Ngày 11/8, hãng Interfax-AVN dẫn nguồn tin của Nhà máy đóng tàu Admiralty ở Saint Petersburg cho biết, tàu ngầm Kilo thứ 3 thuộc đề án 636 sẽ được đưa về cảng Cam Ranh - Việt Nam vào cuối năm nay.
“Ở thời điểm hiện tại, trên chiếc động cơ diesel - điện thứ ba của lô hàng xuất khẩu đang tiến hành hoàn thiện chương trình thực hành trên biển của thủy thủ đoàn Việt Nam. Đó đã là giai đoạn đào tạo trên biển thứ hai" - nguồn tin từ Admiralty tiết lộ.
Giai đoạn đầu đã diễn ra thành công từ ngày 1 đến 20 tháng 7 trong khu vực đảo Hogland. Trong giai đoạn đầu, tàu đã ở dưới lòng nước liên tục 57 giờ và hoàn thành mỹ mãn các thử nghiệm cần thiết đối với thủy thủ đoàn Việt Nam.
Vào ngày 20 tháng 8, tàu ngầm Kilo Hải Phòng sẽ quay trở lại nhà máy và 10 ngày sau đó lại ra biển một lần nữa. Sau chuyến thử nghiệm này, tàu sẽ được hiệu chỉnh những vấn đề cuối cùng, sau đó nó sẽ được chuyển giao cho khách hàng Việt Nam vào tháng 11/2014.
Nguồn tin còn cho biết, chiếc thứ tư của lô hàng này mang tên HQ-185 Đà Nẵng gần đây vừa bắt đầu các cuộc thử nghiệm trên biển cấp nhà máy. Tàu ngầm HQ-185 Đà Nẵng đã được hạ thủy tại Nhà máy đóng tàu Admiralty ở St Petersburg vào ngày 28/3 vừa qua.
Theo kế hoạch, thân của chiếc tàu thứ năm và thứ sáu đang được hoàn tất. Tàu ngầm Kilo cuối cùng mang tên Bà Rịa-Vũng Tàu đã được khởi đóng vào ngày 28 tháng 5 năm nay và sẽ được hạ thủy vào tháng 9 năm sau.
Đầu năm 2015, Việt Nam sẽ nhận chiếc thứ 4 là HQ-185 Đà Nẵng, cuối năm 2015 Việt Nam sẽ nhận tiếp chiếc thứ 5 là HQ-186 Khánh Hòa và đến đầu năm 2016 sẽ nhận nốt HQ-187 Bà Rịa-Vũng Tàu.
Những chiếc tàu ngầm thứ nhất và thứ hai của Hải quân Việt Nam mang tên Hà Nội HQ-182, TP Hồ Chí Minh HQ-183 đã được biên chế vào lữ đoàn tàu ngầm 189 của Hải quân Việt Nam hồi tháng 4 năm nay.
Sau khi được bàn giao tàu, Hải quân Việt Nam đã có một loại vũ khí có khả năng tấn công toàn diện đối không, đối hải, đối đất rất mạnh, một lợi khí trong tác chiến biển, một trang bị phòng thủ từ xa rất hữu hiệu để bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích hải dương của Việt Nam.
Sở hữu tàu ngầm Kilo thế hệ mới đối với hải quân Việt Nam là một bước ngoặt thực sự, nó đã mở rộng phạm vi hoạt động của hải quân Việt Nam từ gần bờ ra xa bờ, từ trên mặt nước xuống tận đáy biển.
Bên cạnh việc chế tạo các tàu ngầm, hợp đồng cung cấp cả việc đào tạo thủy thủ đoàn Việt Nam cũng như cung cấp các thiết bị và dụng cụ kỹ thuật cần thiết. Ngoài ra Nga còn giúp Việt Nam xây dựng 1 trung tâm huấn luyện tàu ngầm tại quân cảng Cam Ranh.
Theo baodatviet