Những ngày tháng Tám, chúng tôi về xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu (Nghệ An), nơi gắn liền với tuổi thơ ấu Phùng Chí Kiên - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản mẫu mực kiên trung, nhà chính trị, quân sự song toàn.

Năm tháng đi qua nhưng vẫn còn mãi trong ký ức của người dân nơi đây những kỷ niệm ngọt ngào đằm thắm về người con anh hùng của quê hương. Và càng ý nghĩa hơn khi Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch vừa quyết định công nhận Di tích Lưu niệm đồng chí Phùng Chí Kiên là di tích cấp Quốc gia đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày mất của đồng chí (21/8/1941 - 21/8/2011).

767846_small_65510.jpgĐồng chí Nguyễn Vỹ(Phùng Chí Kiên).
Phùng Chí Kiên - cái tên được Lý Thụy (Nguyễn Ái Quốc) đặt với ý nghĩa "Sự gặp gỡ giữa ý chí và lòng kiên trung", tên thật là Nguyễn Vỹ, sinh ngày 18/5/1901 tại làng Mỹ Quan Thượng, Tổng Vạn Phần, nay là xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, cần cù lao động và giàu lòng yêu nước. Được sự nuôi dưỡng, giáo dục của gia đình, được tiếp xúc với các tư tưởng trào lưu yêu nước, đồng chí sớm giác ngộ và quyết tâm đi theo con đương cứu nước, cứu dân.


Tháng 10/1926, Phùng Chí Kiên được tổ chức Hội Việt Nam Thanh niên cách mạng giác ngộ, bí mật cùng một số thanh niên yêu nước rời quê hương sang Quảng Châu (Trung Quốc) bắt liên lạc với những người đồng hương như Lê Huy Doãn (tức Lê Hồng Phong), Phạm Thành Tích (Phạm Hồng Thái)... hoạt động, tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc thành lập và tham gia lớp huấn luyện chính trị do Người tổ chức. Sang đến Trung Quốc với bí danh Mạnh Văn Liễu - Phùng Chí Kiên được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu vào học tại Trường Quân sự Hoàng Phố (khóa 5) của Chính phủ Tôn Trung Sơn. Tháng 4/1927, Trường Quân sự Hoàng Phố đóng cửa, Phùng Chí Kiên gia nhập Hồng quân công nông do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo, trực tiếp tham gia cuộc khởi nghĩa Quảng Châu ngày 12/12/1927.

Với thành tích học tập và chiến đấu Phùng Chí Kiên đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 12/1929). Sau đó, đồng chí được cử làm Chỉ huy trưởng Trung đoàn số 4 của Quân đoàn Hồng quân II ở khu căn cứ Hải - Lục Phong. Trong thời gian phục vụ Hồng quân Trung Quốc, đồng chí đã tham gia 50 trận đánh chống lại Quốc dân Đảng. Đây thực sự là nền tảng và điều kiện rất cơ bản để đồng chí tích lũy kinh nghiệm và phát triển tài năng quân sự.


Tháng 12/1930, Phùng Chí Kiên trở lại Hồng Kông và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 1/1931, đồng chí được Nguyễn Ái Quốc cử sang học Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng Sản ở Matxcơva (Liên Xô).

Phùng Chí Kiên tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông vào một thời kỳ đặc biệt. Đó là lúc cách mạng Đông Dương đang trải qua những cơn sóng gió bởi sự đàn áp của thực dân Pháp và tay sai đối với cao trào cách mạng 1930 - 1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh.

Trong bối cảnh đó, năm 1934, sau khi kết thúc khóa học ở Matxcơva, Phùng Chí Kiên được Quốc tế Cộng sản Đông Dương điều về bổ sung cho Ban Chỉ huy Hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương (được Lê Hồng Phong thành lập trước đó ít lâu). Sau đó, đồng chí cùng với Ban Chỉ huy ở hải ngoại xúc tiến công tác chuẩn bị cho việc triệu tập Đại hội Đại biểu lần thứ nhất của Đảng. Từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935, tại một địa điểm trên phố Quan Công (Ma Cao - Trung Quốc), Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương tiến hành đại hội, đồng chí Phùng Chí Kiên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được cử vào Ban Thường vụ Trung ương, trực tiếp phụ trách công tác Đảng ở nước ngoài.


Sau thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử năm 1936, Chính phủ Mặt trận bình dân Pháp được thành lập và đã ban bố một số chính sách có lợi cho các nước thuộc địa trong đó có Đông Dương. Tình hình trong nước thay đổi có lợi cho cách mạng. Tháng 8/1936, Ban Chấp hành Trung ương cử đồng chí Phùng Chí Kiên về nước hoạt động cùng với đồng chí Hà Huy Tập, chỉ đạo phong trào cách mạng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VII Quốc tế Cộng sản và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 26/7/1936 nhằm đấu tranh đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình.

Một thời gian sau, Phùng Chí Kiên trở lại Trung Quốc chỉ đạo công tác Đảng ở nước ngoài với tấm thẻ căn cước mang tên Phùng Nguôi Bình. Ngày 25/10/1938, khi Phùng Chí Kiên đang ở trong căn nhà số 71, phố Đại Nam (Hồng Kông) thì bị cảnh sát Anh vây bắt.

