Ngày 13/7, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành Thanh tra.
Qua thanh tra phát hiện vi phạm 12.035 tỷ đồng, 2.828 ha đất
Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính và Tổng hợp Lê Hồng Lĩnh cho biết, 6 tháng đầu năm 2016 ngành Thanh tra thực hiện công tác thanh tra theo kế hoạch, đảm bảo nội dung, yêu cầu và định hướng; kết luận, kiến nghị xử lý khách quan, chính xác, kịp thời, khả thi.
Phương pháp, cách thức tiến hành thanh tra, xử lý sau thanh tra đổi mới, nâng cao nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra. Hoạt động thanh tra chuyên ngành được quan tâm hơn.
Qua thanh tra đã phát hiện, xử lý nhiều vi phạm, kiến nghị, chấn chỉnh, khắc phục nhiều bất cập, sơ hở trong quản lý, ban hành chính sách, pháp luật. Kết quả thanh tra đáp ứng tốt hơn yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ trong việc phòng, ngừa vi phạm; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Bên cạnh những việc đã đạt được, việc triển khai kế hoạch thanh tra ở một số bộ, ngành, địa phương còn chậm; vẫn còn chồng chéo trong hoạt động giữa thanh tra với kiểm toán nhà nước; công tác đôn đốc, xử lý về thanh tra có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số lĩnh vực thanh tra chuyên ngành có nhiều dấu hiệu vi phạm nhưng chưa được tập trung thanh tra, kiểm tra kịp thời.
Toàn ngành đã triển khai hơn 3.300 cuộc thanh tra hành chính và hơn 123.800 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 12.035 tỷ đồng, 2.828 ha đất; kiến nghị thu hồi 7.621 tỷ đồng và 824 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 4.414 tỷ đồng, 2.004 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính 3.546 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính nhiều tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 30 vụ, 45 đối tượng.
Toàn ngành tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 1.526 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, thu hồi và xử lý khác 2.297 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 92%), 425 ha đất (đạt tỷ lệ 88%); xử lý hành chính 224 tổ chức, 434 cá nhân; khởi tố 11 vụ, 15 đối tượng.
Trong 6 tháng cuối năm, ngành thanh tra đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định kết quả thanh tra, bảo đảm các cuộc thanh tra có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; thực hiện công khai kết luận thanh tra.
Tiếp tục tập trung thực hiện tốt công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo (KN,TC), phản ánh, kiến nghị của công dân, đặc biệt trong thời gian diễn ra các kỳ họp của Trung ương Đảng, Quốc hội.
Tiếp tục nghiên cứu đề nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách liên quan đến phòng, chống tham nhũng, nhất là việc hoàn thiện các quy định trong việc công khai minh bạch trong quản lý ngân sách, đất đai, tài nguyên…
Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định kết quả thanh tra
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đánh giá cao kết quả đạt được của ngành Thanh tra trong 6 tháng đầu năm.
Để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị ngành Thanh tra tiếp tục triển khai thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, dư luận có nhiều quan tâm, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo thanh tra vụ việc do Thủ tướng Chính phủ giao.
Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định kết quả thanh tra, bảo đảm các cuộc thanh tra có chất lượng, hiệu quả, không tiêu cực, đúng tiến độ; thực hiện công khai kết luận thanh tra. Trong đó, đổi mới công tác xây dựng định hướng, kế hoạch thanh tra theo hướng đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước, kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở để kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục; phát hiện mô hình mới có thể áp dụng trong khu vực hoặc cả nước để kiến nghị xây dựng chính sách thúc đẩy, phát triển…
Tổng Thanh tra lưu ý, cần quan tâm giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; tập trung giải quyết KN,TC, phấn đấu đạt tỉ lệ trên 85% đối với các vụ việc mới phát sinh; thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện pháp luật về tiếp dân, KN,TC…
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; hoàn thành dự thảo sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng.../.
Theo dangcongsan.vn
TIN LIÊN QUAN |
---|