(Baonghean.vn) - Hạn hán khốc liệt là điều đã được dự báo trước trong vụ hè thu năm nay. Với các vùng cuối nguồn, xa hồ đập và ở  cuối hệ thống kênh mương việc cấp nước gặp nhiều khó khăn.

Đến thời điểm này, hạn hán đã rất gay gắt ở Nghi Lộc. Trong hơn 4.500 ha sản xuất lúa hè thu, đã có khoảng trên 2.500 ha phải dừng lại chưa triển khai sản xuất được vì không có nước, trong đó có¾ diện tích của Nghi Lâm với 400 ha, Nghi Văn 300 ha, Nghi Yên 350 ha, Nghi Tiến 480 ha…

images1580889_kho_han.jpgNhững cánh đồng ở Nghi Văn, Nghi Lộc khô hạn (Ảnh: Quang An)

Ông Trần Xuân Quang, Trưởng Phòng Nông nghiệp &PTNT huyện cho biết: "Ở những diện tích này, dù có chuyển trồng màu thì các loại cây này cũng không sống được. Hiện trên địa bàn chỉ có hai hồ là Khe Nu (Nghi kiều) và hồ Nghi Công vẫn còn trên 50% dung tích chứa, còn lại đều ở mức khoảng 20%, các hồ nhỏ hầu hết đã xuống mực nước chết. Tại bara Sông Cấm, mực nước xuống thấp đến 0,1m/0,8m và chỉ cần vài ngày nữa sẽ xuống mực nước âm, mặn sẽ xâm nhập nếu không có biện pháp can thiệp hiệu quả.

Năm nay Nghi Lộc chỉ đạo các xã nằm cuối nguồn tưới vùng hồ đập dừng hoàn toàn việc sản xuất hè thu chờ trời mưa xuống sẽ vừa làm lúa mùa vừa chuyển một phần diện tích sang làm màu ngô, đậu; vùng ăn nước từ trạm bơm sẽ phải theo dõi chặt chẽ nguồn nước trên sông cấm và kênh Gai, nếu cân đối được nguồn nước cũng chỉ sản xuất ở những vùng gần trạm bơm.

Ông Bạch Hưng Tuyên, Giám đốc Công ty Thủy lợi Nam cho biết: Năm nay, nguồn nước trên hệ thống khó khăn hơn mọi năm. Dự kiến trong diện tích tưới của công ty sẽ có khoảng 10 nghìn ha bị hạn, trong đó riêng huyện cuối nguồn hệ thống tưới là Nghi Lộc đã chiếm tới gần 6.000 ha, còn lại là TP Vinh và Hưng Nguyên khoảng 4.000 ha. 

 
Trạm bơm Chợ Quán, Nghi Lộc bơm nước phục vụ gieo cấy lúa hè thu

Hiện tại, các trạm bơm vùng Nam Đàn, Hưng Nguyên đã tiến hành bơm nước phục vụ gieo cấy lúa hè thu, tuy nhiên không bơm đồng loạt mà thực hiện bơm luân phiên để giúp các trạm bơm vùng cuối nguồn của Nghi Lộc vẫn bơm được nước.

Công ty thủy nông Nam đã tiến hành lắp một số trạm bơm để khi cần sẽ bơm nước ngoài hệ thống để bổ sung cho nội đồng. Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, đơn vị cũng thống nhất với các huyện, đăc biệt là huyện Nghi Lộc căn cứ khả năng nguồn nước để có phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ hợp lý.

Lãnh đạo Công ty Thủy lợi Nam kiểm tra hoạt động của các trạm bơm trên địa bàn "vùng cuối nguồn" Nghi Lộc.

Hệ thống thủy lợi Bắc được coi là có nhiều thuận lợi nhất trong việc cấp nước tưới cho sản xuất và dân sinh. Tuy nhiên năm nay, dự kiến mực nước thượng lưu đập Đô Lương trong các tháng 6, tháng 9 chỉ đạt 9,6- 9,8 m/mực thiết kế 10,25m, lưu lượng vào kênh chính giảm.

Trong 19 hồ chứa do Công ty thủy lợi Bắc quản lý, chỉ có 4 hồ đủ nước phục vụ sản xuất hè thu, 15 hồ còn lại dung tích chỉ còn 10 - 30% lượng nước so với thiết kế. Trong khi đó, các kênh  loại II do công ty quản lý, tỷ lệ bê tông hóa mới chỉ đạt từ 20- 46%. Đặc biệt một số hồ chủ yếu là kênh đất, có chiều dài quá lớn, cấp nước quá xa lại phải đi qua vùng đất cát nên tổn thất nước lớn.

Nâng cấp, sửa chữa để nâng cao khả năng tích trữ nước của đập Đồn Húng, Yên Thành

Ông Lê Văn Cường - Phó giám đốc Công ty cho hay: Tổng diện tích có thể bị hạn lên tới 7.766 ha. Chúng tôi đã làm việc với các huyện để thống nhất về diện tích sản xuất, cơ cấu mùa vụ, các loại cây trồng và biện pháp tưới. Quản lý tốt nguồn nước không để thất thoát. Xây dựng lịch phân phối nước trên tất cả các kênh tưới, thực hiện triệt để phương thức tưới luân phiên hợp lý trên các hệ thống thủy nông để tiết kiệm nước cho vùng cuối nguồn.

Đối với hệ thống Đô Lương bố trí đủ 200 người quản lý điều tiết các cống để khống chế đường mực nước đảm bảo cấp nước tự chảy hoặc cấp đủ nguồn nước cho các vùng phải bơm. Đồng thời, nạo vét kênh dẫn, đắp chặn các trục tiêu nội đồng để giữ nước hồi quy, huy động 119 máy bơm dầu tại các xí nghiệp và của các địa phương để bơm chống hạn”.

Trước tình hình khô hạn, đang ảnh hưởng bất lợi đến tình hình sản xuất vụ hè thu, cùng với sự cố gắng của các đơn vị thủy nông, các địa phương và người dân cần có phương án gieo cấy hợp lý, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả.

Phú Hương

TIN LIÊN QUAN