(Baonghean.vn) - Tết Độc lập 2/9 luôn giữ một vị trí thiêng liêng, trân trọng trong tâm khảm mỗi người con đất Việt. Dù “có đi bốn phương trời”, thì đến ngày này ai cũng bồi hồi một nỗi nhớ gia đình, quê hương...

images1672633_bna_57c69d0f1bd43.jpgTrình diễn trang phục truyền thống tại Lễ hội Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc.

Thèm lắm không khí gia đình

Hoàng Yến - cô gái vừa trở về sau 2 năm học thạc sỹ tại Australia, giờ đã có thể mỉm cười khi nhớ lại cảm giác tủi thân nơi xứ người trong ngày lễ 2/9 đầu tiên xa ba mẹ, xa quê hương. Giữa cái se lạnh của Australia những ngày cuối Đông, nhịp sống và làm việc vẫn diễn ra bình lặng và hối hả như thường lệ, Yến thèm lắm một bữa cơm gia đình cả nhà quây quần bên nhau, ăn mừng ngày lễ trọng đại của dân tộc. 

Mỗi lần lướt mạng xã hội và gọi điện về nhà là Yến lại có thể cảm nhận được không khí ngày lễ đang “thấm” dần vào từng ngõ ngách, và lòng chợt chùng xuống nỗi nhớ quê nhà đến quay quắt. Nhưng cô gái nhỏ nhắn quê biển Cửa Lò lại may mắn hơn nhiều bạn bè khi ở trọ đúng vào một gia đình gốc Việt, luôn quan tâm và xem Yến như thành viên của gia đình. Bữa tối sum vầy sau một ngày bận rộn với học tập, làm thêm, dẫu không náo nhiệt như ở Việt Nam, nhưng cũng đủ để sưởi ấm trái tim của những người con xa xứ.

Tương tự, Nguyễn Việt Phương - hiện đang theo học tại trường tiếng Nhật Fuji Sakura, thành phố Numazu, tỉnh Shizuoka, Nhật Bản cũng từng thấy hụt hẫng vô cùng khi lần đầu đón Tết Độc lập tại xứ sở mặt trời mọc. Khác với lúc còn ở Việt Nam, những ngày này người ta thường đi chơi cùng bạn bè, ăn tối bên gia đình hay cùng thưởng ngoạn những màn pháo hoa rực rỡ sắc màu, thì khi sang Nhật, Phương chỉ có một chút thời gian buổi tối để vui Quốc khánh cùng các bạn du học sinh Việt Nam khác, bữa tiệc cũng rất giản dị, đôi khi là lon bia nhấm nháp cùng thịt nướng rồi là những cuộc điện thoại gọi về nhà.

Phương bảo: “Không được đi chơi Tết Độc lập như ở Việt Nam, nhưng bù lại vào ngày nghỉ gần nhất, mình cùng nhóm bạn thường lên kế hoạch tham gia các lễ hội, cắm trại hoặc đơn giản là đi mua sắm. Cũng may là ở Nhật vào đầu tháng 9 là thời điểm đẹp để đi leo núi, vãn cảnh đền, chùa. Thăm thú các điểm đến mới lạ cũng là cách để bọn mình đỡ nhớ nhà và lưu lại thêm kỷ niệm đẹp của tuổi thanh xuân”.

Hoàng Yến (thứ 2 trái sang) sum vầy trong bữa cơm 2/9 với gia đình chủ trọ.

Tích cực hoạt động cộng đồng

Cộng đồng người Việt ở nước ngoài thường xuyên tổ chức những hoạt động tập thể lý thú, bổ ích và giàu ý nghĩa nhân văn để thu hút sự tham gia của những người xa quê. Đó là cách để người Việt ở nơi xa xứ xích lại gần nhau, gắn kết chặt chẽ hơn. Người Việt tại Malaysia hiện giờ không ai có thể quên không khí tươi vui, sôi nổi của giải bóng đá ‘‘Vietnam National Day - Footsal Cup 2/9/2015”, tổ chức nhân dịp Quốc khánh Việt Nam, thu hút 90 cầu thủ, chia thành 6 đội bóng cùng hơn 200 cổ động viên, tình nguyện viên tham gia.

