(Baonghean) - Sáng thứ Năm, ngày 5/3, tại buổi khai mạc phiên họp Quốc hội thường niên, Thủ tướng Lý Khắc Cường thông báo tăng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc lên 10,1%. Với mức tăng này, ngân sách quốc phòng năm 2015 của Trung Quốc đạt 887 tỷ nhân dân tệ (tức 128 tỷ đô la Mỹ), cao thứ 2 thế giới.

Một quân nhân Trung Quốc trong buổi tập dượt nghi lễ tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thường niên.
Một quân nhân Trung Quốc trong buổi tập dượt nghi lễ tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội thường niên.

Dù vậy, tỷ lệ này vẫn được cho là khá khiêm tốn so với mức tăng của năm 2014 - 12,2% và vẫn chưa bằng 1/3 ngân sách quốc phòng của Mỹ. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc cũng không loại trừ khả năng Trung Quốc không công bố toàn bộ ngân sách quốc phòng của mình, bởi các thống kê chi ngân sách của Trung Quốc có nhiều điểm không được sáng tỏ. Trở lại với việc tăng ngân sách quốc phòng, đây được xem là một nước tất yếu trên bàn cờ của Tập Cận Bình. Thứ Tư, ngày 4/3, người phát ngôn của Quốc hội Fu Ying đã khẳng định trong buổi họp với báo giới: “Đất nước của chúng ta muốn tiến nhanh trên con đường hiện đại hoá và hiện đại hoá lực lượng quốc phòng là một cột mốc quan trọng trên con đường ấy. Để đạt được điều đó, cần phải cung cấp một nguồn kinh phí nhất định”. Sách trắng quốc phòng Trung Quốc gần đây nhất (năm 2013) chỉ ra rằng Trung Quốc cần phải sở hữu một quân đội và sức mạnh quân sự “tương xứng với vị thế kinh tế và chính trị của mình”. 

Với Trung Quốc và người đứng đầu Tập Cận Bình bây giờ, vấn đề về chất lượng đang dần chiếm ưu thế hơn vấn đề về số lượng. Giấc mơ của Tập Cận Bình - “giấc mơ Trung Hoa” - đồng nghĩa với sự quay trở lại của đất nước tỷ dân trong hàng ngũ các cường quốc của thế giới. Ngay khi lên nắm quyền vào tháng 3 năm 2013, ông đã không ngừng nhắc đi nhắc lại mong muốn tái thiết một “quân đội hiện đại”, “sẵn sàng tham chiến” và “chiến thắng các cuộc chiến trong khu vực”. Điều này rất có ý nghĩa, bởi: thứ nhất, nó cho thấy quân đội Trung Quốc hiện tại chưa hoàn toàn đạt được những yêu cầu trên. Thứ hai, điều này còn cho thấy những tham vọng ngày một lớn và đang từng bước được hành động hoá của Trung Quốc tại biển Hoa Đông. Gần đây, trong những phát biểu hướng tới lực lượng quân nhân, Tập Cận Bình đặc biệt nhấn mạnh lời kêu gọi lòng trung thành tuyệt đối với Đảng cầm quyền - một tín hiệu tương đối chắc chắn về một cuộc khủng hoảng, hoặc một sự kiện an ninh - chính trị quan trọng. Chúng ta không quên rằng nội bộ Trung Quốc đang tồn tại những mâu thuẫn ngày một căng thẳng tại vùng tự trị phía Tây và cuộc chiến chống tham nhũng được đẩy mạnh đã làm lung lay không ít cột trụ của đội ngũ quan chức Trung Quốc. 

Với công cuộc hiện đại hoá quân đội này, cái đích mà Trung Quốc hướng đến sẽ là trang bị cho quân đội hệ thống chỉ huy đồng bộ giữa các lực lượng trên bộ, thuỷ quân và không quân với những tiêu chuẩn cao nhất. Phương án hiện đại hoá quân đội không bao gồm việc gia tăng kích cỡ, quy mô, mà ngược lại, số vùng quân sự sẽ giảm xuống, theo đánh giá và dự đoán của các chuyên gia. Vai trò tối cao của lực lượng quân trên bộ sẽ tiếp tục giảm xuống, nhường chỗ cho sự đi lên của sức mạnh hải quân - một chủ trương đã được bắt đầu từ thời kỳ Hồ Cẩm Đào nắm quyền. Tháng 11 năm 2013, kế hoạch cải cách quân sự của Tập Cận Bình đã được thông qua tại Đại hội lần thứ 3 của Ủy ban Trung ương và bây giờ đang trong quá trình tiến hành. Theo chuyên gia Kevin McCauley - một cựu quan chức cố vấn quân sự Mỹ - các động thái như tuyên truyền trong quân đội, tạo lực lượng hậu thuẫn cho Tập Cận Bình trong Quốc hội hay cuộc chiến chống tham nhũng đều nhằm mục đích “tăng mức độ kiểm soát của họ Tập đối với các lực lượng vũ trang và tăng khả năng thành công của kế hoạch cải cách quân sự mà ông ấp ủ”. Nền tảng hậu thuẫn cho họ Tập được cho là quân khu Nam Kinh, bao gồm các tỉnh mà Tập Cận Bình đã kinh qua trong sự nghiệp chính trị của mình, đó là: Phúc Kiến, Chiết Giang, Thượng Hải - nhà nghiên cứu chính trị học Willy Lam cho biết. 

