Cục diện cuộc đua chiếm lĩnh đáy biển giữa Nga với Mỹ và đồng minh có thể được quyết định bởi chính các hạm đội tàu ngầm.
Theo các quan chức quân sự phương Tây, tàu ngầm tấn công Nga gần hai thập kỷ qua đang ra sức tiếp cận các bờ biển Scandinavia và Scotland, đồng thời tìm mọi cách để xuất hiện nhiều hơn tại Địa Trung Hải hay Bắc Đại Tây Dương. Đây là bằng chứng cho thấy Moscow dường như muốn nhắm đến mục tiêu thách thức vị thế thống trị đáy biển của Washington cũng như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Năm ngoái, đô đốc Viktor Chirkov, tư lệnh hải quân Liên bang Nga, tuyên bố tần suất tuần tra của tàu ngầm Nga trên các vùng biển quốc tế tăng gần 50% so với năm trước. Giới phân tích nhận định xu hướng này từ đó đến nay không thay đổi.
Những cuộc tuần tra bằng tàu ngầm là dấu hiệu dễ nhận biết nhất thể hiện mối quan tâm ngày càng tăng của Tổng thống Nga Vladimir Putin đối với cuộc chạy đua làm chủ đáy biển sâu. Nga những năm qua chi hàng tỷ USD để phát triển, chế tạo các lớp tàu ngầm tấn công chạy bằng động cơ điện - diesel hay năng lượng hạt nhân mới, hoạt động êm hơn và trang bị nhiều vũ khí tối tân, theo New York Times.
Một số nhà phân tích quân sự độc lập Mỹ đánh giá, việc Moscow tăng cường tuần tra bằng tàu ngầm sẽ tạo ra thách thức lớn cho cả Washington và NATO. Bên cạnh đó, khi căng thẳng dâng cao, một tính toán sai lầm cũng có thể là nguồn cơn làm bùng phát xung đột giữa các bên. Lầu Năm Góc đang dùng những hạm đội tàu ngầm Nga như cái cớ để tăng ngân sách đầu tư cho công nghệ cũng như các phương tiện tác chiến đáy biển.
Cuộc cạnh tranh siêu cường
Giới quan chức hải quân Mỹ cho hay, trong ngắn hạn, sự gia tăng số lượng tàu ngầm Nga, với khả năng thăm dò bờ biển châu Âu hay bí mật theo dõi các hạm đội tàu mặt nước phương Tây, sẽ buộc Washington phải mua sắm thêm chiến hạm, máy bay và kể cả tàu ngầm để ứng phó.
Trong dài hạn, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đề xuất một khoản ngân sách trị giá 8,1 tỷ USD cho 5 năm tới nhằm "nâng cao năng lực tác chiến dưới đáy biển". Điển hình là khoản đầu tư sắm mới 9 tàu ngầm tấn công lớp Virginia, có khả năng mang theo 40 tên lửa hành trình Tomahawk, gấp ba lần công suất hiện tại.
"Chúng ta đang quay trở lại cuộc cạnh tranh siêu cường", đô đốc John M. Richardson, tham mưu trưởng hải quân Mỹ, nói trong một cuộc phỏng vấn.
Tuần trước, cường kích Su-24 Nga bị cáo buộc liên tiếp áp sát một tàu hải quân Mỹ trên biển Baltic, có lúc chỉ cách chiến hạm Mỹ khoảng 9 m. Tàu ngầm Nga năm ngoái cũng phóng 4 tên lửa hành trình vào các mục tiêu ở Syria. Trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa quân đội, ông Putin còn muốn trang bị quân đội Nga nhiều hơn nữa tên lửa đạn đạo liên lục địa, máy bay, xe tăng cùng những hệ thống phòng không tân tiến nhất.
Nga hiện sở hữu khoảng 45 tàu ngầm tấn công, trong đó 25 chiếc chạy bằng năng lượng hạt nhân, số còn lại chạy bằng động cơ diesel. Nhiệm vụ chính của những "quái thú" dưới lòng biển này là đánh chìm tàu ngầm hoặc tàu mặt nước đối phương, thu thập thông tin tình báo và tuần tra.
Thế nhưng, các nhà phân tích hải quân phương Tây cho rằng, chỉ khoảng một nửa trong 45 tàu ngầm Nga đang ở trạng thái sẵn sàng triển khai. Hầu hết chúng đều qua lại ở khu vực gần bờ biển nước này và nhịp độ hoạt động cũng thấp hơn nhiều so với thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Còn Mỹ có 53 tàu ngầm tấn công, tất cả đều chạy bằng năng lượng hạt nhân, cùng 4 tàu ngầm hạt nhân khác trang bị tên lửa hành trình và chuyên chở các lực lượng đặc nhiệm. Khoảng 1/3 số tàu ngầm tấn công Mỹ liên tục hiện diện trên biển để tuần tra hoặc huấn luyện. Những chiếc còn lại thường xuyên được bảo dưỡng luân phiên. Khác với Nga, tàu ngầm Mỹ với tốc độ nhanh, độ bền cao, khả năng tàng hình ưu việt, có thể làm nhiệm vụ ở cả những vùng nước xa xôi. Chính vì thế, giới phân tích quân sự cho rằng chúng vượt trội so với các đối thủ Nga.
Lầu Năm Góc còn đang phát triển một loại công nghệ phức tạp để theo dõi thông tin liên lạc mã hóa giữa các tàu ngầm Nga cùng các tàu mặt nước không người lái hoặc điều khiển từ xa mới. Một số thành viên liên minh NATO, bao gồm Anh, Đức và Na Uy, cũng xem xét mua thêm tàu ngầm để đối phó với những động thái tăng cường quân sự hóa của Nga ở vùng biển Baltic và Bắc Cực.
