuyên, quà Tết đối tượng người có công, bảo trợ xã hội từ ngân sách Nhà nước và ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong dịp Tết nguyên đán Ất Mùi năm 2015 là 288 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí chi trả trợ cấp thường xuyên cho đối tượng người có công và bảo trợ xã hội là 185,821 tỷ đồng; tiền quà tặng cho các đối tượng (người có công, bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn) là 102,169 tỷ đồng...

Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 đã trôi qua trong không khí vui tươi, an lành và ấm áp sự sẻ chia. Tin rằng, tình xuân nồng ấm sẽ tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ để các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh cùng chung tay tiếp tục xây dựng quê hương Nghệ An ngày càng giàu đẹp.

Nhóm PV