Cuối năm, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất nhằm đáp ứng các đơn hàng cho dịp Tết Nguyên đán. Chính vì vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ cũng tăng cao. Đặc biệt, nhu cầu này tăng cao hơn cả với các ngành sản xuất, dịch vụ tiêu dùng, thực phẩm… Cung nhiều – cầu cao, nhưng nếu không cẩn trọng, rất có thể lao động có thể vướng phải chiêu bài lừa đảo việc làm.
Theo dự báo của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, quý IV.2017, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố nhìn chung ổn định, có tăng nhẹ so với quý trước. Dự báo, tình hình lao động việc làm những tháng cuối năm sẽ có sự thay đổi theo hướng khởi sắc hơn, nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn thành phố tăng khoảng 10-15%.
Đề cập về thị trường lao động quý IV, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, khối thương mại, dịch vụ, marketing, bán hàng… là những ngành nghề tiếp tục có triển vọng việc làm lớn với nhu cầu sử dụng lao động nhiều vào dịp cuối năm.
“Thực tế, các doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động tại trung tâm cũng chủ yếu thuộc các nhóm ngành nghề này. Ngoài ra, để chuẩn bị cho cuối năm, nhóm ngành liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng có đang “khát” lao động phổ thông” – ông
Ông Thành cũng cho biết, từ giờ tới cuối năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tập hợp nhu cầu tuyển dụng từ doanh nghiệp, từ đó cung cấp nguồn lao động để phục vụ tốt nhất cho dịp Tết sắp tới.
Không chỉ Hà Nội, nhiều tỉnh thành lớn như Hải Phòng, TP.HCM…, thị trường lao động cũng đang có những chuyển biến rõ rệt. Cũng theo theo báo cáo của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động (Sở LĐTBXH, TP.HCM), trong những tháng cuối năm, trên địa bàn thành phố cần khoảng 70.000 vị trí làm việc. Riêng tháng 12, TP.HCM sẽ cần 23.000 vị trí làm việc.
Trong đó, nhu cầu nhân lực tháng 12.2017 TP.HCM cần 23.000 vị trí làm việc, tập trung ở các nhóm ngành nghề như: Nhân viên kinh doanh - bán hàng (23,37%); dịch vụ - phục vụ (17,77%); dệt may - giày da (5,62%); dịch vụ du lịch - nhà hàng - khách sạn (4,17%); cơ khí - tự động hóa (3,44%)…
Theo cơ cấu trình độ, xu hướng nhu cầu nhân lực có trình độ đại học trở lên chiếm 15,94%; cao đẳng chiếm 15,32%, trung cấp chiếm 22,63%, sơ cấp nghề và công nhân kỹ thuật chiếm 21,54%; lao động chưa qua đào tạo chiếm 24,57%.
Cẩn tắc vô áy náy
"Thời điểm cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng cũng như tìm việc làm của người lao động tăng cao, nhất là lao động từ nông thôn ra thành phố. Để tránh bị lừa đảo, người lao động cần tìm đến trung tâm giới thiệu việc làm uy tín hoặc đi theo người thân trong gia đình. Bản thân các đơn vị việc làm công ở tất cả tỉnh thành cần tăng cường phiên giao dịch, giới thiệu việc làm” - Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội |
Ông Nguyễn Tường An – Quản lý chuỗi 5 siêu thị thực phẩm sạch tại Hà Nội cho biết: “Từ giờ tới cuối năm, nhu cầu cung ứng hàng hóa nhiều, nên công ty của tôi cũng đã tuyển dụng thêm chục nhân viên. Thêm vào đó, giữa tháng 12 này công ty mở thêm 2 siêu thị ở Từ Liêm và Tây Hồ nên sẽ tuyển tiếp khoảng 20 nhân viên nữa. Mức lương cho lao động phổ thông là 4-6 triệu, riêng thu ngân, kế toán lương trên 7 triệu đồng/tháng”.
Ông An cũng cho biết, thời điểm này công ty vẫn chưa tuyển đủ 20 nhân viên mới nhưng để người lao động ổn định công việc, chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2018, phía công ty sẽ đưa ra mức lương cạnh tranh nhất.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - cán bộ tuyển dụng Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam (Bắc Ninh) cho biết, thường năm nào cũng vậy để đáp ứng nhu cầu cung ứng các sản phẩm vào dịp cuối năm và đầu năm (2 đợt cung ứng sản phẩm lớn nhất trong năm), công ty của bà cần tuyển hàng nghìn lao động ở tất cả các vị trí, nhiều nhất là lao động phổ thông làm ở các xưởng.
Mức lương tùy thuộc từng vị trí, công nhân từ 5-7 triệu đồng người/tháng, với cán bộ kỹ thuật hoặc phiên dịch mức lương có thể từ 15-20 triệu đồng/tháng. Cũng như năm ngoái năm nay công ty đã thực hiện tuyển dụng ở nhiều kênh nhưng tới nay việc tuyển dụng lao động phổ thông vẫn không được nhiều.
Về tình trạng “cò” lao động, hoặc lừa đảo tuyển dụng lao động cuối năm tăng cao, ông Vũ Quang Thành cảnh báo: “Mặc dù nhu cầu tuyển dụng cao, chế độ, mức lương năm nay cũng có khởi sắc nhưng nếu không cẩn trọng, người lao động có thể sa bẫy một số “công ty ma”, bị lừa đảo hoặc bị quỵt lương. Chính vì vậy, các lao động từ nông thôn lên Hà Nội tìm việc cần nghiên cứu kỹ, tốt nhất nên tìm nơi quen biết, có thông tin để đi làm”.
Bà Nguyễn Lan Hương – chuyên gia lao động việc làm cho rằng để tránh bị lừa đảo, lao động nên tìm đến các trung tâm dịch vụ việc làm công trên địa phương đó đăng ký tiềm việc. Khi làm việc chỉ nộp hồ sơ, giấy tờ photo công chức mà không nên nộp giấy tờ gốc. Đặc biệt lao động không nên cả tin đặt lại tiền hoặc ký các giấy tờ mà mình thấy không rõ ràng, không đúng.
Theo Danviet