Nhưng Moscow mới đây đã thay đổi chiến lược an ninh, hàng hải của mình, tập trung vào nhiệm vụ củng cố sức mạnh hải quân và mở rộng khả năng tiếp cận không những ở Bắc Cực mà còn vươn ra toàn Đại Tây Dương.
Các tàu ngầm và tàu do thám Nga được cho là đang hoạt động rất gần các tuyến cáp biển quan trọng, lưu chuyển gần như toàn bộ mọi thông tin liên lạc Internet toàn cầu. Giới chức tình báo và quân sự Mỹ lo ngại, Nga có thể tấn công những tuyến cáp này trong trường hợp xảy ra xung đột hay căng thẳng leo thang.
Ngoài ra, các nhà phân tích và chuyên gia tình báo Mỹ cho rằng Nga còn đang phát triển một thiết bị không người lái dưới đáy biển có thể mang theo vũ khí hạt nhân chiến lược cỡ nhỏ để tấn công bến cảng hay những khu vực ven biển.
Giống như Mỹ, Nga cũng có khả năng điều động những tàu ngầm lớn chạy bằng năng lượng hạt nhân hoạt động nhiều tháng dưới đáy biển. Các tàu ngầm này sẽ mang đến hàng loạt thách thức ở một cấp độ hoàn toàn khác cho hải quân Mỹ.
"Đối với cấu trúc hải quân Nga, tàu ngầm chính là át chủ bài làm nên sức mạnh chiến đấu", Magnus Nordenman, giám đốc tổ chức Sáng kiến An ninh thuộc Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, bình luận. "Mỹ và NATO gần đây không chú trọng vào năng lực chống ngầm. Họ đang để nó mai một dần đi".
Nhiều quan chức Mỹ và phương Tây đánh giá, điều này sẽ giúp Nga có thể hồi sinh nhanh chóng năng lực chiến đấu trên biển.
Theo New York Times, các sĩ quan tại trung tâm chỉ huy chiến dịch ở châu Âu của hải quân Mỹ lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ đã phải theo dõi sát các hoạt động của tàu ngầm Nga qua những nút thắt quan trọng chia cắt Greenland, Iceland và Anh. Đây là những địa điểm có ý nghĩa chiến lược đối với mạng lưới bảo vệ châu Âu thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Rộng khoảng vài trăm km, khu vực này là lằn ranh mà Liên Xô phải vượt qua nếu muốn tới Đại Tây Dương và ngăn cản các lực lượng Mỹ hợp quân với đồng minh châu Âu trong những giai đoạn khủng hoảng.
Máy bay chống ngầm Mỹ suốt hàng chục năm đóng tại căn cứ hải quân Keflavik ở Iceland nhưng đã rời đi vào năm 2006. Hải quân Mỹ sau đó định kỳ điều máy bay săn ngầm P-3 tới đây. Hiện tại, Washington có kế hoạch dành khoảng 20 triệu USD nâng cấp các nhà chứa máy bay cùng những cơ sở hạ tầng hỗ trợ tại Keflavik để giúp căn cứ này có thể tiếp nhận các phi cơ trinh sát biển P-8A hiện đại hơn của hải quân Mỹ. Số tiền trên là một phần của gói Sáng kiến Trấn an châu Âu trị giá 3,4 tỷ USD.
Các quan chức hải quân Mỹ lo ngại trong tương lai gần, tàu ngầm Nga sẽ vượt qua cả Đại Tây Dương và hoạt động với quy mô lớn ở Địa Trung Hải hay Biển Đen. Moscow hiện mới có một cảng biển đặt tại thành phố Tartus, Syria, trên Địa Trung Hải. Giới quan sát suy đoán, Nga vẫn mong muốn thiết lập nhiều hơn nữa các cơ sở như vậy, có thể là ở Cyprus (đảo Síp), Ai Cập, hay Libya.
"Nếu tàu ngầm hạt nhân Nga hiện diện ở Địa Trung Hải, chúng ta phải theo dõi chúng", ông Dmitry Gorenburg, chuyên gia về quân đội Nga thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân ở Washington, cho hay.
Cơ quan Nghiên cứu Dự án Quốc phòng Cao cấp Mỹ hồi đầu tháng làm lễ rửa tội cho một mẫu tàu không người lái trang bị hàng loạt cảm biến mang tên Thợ săn Biển. Con tàu này được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ tuần tra, phát hiện tàu ngầm, ngư lôi mỗi ba tháng một lần.
Những đồng minh của Mỹ năm nay cũng tăng cường triển khai các cuộc tập trận chống ngầm quy mô. Đáng chú ý hơn cả là cuộc tập trận Dynamic Mongoose dự kiến diễn ra vào cuối mùa xuân ở khu vực Biển Bắc với sự tham gia của nhiều chiến hạm và tàu ngầm đến từ các nước như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan và Mỹ.
"Chúng ta chưa quay về thời kỳ Chiến tranh Lạnh", ông James G.Stavridis, cựu đô đốc hải quân Mỹ, hiện là hiệu trưởng Trường Luật và Chính sách Fletcher thuộc Đại học Tufts, nhận xét. "Nhưng nếu xem xét các điều kiện hiện tại, chúng ta không lâu nữa có lẽ sẽ phải đối diện với điều đó", ông nhấn mạnh.
Xem thêm: Nguy cơ bùng phát chiến tranh tàu ngầm ở Biển Đông
Theo VNE