Tàu chở hàng không người lái đầu tiên dự kiến sẽ bắt đầu ra khơi từ năm 2018, theo một dự án đầy tham vọng của một công ty có trụ sở ở Na Uy.
Công ty Na Uy Yara vừa tiết lộ kế hoạch phát triển tàu chở hàng tự động, chạy hoàn toàn bằng điện, có tên Yara Birkeland. Con tàu công nghệ cao này dự kiến sẽ giúp loại bỏ 678 tấn cácbon điôxit khỏi không khí nhờ giảm khoảng 40.000 chuyến chở hàng bằng phương tiện chạy dầu diesel mỗi năm.
Yara Birkeland dự kiến sẽ ra khơi lần đầu tiên vào năm 2018, nhưng ban đầu vẫn chịu sự điều khiển của con người. Tuy nhiên, tới năm 2020, tàu sẽ hoàn toàn vận hành tự động.
"Hiện mỗi ngày có hơn 100 chuyến xe tải chạy dầu diesel để chuyên chở hàng hóa từ nhà máy Porsgrunn của Yara tới các cảng ở Brevik và Larvik, trước khi chúng được đưa tới tay khách hàng trên khắp thế giới. Với tàu chở hàng không người lái, chạy bằng điện mới này, chúng tôi sẽ chuyển hoạt động vận tải từ đường bộ ra đường biển. Việc đó sẽ giúp giảm sự phát thải tiếng ồn và khói bụi, cải thiện tính an toàn của các con đường quốc lộ cũng như giảm sự phát thải các khí độc hại như NOx và CO2", ông Svein Tore Holsether, chủ tịch và CEO của công ty Yara giải thích.
Hãng Yara tiết lộ đã phối hợp với công ty công nghệ hàng hải Kongsberg để chế tạo "con tàu cải tiến nhằm bảo vệ hành tinh của chúng ta". Theo thỏa thuận, công ty Kongsberg chịu trách nhiệm phát triển và cung ứng mọi công nghệ thiết yếu cho tàu Yara Birkeland, kể cả các cảm biến và công cụ tích hợp cho các hoạt động tự động từ xa, động cơ điện, pin và hệ thống kiểm soát động cơ đẩy.
Theo VNN