Một chuyên gia vũ khí Italy từng chế tạo ra con tàu đánh bom tự sát có sức công phá mạnh nhất thời kỳ Trung Cổ.
Năm 1584, phong trào ly khai Hà Lan được Anh hậu thuẫn tiến hành cuộc kháng chiến kéo dài 80 năm để đòi độc lập từ tay đế chế Tây Ban Nha. Triều đình Tây Ban Nha huy động một lực lượng hùng hậu tàu chiến tới vây hãm thành phố Antwerp của quân nổi dậy.
Những tàu chiến này được buộc vào với nhau, tạo thành hàng rào nổi dài 243 m chắn ngang cửa sông Scheldt, phong tỏa tuyến đường tiếp tế của Antwerp. Để giải vây cho Antwerp, chuyên gia vũ khí người Italy Federigo Giambelli đề xuất phương án sử dụng tàu đánh bom tự sát, loại vũ khí có sức công phá được ví như "bom hạt nhân chiến thuật của thế kỷ 16", theo War Is Boring.
Thực hiện kế hoạch này, Giambelli biến hai chiếc tàu mang tên Fortyn và Hoop thành những quả bom lớn nhất lịch sử châu Âu thời điểm đó. Bên trong hầm tàu, Giambelli cho xây khoang lát sàn gạch và tường gỗ dày rồi nhồi 2,5 tấn thuốc súng loại tốt nhất. Ông cho phủ nóc tàu bằng những tấm bia mộ để tăng độ chắc chắn. Công nhân còn chất thêm đá xung quanh tàu, ngụy trang quả bom khổng lồ giống như một tàu hỏa công bình thường.
Thuốc súng trên tàu Fortyn được kích hoạt bằng diêm cháy chậm truyền thống. Trong khi đó, tàu Hoop sử dụng cơ chế hẹn giờ mang tính nhảy vọt về công nghệ thời kỳ đó. Một thợ thủ công ở Antwerp đã tạo ra đồng hồ hẹn giờ cơ khí để kích nổ, biến tàu Hoop trở thành vũ khí hủy diệt hàng loạt được lập trình và kích nổ từ xa đầu tiên trên thế giới.
Đêm 4/4/1584, người Antwerp thả trôi Fortyn và Hoop lẫn vào đoàn tàu hỏa công thông thường xuôi theo dòng sông Scheldt. Quân Tây Ban Nha hầu như không quan tâm đến những con tàu này. Khi chúng trôi gần bờ và đâm vào hàng rào phong tỏa, họ chỉ cần dùng thương đẩy chúng ra để tránh cháy lan.
Tàu Fortyn mắc cạn gần rào chắn trên và không phát nổ hoàn toàn, khiến lính Tây Ban Nha cười nhạo, cho rằng đó là một tàu đánh bom tự sát chất lượng kém. Điều đó khiến họ chủ quan khi phát hiện tàu Hoop va vào hàng rào phong tỏa. Lính Tây Ban Nha nhảy lên tàu dập lửa mà không hề biết tử thần đang rình rập.
Đúng lúc này, đồng hồ hẹn giờ kích hoạt, tạo ra vụ nổ khổng lồ thổi bay hơn 60 m hàng rào phong tỏa cùng 1.000 lính Tây Ban Nha. Những khối gỗ lớn, mảnh đá và thi thể văng xa hàng km, tiếng nổ có thể nghe thấy từ cách 80 km. Đây là tiếng nổ nhân tạo lớn nhất từng xuất hiện trên Trái Đất vào thời điểm đó.
Về mặt chiến thuật, chiếc tàu đánh bom tự sát này có hiệu quả khá hạn chế. Bản thân quân Antwerp cũng bị chấn động từ vụ nổ và không thể lợi dụng tình trạng hỗn loạn của quân Tây Ban Nha để phá vây. Vài tháng sau, đế chế Tây Ban Nha tái lập hàng rào phong tỏa khổng lồ, tiếp tục vây hãm cho đến khi Antwerp thất thủ năm 1585.
Tuy nhiên, về mặt chiến lược, vũ khí này đã thay đổi lịch sử. Ba năm sau khi trốn sang Anh, Giambelli lập hàng rào phòng thủ bằng gỗ để bảo vệ sông Thames. Việc thiên tài vũ khí này làm việc cho người Anh khiến quân đội Tây Ban Nha khó lòng ngồi yên.
Năm 1588, Tây Ban Nha tiến hành cuộc tấn công hải quân lớn nhất lịch sử vào Anh. Hạm đội tàu chiến mang theo 20.000 bộ binh và kỵ binh do công tước Medina-Sidonia chỉ huy băng qua eo biển Anh để hội quân cùng lực lượng của công tước Parma.
Đêm 7/8/1588, khi hạm đội này đang ở Calais, Anh đưa 8 tàu tự sát vào khu vực hạm đội Tây Ban Nha thả neo. Bị ám ảnh bởi vụ nổ kinh hoàng ở sông Scheldt, quân Tây Ban Nha hoảng sợ, vội cắt dây neo và cơ động tàu để tránh, khiến cả hạm đội bị phân tán không thể tái hợp. Lực lượng chiến thuyền Tây Ban Nha mất khả năng hội quân cùng đội quân của công tước Parma, chấm dứt cuộc xâm lược từ khi chưa bắt đầu.
Anh đã chặn đứng cuộc xâm lược quy mô lớn chỉ bằng 8 tàu tự sát thông thường, nhưng trên thực tế, Giambelli chưa từng chế tạo thêm tàu đánh bom tự sát cho Anh hay nước nào khác. Chính việc thiên tài vũ khí này có mặt ở Anh đã đủ sức răn đe hạm đội vượt trội của đối phương.
Tàu đánh bom tự sát chưa bao giờ được sử dụng rộng rãi bởi lượng thuốc súng cho một cuộc tấn công của nó quá tốn kém, đủ dùng cho cả một đội quân hoặc hạm đội. Nó cũng chỉ có thể triển khai một lần và không bảo đảm tỷ lệ thành công lớn, chuyên gia Weintz nhận định./.
Theo VNE