bna_39685464437_222019.jpg
Tết về, khắp thành phố Vinh đâu đâu cũng cờ hoa rực rỡ. Ảnh: Nhật Lân - Đức Anh

Tết đến! Thành phố Vinh - trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh đã có những ngày Xuân đầu năm ấm áp, an lành. Khắp nơi trong thành phố rộn rã, tươi vui với vô vàn âm sắc của hoa và nhạc. Khắp phố phường được trang hoàng rực rỡ; điểm nhấn là những phối cảnh hàng hoa xung quanh khu vực Quảng trường Hồ Chí Minh...

Đêm Giao thừa, Quảng trường Hồ Chí Minh là điểm tập trung của hàng vạn người dân thành phố. Tại đây, UBND thành phố Vinh phối hợp cùng Sở VHTT tổ chức chương trình Đêm hội Giao thừa chào Xuân Kỷ Hợi 2019. Chương trình là hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc biệt trong dịp đón Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân.

Đêm hội bao gồm nhiều tiết mục nghệ thuật múa, hát, khiêu vũ hiện đại với sự tham gia của các nghệ sĩ, vận động viên nổi tiếng. Đêm hội được kết thúc bằng màn pháo hoa tầm cao chào mừng năm mới rực rỡ vào đúng thời khắc năm mới về. Người dân thành phố đã được thưởng thức “bữa tiệc ánh sáng" hoành tráng, lung linh. Bữa tiệc mở ra một năm mới đầy ước vọng mới.

Pháo hoa tầm cao chào năm mới ở Quảng trường Hồ Chí Minh. Ảnh: Đức Anh

Để đêm hội chào mừng năm mới an vui, đã có rất nhiều người âm thầm, lặng lẽ góp sức mình. Đó là những cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, y bác sĩ, anh công nhân điện lực, chị công nhân vệ sinh... Ghi nhận những đóng góp lặng thầm này, trong đêm Giao thừa này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Nghệ An đã đến thăm hỏi, biểu dương, tặng quà và gửi lời chúc Tết đến những công dân đáng kính đó.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Nghệ An thăm những người thức cùng Giao thừa và các bệnh nhân. Ảnh: Thành Cường - Thanh Lê

Đêm Giao thừa tại thành phố Đỏ dường như không ai nỡ ngủ. Sau “bữa tiệc pháo hoa", người dân đổ về các linh từ, cổ tự để dâng hương, xin chữ. Vợ chồng anh chị Trung Dũng - Hoài Linh (phường Lê Lợi) chia sẻ: Công nghệ đang khiến cuộc sống thay đổi quá nhiều, nhất là tác động đến con trẻ. Đêm Giao thừa, vợ chồng đưa con cháu lên chùa để trẻ biết nếp xưa, trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống. Sau đêm Giao thừa, cả nhà sẽ thực hiện kế hoạch du Xuân trong ba ngày Tết như về Kim Liên quê Bác, về quê xem hội, đi Tết thầy, mừng thọ...

Đầu năm lên chùa xin chữ. Ảnh: Thành Cường

Gìn giữ nét xưa, vui niềm sum họp, trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ năm mới, khắp các bản làng, khối xóm trong tỉnh, ở đâu cũng có nhiều hoạt động hết sức vui tươi, sôi động. Các tổ liên gia chọn những vị trí rộng rãi và bằng phẳng để đốt lửa, vui chơi mừng năm mới. Bên ánh lửa bập bùng, mọi người tay trong tay và hát lên những ca khúc vui tươi, rộn ràng, thể hiện niềm tin và hy vọng khi mùa Xuân mới đã về mang theo hơi ấm và sự hồi sinh của cỏ cây, hoa lá.

Vui rượu cần, múa hát trong ngày Tết ở bản Tam Liên. Ảnh: Hồ Phương

Như tại bản Tam Liên, xã Tam Quang (Tương Dương) thì tổ chức liên hoan uống rượu cần, chung vui lửa trại, hái hoa dân chủ, trò chơi dân gian. Tiếng cồng chiêng vang vọng hòa chung với những làn điệu dân ca (khắp, lăm, nhuôn, xuối). Ché rượu cần quây quần, nồng nàn hương vị nếp nương, men lá. Điệu múa nhịp nhàng uyển chuyển. Những lời chúc tốt đẹp gửi trao. Ông Phang Văn Thủy - Trưởng bản Tam Liên cho hay: Những hoạt động này tạo điều kiện cho người dân vui chơi, gắn kết cộng đồng, tạo nên nếp sống văn hóa mới, lại vừa hạn chế được các tệ nạn xã hội trong những ngày Tết.

