Trực 24/24 giờ, tăng cường tiếp quỹ ATM, mở cửa phòng giao dịch cả những ngày nghỉ, kết hợp với các DN lớn trả lương tại chỗ… 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dù đã chuẩn bị kỹ cũng như tập trung lực lượng phục vụ ATM nhằm đảm bảo cung ứng đủ lượng tiền mặt cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 nhưng nhiều khách hàng vẫn than phiền các máy ATM thường xảy ra lỗi mạng, nhất là trong các ngày cuối tuần.

Bệnh cũ tái phát?

Ngày 21/1, chị Thanh (ở Láng Hạ, Hà Nội) dùng thẻ ATM Eximbank để rút tiền tại ATM Agribank số 2 Láng Hạ. “Tuy nhiên, dù thử tới 3/5 cây ATM tại đây, cứ đưa thẻ vào, máy báo giao dịch đang được xử lý, nhưng chờ được một lúc thì máy nhả thẻ ra và thông báo giao dịch không thực hiện được” - chị Thanh cho biết.

Cuối tuần trước, chị Quỳnh (ở phố Nguyễn Ngọc Nại) cần tiền mặt gấp, vào trụ ATM của VietinBank trên phố Lê Trọng Tấn rút, nhưng khi nhập số tiền cần rút thì máy báo lỗi không giao dịch được. "Tôi tưởng một, hai máy có thể bị lỗi và cần sửa chữa, không ngờ sang máy ATM khác của VietinBank đều bị như vậy. Là ngày nghỉ nên không thể nào đến các phòng giao dịch để rút tiền được" - chị Quỳnh bức xúc, bởi đây không phải lỗi kỹ thuật lần đầu tiên của ATM VietinBank. Tại các khu công nghiệp khác như Bắc Thăng Long, Hà Nội, Dương Kinh - Hải Phòng…, theo phản ánh của người lao động cũng phải mất nhiều giờ để xếp hàng hoặc đi tìm cây ATM của ngân hàng khác, chấp nhận mất phí để rút được tiền.

Theo quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ, kể từ giữa tháng 12/2014, nếu ngân hàng nào không giám sát mức tồn quỹ tại máy ATM, không đảm bảo máy ATM có tiền để đáp ứng nhu cầu rút của khách sẽ bị xử phạt từ 10 - 15 triệu đồng. Quy định đã có nhưng triển khai không đơn giản, bởi lẽ, căn cứ nào để khẳng định cây ATM hết tiền thì người dân khó có thể biết. “Thực tế, khi không thực hiện giao dịch, ATM chỉ báo bị lỗi, nhập sai mã pin... chứ có mấy khi báo hết tiền”?" - anh Mạnh Kiên (phố Tạ Quang Bửu, Bách Khoa) chia sẻ. Chưa kể, theo anh Kiên, mỗi lần rút tiền, nhiều cây ATM đều chỉ cho rút tối đa 1,5 - 3 triệu đồng, thay vì bình thường là 5 triệu đồng như mọi lần, trong khi mỗi lần rút lại bị trừ phí 1.100 đồng.

Khó tránh… sự cố!

Còn về giới hạn rút tối đa mỗi lần, lãnh đạo VietinBank cho biết, có thể việc giới hạn số tiền rút mỗi lần là do máy được cài đặt. Để đảm bảo đủ cơ cấu mệnh giá, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của người dân, thay vì chỉ chạy ra một loại mệnh giá là 500.000 đồng, có thể nhiều máy ATM sẽ “nhả” các mệnh giá từ 50.000 - 500.000 đồng. Còn theo ông Đào Minh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, Chủ tịch Hội Thẻ (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), trước đây do chỉ có mệnh giá 50.000 đồng, 100.000 đồng và 500.000 đồng, do vậy khi nếu máy còn mệnh giá 500.000 đồng thì chủ thẻ mới có thể rút tối đa được 5 triệu đồng/lần.

Trường hợp trong máy ATM chỉ còn mệnh giá 100.000 đồng thì chủ thẻ chỉ có thể rút tối đa 3,5 triệu đồng do máy ATM chỉ có thể chi ra tối đa 35 tờ/lần. Ông Tuấn khuyến cáo: “Khách hàng nên tăng cường sử dụng thẻ để thanh toán tiền mua bán hàng hóa/dịch vụ thay cho sử dụng tiền mặt tại các thời điểm trước và trong dịp lễ, Tết. Trường hợp cần phải rút tiền tại các máy ATM, khách hàng nên tính toán nhu cầu tiền mặt hợp lý và nên lựa chọn các địa điểm đặt nhiều máy ATM, tránh các giờ cao điểm như từ 17 – 19 giờ hàng ngày”.

Theo NHNN, hiện 80% giao dịch tại ATM là rút tiền mặt, đặc biệt tăng trong dịp Tết nên gây áp lực và có thể quá tải cho các máy ATM. Đại diện NHNN cho biết, không phải cứ ngân hàng có ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ thì sẽ bị xử phạt. Theo Điều 28 Nghị định 96, ngân hàng có ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ mà không báo cáo NHNN chi nhánh tỉnh, TP và thông báo rộng rãi cho khách hàng thì mới bị phạt. Tuy nhiên, cơ quan này cũng đề nghị khách hàng nếu phát hiện các vi phạm có thể phản ánh theo số điện thoại đường dây nóng đăng tải tại ô “Đường dây nóng” trên trang thông tin điện tử của NHNN.

Theo Kinh tế đô thị

TIN LIÊN QUAN