Ngày 18/11, tại xã Nghi Đức, TP.Vinh đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N1 nguy hiểm, có khả năng lây sang người. Địa phương đã tiến hành khoanh vùng khu vực nguy hiểm và tiêu hủy số lượng gà nhiễm bệnh.

Tập trung khống chế ổ dịch cúm gia cầm H5N1 nguy hiểm tại TP. Vinh ảnh 1

Xã Nghi Đức tiêu hủy đàn gà nhiễm bệnh, đồng thời phun tiêu độc khử trùng chuồng trại. Ảnh: Nguyên Châu

Sau khi nhận được thông tin, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp & PTNT, Chi cục Chăn nuôi & Thú y và thành phố Vinh đã có mặt tại xã Nghi Đức để chỉ đạo công tác dập dịch với quyết tâm cao nhất không để dịch lây lan trên diện rộng.

Đại diện Phòng Kinh tế TP. Vinh cho biết, hiện thành phố đã chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng chống dịch bệnh xã Nghi Đức thực hiện đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp dập dịch, căng dây khoanh vùng nguy hiểm, phun hóa chất và rải vôi bột ở khu vực bùng phát dịch. Đồng thời, cắt cử lực lượng túc trực, đề phòng việc bán tháo gia cầm ra ngoài, làm tăng nguy cơ lây lan dịch.

Chính quyền địa phương đã lập chốt để kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: Nguyên Châu

Bên cạnh đó, nhiệm vụ trọng tâm là khẩn trương tiêm phòng phủ kín vắc xin cho toàn bộ đàn gia cầm trên địa bàn xã, ước tính khoảng 45.000 con. Trong đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hỗ trợ xã Nghi Đức 20.000 liều, số còn lại chính quyền địa phương và người dân trước mắt tự trích kinh phí để thực hiện.

Ngoài ra, thành phố cũng ban hành văn bản hỏa tốc, chỉ đạo các địa phương lân cận, nằm trong vùng nguy cơ cao như Nghi Phú, Hưng Lộc, Nghi Ân... chủ động các biện pháp phòng dịch như tăng cường tiêm vắc xin, vệ sinh chuồng trại, kiểm soát chặt việc mua bán gia cầm trên địa bàn.

Đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Đây là thời điểm nguy cơ bùng phát dịch trong năm, nhất là sau các đợt mưa lũ vừa qua, virus có điều kiện để phát triển. Do đó, người chăn nuôi phải tập trung tiêm phòng, đảm bảo vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng thường xuyên. Khi gia cầm có triệu chứng, người dân cần lập tức báo ngay với cơ quan chức năng, không tự ý tiêu hủy. Bà con cần nâng cao ý thức bảo vệ đàn vật nuôi, nhất là trong thời điểm Tết đến, Xuân về.

Thành phố yêu cầu phủ kín vắc xin trên gia cầm tại xã Nghi Đức và các địa phương lân cận. Ảnh: Nguyên Châu

Trước đó, vào ngày 6/10/2022, dịch cúm gia cầm H5N1 cũng đã bùng phát tại gia đình anh Phan Trọng Minh, xã Hoa Thành, huyện Yên Thành. Lực lượng chức năng đã tiến hành tiêu hủy 2.500 con vịt của gia đình và khống chế ổ dịch thành công.

H5N1 là một loại virus cúm A có khả năng gây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở gia cầm. Cúm A H5N1 có thể lây nhiễm từ gia cầm sang người. Khi bị nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong có thể lên tới 60%.

Triệu chứng cúm H5N1 tại gia cầm: Chết đột ngột mà không rõ lý do; Phần ức, chân, mào chuyển qua màu tím; Đầu, mào, mí mắt, yếm thịt có dấu hiệu bị sưng; gia cầm đẻ trứng ít dần, vỏ trứng bị biến dạng hoặc mềm; Chán ăn, lờ đờ; Xù lông.

Triệu chứng cúm H5N1 trên người: sốt cao trên 38 độ, ho, đau rát họng, đau cơ… Ở một số người còn có thể xuất hiện triệu chứng ban đầu như đau bụng, đau ngực, nôn ói hoặc tiêu chảy. Tình trạng nhiễm trùng virus có nguy cơ cao tiến triển nhanh thành các bệnh hô hấp nguy hiểm (như Hội chứng rối loạn hô hấp cấp tính – bị khó thở, thở gấp, viêm phổi) hay có những tác động thần kinh (co giật, xuất hiện các trạng thái tâm thần bất thường).