Tết đến với mọi nhà. Nhà nhà chung niềm vui đoàn tụ, sum vầy. Ngày thường, vợ chồng ông Ngô Văn Hùng ở xóm 2, xã Tường Sơn (Anh Sơn) sống cùng nhau trong ngôi nhà rộng rãi, trống trải. Tết đến, các con làm ăn xa trở về đông đủ, ngôi nhà ấm áp hẳn lên. Ông Hùng chia sẻ: “Tết Kỷ Hợi này, 3 con làm ăn, sinh sống ở miền Nam đều đưa cả gia đình về quê. Gia đình sum vầy bên nhau, vợ chồng chúng tôi vô cùng phấn khởi. Niềm hạnh phúc lớn nhất của người già là được ở bên con cháu trong những ngày vui như thế này”.

Bà con bản Khe Rạn, xã Bồng Khê (Con Cuông) khắc luống vui ngày Tết. Ảnh: Công Kiên
Tết này, đi đến nơi đâu cũng vậy: Khắp các làng, bản, khối xóm, nơi đâu cũng cây nêu, cột cờ, đường quang, đêm ánh đèn rực rỡ. Vui Tết, nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức giao lưu, gặp mặt con em xa quê, vừa giúp con em nắm bắt được những bước tiến trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, vừa tranh thủ sự ủng hộ về tinh thần và vật chất cho quê hương, cho người nghèo và các hoàn cảnh khó khăn. Tại các địa phương như: Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn...nhiều hoạt động thể thao lành mạnh, vui tươi, sôi động được tổ chức, thu hút đông đảo người dân tham gia.
Nhiều trò chơi dân gian được tổ chức trong ngày Tết ở huyện Thanh Chương và Nam Đàn. Ảnh: Huy Thư 

Ở huyện Thanh Chương, Phòng VHTT và Huyện Đoàn đã tổ chức đồng thời các giải bóng cùng nhiều trò chơi dân gian như bịt mắt bắt vịt, ném còn, đập niêu tại sân vận động trung tâm. Ở huyện Nam Đàn, hội vật xã Nam Thanh lại nổi trống. Tranh tài tại hội vật, anh Nguyễn Bá Lực hào hứng cho hay: “Mỗi dịp Tết cổ truyền, người dân xã lại háo hức tổ chức hội vật. Tôi rất vui khi được về tham dự Hội vật Xuân Kỷ Hợi tại quê mình. Ngày Tết, lên xới thắng thua không quan trọng, cái chính là để cổ vũ phong trào và góp phần làm cho không khí vui Xuân đón Tết ở quê hương thêm sôi động”.

Xuân mới về, ngập tràn hy vọng mới. Tại “đất học” làng Quỳnh, mùng 2 Tết, người dân lại tổ chức lễ khai bút đầu Xuân và tuyên dương học sinh xuất sắc. Tham dự lễ khai bút đầu xuân năm nay có gần 100 học sinh tiêu biểu, xuất sắc tham gia viết văn, thơ về quê hương đổi mới, công ơn của Đảng và Bác Hồ, kể lại những việc làm tốt của mình trong năm qua và những mục tiêu phấn đấu trong năm Kỷ Hợi. Từ các bài viết trong ngày khai bút, Hội Khuyến học xã lựa chọn những bài văn, bài thơ hay nhất, có ý nghĩa, nét chữ đẹp nhất để trao quà khuyến học nhằm động viên, khích lệ tinh thần học tập của các em trong những ngày đầu xuân năm mới.

