Mưa rét kéo dài, biển động liên tục trong những ngày qua kèm theo đó, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên từ sau Tết đến nay, hầu hết tàu thuyền đang “nằm bờ” chưa thể ra khơi khai thác, đánh bắt. Ông Nguyễn Tiến Lợi, Chủ tịch Hội Nông dân phường Nghi Thủy (TX. Cửa Lò) cho biết: “Mọi năm, mùng 4 Tết ngư dân đã ra khơi mở biển, năm nay, nhiều yếu tố bất lợi cùng lúc: xăng dầu tăng, thời tiết xấu, dịch bệnh nhiều chủ tàu, thuyền viên đang phải cách ly nên 110 tàu thuyền trên địa bàn đang tạm ngưng hoạt động khai thác đánh bắt”.
Ở các địa phương khác như Diễn Châu, Quỳnh Lưu, hoạt động khai thác hải sản của ngư dân cũng đình trệ. Điều này dẫn đến tình trạng khan hiếm tạm thời hải sản tươi sống ở các chợ dân sinh. Theo khảo sát, trong những ngày qua, tại các chợ như Quán Lau, Hưng Dũng, chợ Vinh, chợ Cọi… rất nhiều gian hàng hải sản tươi sống nghỉ bán.
Nguyên nhân là do không có hàng để lấy sỉ bán lẻ, phần nữa do dịch bệnh nên chợ ế ẩm hơn. Liên hệ qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Phượng, một tiểu thương ở Nghi Tân (Cửa Lò) kinh doanh tôm, cá, mực tươi ở chợ Hưng Dũng cho biết: “Tàu thuyền không ra khơi nên không có nguồn hàng để lấy bán. Mấy hôm nay phải nghỉ chợ, từ mai phải bán hàng đông lạnh, hàng khô thay thế”.
Hải sản tươi sống khan hiếm nên tiểu thương chuyển sang lấy hải sản đông lạnh tại các kho đông để bán ra thị trường. Bà Phạm Thị Hiền, chủ một kho đông ở phường Nghi Hải (TX. Cửa Lò) cho biết: “Từ bữa ra Tết đến nay thì ế ẩm hơn mọi năm do dịch bệnh. Song 1 tuần nay thì có tăng lại, chủ yếu là bán lẻ cho các tiểu thương bán lại ở các chợ. Mỗi ngày, kho chúng tôi bán ra vài tạ cho các tiểu thương trong vùng”.
So với hải sản tươi sống thì mặt hàng đông lạnh chất lượng không thể sánh bằng, người tiêu dùng cũng không ưa chuộng nhưng trong tình cảnh hiện nay thì đây là mặt hàng thay thế và nhiều người nội trợ lựa chọn. Giá hải sản đông lạnh khá bình ổn: cá thu 190.000 - 210.000 đồng/kg, cá chim từ 130.000-150.000đồng/kg, tôm thẻ chân trắng 150.000-180.000 đồng/ kg; mực ống có giá 180.000 – 200.000 đồng/kg.
“Hầu hết tôm, cá, mực ở các kho đông là từ miền Nam ra, mua từ các nước về nên không thể ngon bằng hải sản Cửa Lò, Quỳnh Lưu, Diễn Châu mới đánh bắt. Tuy nhiên, để thay đổi thực đơn hàng ngày, người dân vẫn lựa chọn hải sản đông lạnh cho bữa ăn.
Hiện tại, giá hải sản tươi sống tăng cao so với trước. Cụ thể: cá cháo có giá 150.000-170.000 đồng/kg (tăng 30.000-50.000 đồng/kg); tôm biển 400.000 đồng/kg (tăng 100.000 đồng/kg), mực 400.000 đồng/kg (trước là 300.000 đồng/kg), cá thu 300.000 – 350.000 đồng/kg (trước là 250.000 – 270.000 đồng/kg), cá bạc má 150.000 đồng/kg (trước là 100.000 đồng/kg); ghẹ xanh 600.000-700.000 đồng/kg (tăng 200.000 đồng/kg)…
Hải sản khai thác tự nhiên khan hiếm nên nhiều người chuyển sang lựa chọn các loại hải sản nuôi trồng hoặc ăn thủy sản nước ngọt nên các mặt hàng này khá chạy. Chị Nguyễn Tuyết Anh, một bà nội trợ ở phường Hưng Bình (TP. Vinh) cho biết: "Hải sản đông lạnh thì không chuộng, hải sản tươi sống giá đắt lại hiếm nên những ngày này tăng thịt, ăn các loại cá sông, tôm sông, ếch đồng, lươn... thay thế".
Theo nhận định thì tình trạng khan hiếm này chỉ diễn ra tạm thời do thời tiết bất lợi và do tác động của giá xăng, dịch bệnh. Khi đợt mưa rét kết thúc, ngư dân ra khơi trở lại thì thị trường sẽ dồi dào, tuy nhiên, giá cả sẽ có nhiều biến động khi xăng dầu đang leo thang như hiện nay.