Không chỉ cải tổ về mặt trang thiết bị, kế hoạch của Tập Cận Bình còn bao gồm cả việc kiện toàn lại hàng ngũ tướng lĩnh. Thứ Hai, ngày 2/3 vừa qua, thông báo về lệnh điều tra đối với 14 vị tướng đã gây nên sự chấn động mạnh khi những nhân vật này bị tình nghi là “vi phạm kỷ luật”, hay nói cách khác là có liên quan đến tham nhũng. Trong số đó có Guo Zhenggang, người vừa được đề bạt lên làm Phó chính uỷ viên của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Chiết Giang và cũng là con trai của Guo Boxiong, cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương - Cơ quan tối cao chỉ huy lực lượng vũ trang dưới thời Hồ Cẩm Đào, từ năm 2002 đến năm 2012. Là cựu thành viên của Văn phòng Chính phủ, Guo Boxiong từng là quan chức quân sự cao nhất, bên cạnh Xu Caihou - cũng là Phó Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung ương. Được biết, Xu đã bị bắt vào năm 2014 và sự kiện này cũng đã gây ra một cơn địa chấn lớn trong chính trường Trung Quốc. 

Về việc Guo “con” bị điều tra, “kịch bản” vụ việc như sau: một cách “tình cờ”, báo giới nhận được thông tin đầu mối về việc vợ của Guo là lãnh đạo của một công ty bị cáo buộc đã lừa đảo hàng chục triệu euros từ các nhà buôn của một trung tâm triển lãm dự kiến sẽ xây dựng trên một khu đất quân sự nhưng trên thực tế, việc thi công dự án này chưa bao giờ được hoàn thành. Guo “cha” cũng không tránh khỏi rắc rối khi báo chí Trung Quốc đưa tin ông này đã cố trốn ra nước ngoài bằng cách đóng giả làm phụ nữ. Như vậy là vượt lên trên cả mục đích ban đầu là chống lại bộ máy quan chức hành chính già cỗi và các nhóm lợi ích, chiến dịch chống tham nhũng đã trở thành thứ vũ khí lợi hại trong tay Tập Cận Bình để “sờ gáy” một bộ phận quân đội kém “trung thành”.

Nhà nghiên cứu về Trung Quốc Jean-Pierre Cabestan nhận định: “Quân đội có rất nhiều đặc quyền, nhưng mối liên kết, ràng buộc của nó lại khá mỏng mảnh, hầu như chỉ tồn tại ở cấp Trung ương. Có thể nói đó là một quyền lực cực lớn nhưng cũng rất tự chủ”. Vậy nên, không có gì đáng ngạc nhiên khi Tập Cận Bình trên con đường cải cách, hướng tới “Giấc mơ Trung Hoa” lại đề cao việc cải tổ quân đội. Với tham vọng khổng lồ bành trướng ra tầm khu vực và thế giới, không thể không có một sức mạnh quân sự đáng kể để làm hậu thuẫn cho ván cờ kinh tế - chính trị. Mối quan hệ ràng buộc đó càng rõ ràng hơn khi mà đồng thời với thông báo về tăng ngân sách quốc phòng, Trung Quốc cũng cho biết hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2015 xuống còn 7% - cũng là mức thấp nhất trong vòng 24 năm qua. Liệu đây có phải là tín hiệu cho thấy Trung Quốc đã bước qua cột mốc tập trung phát triển kinh tế và chuyển sang một giai đoạn phát triển mới với mục tiêu, chủ trương, chính sách mới? Nếu năm 2015 và chặng đường tiếp theo hướng đến mục tiêu cải tổ quân sự thì có lẽ, tình hình an ninh - chính trị và những điểm nóng trong khu vực sẽ tạm lắng xuống, nhưng là để đón chờ một cơn bão mới…

Thục Anh

Theo Le monde

TIN LIÊN QUAN