Sáng Mùng 2 Tết, xã Quỳnh Đôi tổ chức cho con em khai bút đầu năm. Ảnh: Việt Hùng

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Quý - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu cho biết: Khai bút đầu năm là một nét văn hóa đẹp của người Việt Nam, thể hiện tinh thần hiếu học, đề cao sự học. Quỳnh Đôi lấy việc học làm hàng đầu bởi vậy chúng tôi tổ chức khai bút cho các cháu tạo sự phấn khởi đầu năm để các cháu cố gắng học tập trong năm. Năm học 2017 - 2018 xã có 8 học sinh giỏi tỉnh, 49 học sinh giỏi huyện và 40 học sinh đậu đại học. Hy vọng năm nay, Quỳnh Đôi sẽ có thêm nhiều con em đỗ đạt cao.

Đua thuyền ở Quỳnh Long trong những ngày đầu năm. Ảnh: Hữu Tình

Ở các làng biển tại Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Cửa Lò, mỗi làng đều có một phong tục, tín ngưỡng tốt đẹp đón Tết, cầu may riêng. Song tựu chung lại, đó là mong mỏi mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, quốc thái dân an, dân làng có mùa cá bội thu. Ngày Mùng 2 Tết, hàng ngàn người dân xã Quỳnh Long, nô nức đổ về tuyến đê biển thôn Phú Liên tham gia Lễ Yết cáo Tổ tiên Tiền hiền tại Đền thờ Cá Ông ở thôn Đại Bắc, cầu nguyện một năm mới; tham gia lễ hội đua thuyền truyền thống và phát động ngư dân ra quân khai thác hải sản năm 2019.

Ngư dân Diễn Châu chuẩn bị chuyến ra khơi lấy may đầu năm. Ảnh: Mai Giang

Vui xuân, ngư dân Diễn Châu cũng không quên chuẩn bị cho một năm mới ra khơi vào lộng bình yên may mắn. Tết nay, hầu hết ngư dân đều chọn ngày Mùng 2 Tết để xông biển đầu năm. Các tàu chỉ đi ra cửa biển khoảng 3-5 hải lý, thả mẻ lưới lấy may rồi trở về tiếp tục đón Tết cùng gia đình và làng xóm. Ngư dân Lê Văn Huy ở xã Diễn Bích, tươi tắn sẻ chia: "Chọn ngày đẹp để làm ăn cả một năm phát hành cho tốt, nên nhân dân thủ tục cứ đầu năm Mùng 2 là đi. Nói chung anh em lấy may cầu cho một năm mưa thuận gió hòa..."

Nam thanh, nữ tú người Mông ném pao chọn bạn đời vào dịp đầu Xuân. Ảnh: Đào Thọ

Tết an vui, Xuân ấm áp! Bản làng vùng cao lúc này đã thay sắc áo mới. Tiếng pí, tiếng khèn rộn rã mùa yêu. Tại xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn), người già ngồi quanh bếp lửa ăn bánh nếp, uống chén rượu ngô hàn huyên tâm sự những chuyện năm cũ và khuyên bảo nhau cách làm ăn trong năm mới. Nam thanh, nữ tú mặc những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất rủ nhau ra sân thổi khèn, ném pao tìm vợ tìm chồng.

Cô gái hát rằng: “Người con trai ta yêu ơi, năm nay đẹp và may mắn cho em được gặp anh. Anh ở bản nào lên đây, tại sao lại biết nói chuyện vui làm cho người con gái như em không muốn đi làm ăn nữa. Bố mẹ anh ăn gì sinh ra anh đẹp trai như thế?...”. Và chàng trai đáp lại: “Người con gái đẹp gái ơi, anh ở bản… lên, hôm nay là ngày Tết anh may mắn được gặp em, trong lòng anh đã trộm yêu em rồi. Bố mẹ anh ăn rau muối sinh ra anh thôi…”

Hội chọi bò đầu năm ở xã Mường Lống. Ảnh: Đào Thọ

Ngoài sân vận động của xã, nhà nhà dắt những con bò to nhất, đẹp nhất kéo về chuẩn bị cho hội chọi đầu Xuân. “Năm nào cũng vậy, Tết là phải có chọi trâu, bò, đá gà, ném pao mới vui. Với người vùng cao chúng tôi, chọi bò không chỉ là thú vui mà còn là cách khuyến khích mọi người phát triển nông nghiệp” - ông Lầu Chứ Xềnh ở bản Mường Lống 2 khẳng định!

Tết an vui, Xuân ấm áp đến trong từng nếp nhà, vùng quê, làng bản... với niềm tin mới!