Do không phát hiện được tài liệu chứng cứ, Thống đốc Hồng Kông phải ký lệnh trả tự do cho đồng chí và trục xuất khỏi Hồng Kông vào ngày 6/12/1938. Sau đó đồng chí trở về Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), nơi Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động. Dưới sự lãnh đạo của Người, Phùng Chí Kiên và một số đồng chí khác nhanh chóng củng cố lại Ban Chỉ huy Hải ngoại của Đảng và xuất bản tờ báo "Đồng Tranh" để phục vụ công tác tuyên truyền, vận động và định hướng đấu tranh cho quần chúng cách mạng.


Bước vào thập niên 40 của thế kỷ XX, trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình trong nước và thế giới, Nguyễn Ái Quốc quyết định về nước lãnh đạo Cách mạng Việt Nam. Cùng trở về nước với Người có nhiều học trò xuất sắc mà Phùng Chí Kiên là một trong các đồng chí đó. Ngày 28/1/1941 (tức ngày 2 Tết Tân Tỵ), đoàn cán bộ của Đảng từ Nậm Quang vượt qua cột mốc biên giới 108 về Cốc Pó (Hà Quảng, Cao Bằng).

Tại đây, Phùng Chí Kiên được phân công phụ trách huấn luyện chính trị cho cán bộ địa phương. Đây là lớp huấn luyện cán bộ Việt Minh đầu tiên của nước ta. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941) tại Cao Bằng, Phùng Chí Kiên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp phụ trách công tác quân sự của Đảng. Tháng 7/1941 đồng chí được giao trọng trách làm Tổng Chỉ huy căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai và Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân 1.

Với cương vị Chỉ huy trưởng Đội Cứu quân 1, đồng chí đã có nhiều đóng góp quan trọng trong xây dựng, củng cố tổ chức đơn vị. Với tư cách là Tổng chỉ huy khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai, đồng chí đã đem những kiến thức quân sự được học tập tại Trung Quốc, Liên Xô trực tiếp truyền đạt những kiến thức cơ bản về quân sự, nhất là chiến dịch du kích cho cán bộ, chiến sỹ phụ trách các khu vực và địa phương trong khu căn cứ.


Phát hiện thấy phong trào Cách mạng ở Bắc Sơn phát triển mạnh, trung tuần tháng 7/1941, Pháp tập trung hơn 4.000 quân mở cuộc càn quét vào khu Bắc Sơn - Võ Nhai nhằm tiêu diệt bằng được cơ quan đầu não kháng chiến, trấn áp phong trào cách mạng ở Bắc Sơn và truy bắt các đồng chí cán bộ cao cấp của Đảng. Dưới sự chỉ huy của Phùng Chí Kiên, Đội Cứu quốc Bắc Sơn đã chiến đấu anh dũng, đánh tan một số trận càn quét lớn của địch, giữ vững tinh thần cách mạng của nhân dân Bắc Sơn.

Ngày 22/8/1941 khi cánh quân của Phùng Chí Kiên đến làng Khau Pán, xã Bằng Đức, châu Ngân Sơn, Bắc Kạn bị địch phục kích. Bị đánh bất ngờ nên đơn vị tổn thất nặng nề, chỉ huy trưởng Phùng Chí Kiên chiến đầu đến viên đạn cuối cùng, bị thương và bị địch bắt. Bọn địch tra tấn dã man và chặt đầu đồng chí bêu ở cầu Ngân Sơn vào ngày 21/8/1941, lúc đó đồng chí mới 40 tuổi.


Sau 16 năm xông pha hoạt động cách mạng (1925 - 1941), với nhiều bí danh khác nhau, đồng chí Phùng Chí Kiên được đánh giá là nhà cách mạng văn võ song toàn, là một trong những chiến sỹ cộng sản bị địch theo dõi, truy lùng gắt gao nhất. Dù ở hoàn cảnh nào trong học tập, rèn luyện, lãnh đạo, chỉ huy chiến đấu, đồng chí vẫn kiên trung, dũng cảm, đứng mũi chịu sào... góp công lớn vào thành quả của Cánh mạng Việt Nam.

                Phối cảnh khu di tích Phùng Chí Kiên.             Ảnh:Trần Đình Hà


Sự hy sinh của đồng chí là một tổn thất của Đảng và Cách mạng Việt Nam. Do đồng chí hy sinh trong những năm tháng kháng chiến gian khổ, nước nhà mới giành được độc lập, Đảng và Nhà nước chưa có điều kiện tôn vinh nên đến ngày 23/9/1947 khi đất nước được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 89/ SL truy phong hàm cấp tướng cho đồng chí. Đây cũng là sắc lệnh phong hàm tướng đầu tiên trong lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam và ngày 10/11/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1228/ QĐ - TTg công nhận Liệt sĩ và Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch xếp hạng Di tích Lưu niệm đồng chí Phùng Chí Kiên là di tích cấp Quốc gia đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày đồng chí hy sinh (21/8/1941 - 21/8/2011).


Nguyễn Trọng Cường