Anh Quốc Huy - cựu Chủ tịch Hội sinh viên Việt Nam tại Malaysia kiêm thành viên Ban tổ chức giải đấu năm ngoái chia sẻ: “Người Việt Nam có tính cộng đồng và lòng tự hào dân tộc rất cao, đặc biệt khi ở nơi phương xa thì tinh thần ấy lại càng trở nên mạnh mẽ hơn. Với những dịp đặc biệt như Quốc khánh, thì tinh thần hướng về Tổ quốc của người Việt lại luôn dâng cao”.

Giải bóng đá kỷ niệm ngày Quốc khánh của cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia tháng 9/2015.

Còn với Nguyễn Hiệp, hiện đang làm việc tại Cheongju, Hàn Quốc, 5 cái Tết Độc lập xa quê đều đượm ý nghĩa, bởi tinh thần đoàn kết của cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc rất cao. Năm nào anh cũng được trải nghiệm những hoạt động sôi nổi, cùng những người bạn “trước lạ, sau quen” đến từ mọi miền đất nước từ Bắc chí Nam, hát vang những bài ca đi cùng năm tháng của cách mạng Việt Nam, cùng tự hào khoác lên mình trang phục áo đỏ sao vàng, hay với nữ giới là những tà áo dài thướt tha mang cả hồn cốt dân tộc.

Năm nay, Nguyễn Hiệp cùng các bạn đồng hương đang háo hức chờ đợi để được tham gia Chương trình ca nhạc chào mừng Quốc khánh 2/9, theo kế hoạch sẽ diễn ra ngày 4/9 tới tại Bucheon. Bởi với anh, chẳng gì quý hơn tình đồng bào ấm áp, chẳng món quà nào giá trị hơn những điệu múa truyền thống, những làn điệu dân ca mượt mà xứ Nghệ và cả những món ăn ấm tình quê hương trong ngày Tết Độc lập ở nơi đất khách quê người.

Giải bóng đá gây quỹ từ thiện do Cộng đồng người Việt ở Hàn Quốc tổ chức.

Cháy thêm niềm tự hào

Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, cơ hội sinh sống, học tập hay làm việc ở nước ngoài là một trải nghiệm lý thú không dễ gì có được đối với bất cứ ai. Đi để biết, để hiểu và để trưởng thành hơn trong suy nghĩ và hành động, dẫu họ - những người con xa quê phải chịu không ít khó khăn, thiệt thòi cả về vật chất lẫn tinh thần. Khía cạnh tích cực là những gì học hỏi, gom góp và tích lũy được trên miền đất lạ lại càng khiến người Việt Nam thấm thía và trân trọng hơn bề dày lịch sử và truyền thống của dân tộc.

Chung cảm nhận như vậy, Cúc Anh - du học sinh ở Anh trải lòng: “Ở bên này tuy không có lễ Quốc khánh như ở Việt Nam, nhưng họ ăn mừng ngày sinh nhật Nữ hoàng của họ (vào 11/6) rất tưng bừng. Nhìn dòng người diễu hành ở Anh vào ngày này, mình càng nhớ quê nhà, và càng nhen lên lòng tự hào về đất nước, dân tộc, ý thức rõ hơn trọng trách giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của quê hương trong thế hệ hôm nay”.

Người Việt ở Hàn Quốc tập hát các ca khúc cách mạng để biểu diễn trong các dịp hội họp, các ngày lễ lớn của dân tộc.

Tựu trung, sau tất cả những bỡ ngỡ ban đầu, nỗi nhớ gia đình, quê cha đất tổ trong những ngày lễ lớn của non sông càng làm sáng lên tinh thần tự hào dân tộc, tương thân tương ái trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Đó chính là tinh thần trọn vẹn nhất của ngày lễ thiêng liêng Quốc khánh 2/9.

Thu Giang - Phan Vũ

TIN LIÊN QUAN