Tàu vũ trụ Beresheet do tổ chức phi chính phủ SpaceIL và hãng Công nghiệp vũ trụ Israel phối hợp sản xuất.
Ngày 22/2/2019, tàu được phóng lên không gian bằng tên lửa đẩy Falcon 9 của SpaceX từ bãi phóng Cape Canaveral, Florida, Mỹ.
Sau khi bay vòng quanh Trái đất rồi hướng lên không gian, ngày 4/4 vừa qua, tàu chính thức giảm vận tốc từ 8.500km/h xuống còn 7.500km/h để đi vào quỹ đạo Mặt trăng và dự kiến sẽ xuống thăm chị Hằng vào ngày 11/4.
Sự kiện này đánh dấu 2 cột mốc trong ngành hàng không vũ trụ, thứ nhất đây là lần đầu tiên Israel đưa tàu vũ trụ lên Mặt trăng, thứ hai đây là lần đầu một tàu vũ trụ tư nhân làm được điều này.
Trang Daily Mail đưa tin, mọi chuẩn bị cho phi vụ tiếp đất lịch sử đã được hoàn thiện. Trong gần 2 tháng qua, Beresheet đã di chuyển một hành trình dài qua 5,5 triệu km để đến được Mặt Trăng.
"Đây sẽ là một cột mốc đáng nhớ. Beresheet dự kiến sẽ gửi ngay một số bức ảnh về cho chúng tôi" - Yonatan Winetraub - đồng sáng lập SpaceIL - nói và cho biết sự kiện sẽ được nhiều đài truyền hình trên thế giới trực tiếp.
Tuy nhiên theo Opher Doron - trưởng bộ phận không gian của hãng Công nghiệp vũ trụ Israel, vẫn chưa dám chắc kết quả hạ cánh sẽ như thế nào cho đến ngày thứ 5 tới đây.
"Tàu sẽ bay quanh Mặt Trăng với quỹ đạo nhỏ dần rồi tìm cách đáp xuống. Tuy nhiên vẫn có trường hợp tàu sẽ phát nổ khi đáp xuống Mặt Trăng. Điều này rất nguy hiểm, và chúng tôi khó lòng biết trước mình có thành công hay không" - Doron nói.
Ngoài Israel, hiện tại nhiều nước trên thế giới cũng có kế hoạch thực hiện chương trình thám hiểm Mặt Trăng, trong đó có Ấn Độ.
Đặc biệt Ấn Độ có thể đưa cả xe tự hành lên Mặt trăng và dự kiến chuyến bay lịch sử này sẽ được thực hiện ngay trong năm 2019.