Ngày hội lớn nhất của đất nước Lào là Bun Pi May, tức Tết năm mới, tổ chức vào tháng 4 dương lịch, đúng vào tháng 5 theo lịch Lào nên ngày Tết này còn có tên là Bun Đương hà (Tết tháng 5). Bun Pi May còn có tên khác nữa là Bun Nốt Nậm (Hội té nước). Các nhà sư gọi Tết này là Hội Phật đản. Đối với nhân dân, đây là Tết cầu mưa để vào vụ mùa sau nhiều tháng nắng hạn.
Vì vậy, trong ngày Tết, nước mang ý nghĩa cầu phúc, chúc phúc. Từ đó, té nước chúc phúc đã trở thành phong tục cổ truyền có tính nghi lễ, đồng thời cũng là trò chơi vui nhộn nhất của nhân dân các bộ tộc Lào.
Trong những ngày Tết, khắp mọi nơi, chùa chiền đều được trang hoàng lộng lẫy, nhưng vẫn giữ dáng vẻ cổ kính và khiêm nhường. Ở đây, các vị sư chủ trì lễ té nước cho tượng Phật.
Bà con dân bản một tay mang âu nước thơm, một tay cầm cành hoa vẩy nước thơm lên tượng Phật hoặc té nước cho các vị sư sãi để chúc mừng năm mới. Khách đến nhà không kể già trẻ, trai gái, không phân biệt quen hay lạ đều được tặng một gáo nước để mừng hạnh phúc, chúc nhiều điều may mắn.
Quần áo mặc trong ngày Tết có ướt sũng nước mới gọi là may mắn, người dội nhiều nước là làm được nhiều điều phúc, người nhận được nhiều nước sẽ được nhiều sự tốt lành. Chỗ nào cũng rộn lên tiếng trống, tiếng khèn, nổi nhạc say sưa vui múa lăm vông và đuổi nhau tưới nước.
Trong những ngày Bun Pi May, khi tiếng nhạc, tiếng hát vang lên, các cô gái Lào duyên dáng trong bộ váy áo dân tộc tới chắp tay mời và đứng chờ bạn cùng múa điệu Lăm Vông tình tứ.
"Vào hội Lăm vông không ai lẻ
Con gái mắt tình, má đỏ au
Con trai tay dẻo, đôi chân khoẻ
Kín một vòng múa biết nhớ nhau...".
Nhiều năm, trong hội rước Nàng Xăn Khản- Nàng Chúa Xuân, người Lào làm con Rồng lớn, con vật của năm mới đem lại cho bản mường, cho đất nước nhiều may mắn, tốt đẹp.
Tết Bun Pi May cùng với những sinh hoạt dân gian, sinh hoạt chùa chiền sống động, đã tạo nên nét độc đáo của văn hóa Lào.