Sau đây là một số ý kiến của những người hoạt động trong lĩnh vực này:

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Du lịch

Sau đại dịch Covid-19, nhân lực của ngành du lịch có nhiều biến động. Đến đầu năm 2022, khi thực hiện chủ trương mở cửa, khôi phục các hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới của Thủ tướng Chính phủ, ngành Du lịch toàn tỉnh thiếu khoảng 12.000 - 15.000 lao động.

Con số đó cho thấy nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch bị thiếu hụt nghiêm trọng, không ít cơ sở kinh doanh phải sử dụng cả lao động chưa qua đào tạo, dẫn đến chất lượng phục vụ giảm sút, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Hội thi Đầu bếp giỏi thị xã Cửa Lò. Ảnh: Công Kiên

Với vai trò quản lý Nhà nước về công tác du lịch, Sở Du lịch đã tổ chức các lớp tập huấn đào tạo ngắn hạn, giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực các cơ sở kinh doanh du lịch. Các lớp tập huấn về nghiệp vụ lễ tân, nghiệp vụ buồng - bàn cho các cơ sở lưu trú và kỹ năng giao tiếp cho các khu, điểm du lịch đã được mở và thu hút đông đảo người lao động tham gia.

Đồng thời, Sở cũng tăng cường phối hợp với các trường đào tạo nguồn lực du lịch ở các tỉnh, thành phố lớn tổ chức các cuộc thi kỹ năng, nghiệp vụ. Mới đây nhất, cuộc thi hướng dẫn viên du lịch của các khu, điểm du lịch và các cơ sở đào tạo diễn ra sôi nổi, bổ ích, có ý nghĩa quan trọng đối với các thí sinh dự thi và những người theo dõi.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Giám đốc Sở Du lịch. Ảnh: Công Kiên

Bên cạnh đó, Sở cũng chỉ đạo các cơ sở lưu trú tự huấn luyện, đào tạo, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên. Ngay cả đội ngũ cán bộ quản lý du lịch từ tỉnh đến huyện, xã cũng cần được nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu phát triển của hoạt động du lịch.

Với những giải pháp này, hy vọng thời gian tới chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch sẽ được nâng cao, số lượng nhân viên được đào tạo tăng lên, đảm bảo chất lượng phục vụ.

Ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh

Tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh du lịch hết sức nặng nề. Hậu quả của đại dịch đến nay vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn, vì nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn còn thiếu nguồn nhân lực trầm trọng.

Bởi trong thời gian diễn ra dịch bệnh, một số lượng lớn lao động ngành du lịch chuyển sang các ngành, nghề khác và không có nhu cầu trở lại. Điều đó buộc các doanh nghiệp phải tinh gọn bộ máy, thay đổi phương thức hoạt động, áp dụng chuyển đổi số, đa dạng sản phẩm du lịch và hướng tới nhiều phân khúc.

Ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh. Ảnh: Công Kiên

Chất lượng nguồn nhân lực ngành Du lịch Nghệ An thực sự là một bài toán khó, cần sự vào cuộc hỗ trợ của các cấp có liên quan. Đồng thời, tăng cường đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ, kịp thời bổ sung cho lực lượng lao động đã chuyển đổi do đại dịch Covid-19.

Các doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng thay đổi cơ chế quản trị, phối hợp với các trường đào tạo nghề du lịch tăng cường công tác tuyển sinh để bù đắp cho những thiếu hụt hiện tại.

Với vai trò xúc tiến, quảng bá, tuyên truyền về hình ảnh du lịch Nghệ An, chúng tôi nhận thấy tỉnh cần tiến hành rà soát các dự án hạ tầng du lịch, tạo ra nhiều phân khúc sản phẩm du lịch đẳng cấp. Từ đó, thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn lao động của ngành du lịch…

Ông Nguyễn Hồng Quân - Phó Giám đốc Khách sạn Lam Giang (TP. Vinh)

Thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực có tay nghề là tình trạng chung của phần lớn các cơ sở lưu trú trên địa bàn toàn tỉnh trong thời điểm hiện nay. Với đơn vị chúng tôi cũng vậy, sau dịch Covid-19 nhiều nhân viên đã tìm công việc khác. Hơn nữa, cơ sở lưu trú mở ra nhiều, nguồn nhân lực càng trở nên khan hiếm.

Bên cạnh đó, việc đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ sở lưu trú ở các trường vẫn còn nhiều bất cập, có thể nói học chưa gắn với hành, kiến thức được trang bị chưa gắn với thực tế. Sau khi tiếp nhận và sử dụng, chúng tôi phải đầu tư kinh phí tổ chức đào tạo lại bằng cách mời giảng viên các cơ sở đào tạo có uy tín về giảng dạy, tập huấn và chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Hồng Quân - Phó Giám đốc Khách sạn Lam Giang (TP. Vinh). Ảnh: Công Kiên

Đồng thời, tích cực cho nhân viên tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ do Sở Du lịch tổ chức để có cơ hội nâng cao tay nghề.

Qua đó, đội ngũ nhân viên mới từng bước hoàn thiện kỹ năng theo yêu cầu công việc. Những ngày cao điểm, chúng tôi buộc phải thuê ngoài, trả công theo ngày nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng phục vụ và hiệu quả kinh doanh, có lúc không thể làm khách hài lòng.

Bà Cao Thị Thanh - Trưởng chi nhánh Vietravel Vinh

Đối với nguồn nhân lực ngành du lịch nói chung, mảng lữ hành tại Nghệ An nói riêng, theo tôi hiện tại vẫn đảm bảo về số lượng. Nhưng để hoạt động du lịch phát triển tốt, đạt hiệu quả cao hơn các doanh nghiệp cần có nhân sự chất lượng cao, chuyên môn sâu và bổ túc thêm ngoại ngữ. Điều này không có cách nào khác là phải tăng cường đào tạo.

Hiện nay, ở Nghệ An, các khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ còn quá ít, hoặc chưa mang tính bắt buộc để nâng cao chất lượng nghiệp vụ. Số lượng sinh viên ngành du lịch ra trường khá nhiều nhưng còn thiếu kinh nghiệm, chưa đáp ứng nhu cầu tăng lên hàng năm.

Bà Cao Thị Thanh - Trưởng chi nhánh Vietravel Vinh. Ảnh: Công Kiên

Bởi vì du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nên vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần được quan tâm thường xuyên.

Vì vậy, cần phát triển, mở rộng đào tạo nghề, đào tạo nhân sự chất lượng cao tại địa phương để đáp ứng nhu cầu phát triển. Các doanh nghiệp du lịch tại địa phương cần chung tay cùng cơ quan quản lý nhà nước để nâng cao kiến thức nghiệp vụ.

Riêng đối với hướng dẫn viên, cần tổ chức các khoá đào tạo định kỳ kiểm tra nghiệp vụ, xây dựng tiêu chí, cơ sở đánh giá và phân hạng nhân lực. Từ đó, công bố danh sách sau các kỳ thi trên trang thông tin chính thức của Sở Du lịch, tạo nên sự minh bạch để khách hàng yên tâm lựa chọn...