(Baonghean) - Thủy sản là ngành tiên phong kiến tạo nền sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, với doanh nghiệp (DN) làm nòng cốt, phát triển theo tiếp cận chuỗi giá trị, thiết lập liên kết dọc từ khai thác, nuôi trồng thủy sản đến bảo quản, chế biến và xuất khẩu. Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) xung quanh vấn đề làm thế nào để tạo sức bật mới cho kinh tế thủy sản.
P.V: Thưa ông, ông nhận định như thế nào về bức tranh kinh tế thủy sản Việt Nam hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng:Sau thời kỳ phát triển nhanh, mạnh, từ năm 2008 đến nay, ngành sản xuất thủy sản Việt Nam mất dần động lực, đang đối diện những khó khăn, thách thức ngày càng gay gắt, sản xuất và xuất khẩu (XK) chững lại, biến động theo chiều hướng xấu. DN và ngư dân đã và đang phải trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn, một bộ phận đã hoặc đang đứng trước nguy cơ phá sản. Trong khi đó, mục tiêu chung là đến năm 2020, kinh tế biển phải đóng góp 53 - 55% GDP, 55 - 60% kim ngạch XK cả nước, giải quyết các vấn đề xã hội, cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển.
Thế nhưng, 8 năm đã trôi qua mà việc thực hiện Chiến lược Biển vẫn chưa triển khai được bao nhiêu. Vì sao? Bên cạnh những tác động bất lợi từ bên ngoài và những khó khăn khách quan trong nước, thì các tồn tại, yếu kém và hạn chế về cơ chế cũng như năng lực QLNN là một nguyên nhân gây thêm ách tắc cho ngành kinh tế quan trọng này. Điều khó hiểu là vừa ban hành Chiến lược Biển thì ta lại cho cơ quan cấp Bộ duy nhất quản lý về biển (là Bộ Thủy sản) “biến mất”, và trong 8 năm qua, việc thực hiện Chiến lược Biển đã không có Bộ nào làm đầu mối (?!) Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế hoàn toàn mới trong giai đoạn 2016 - 2020 đang cận kề, tôi cho rằng, cần có một số giải pháp thực tế về QLNN, ngõ hầu giảm bớt sức cản, tạo được động lực mới, nguồn năng lượng mới để các chủ thể sản xuất ngành thủy sản có được sức bật mới, thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản thuận lợi và đúng hướng, tạo phương thức mới để phát triển bền vững trong thời gian sắp tới.
P.V: Cụ thể thì đó là những giải pháp nào, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng:Thứ nhất, về chủ thể kinh tế ưu tiên, phải nhanh chóng chuyển từ hộ cá thể sang DN. Cạnh tranh quốc tế đòi hỏi mỗi ngành kinh tế phải đẩy mạnh phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh và hiệu quả kinh tế. Chuỗi giá trị là tiếp cận chính xác để đạt các mục tiêu đó. Và chính sách kinh tế cần có những ưu tiên phù hợp cho các chủ thể sản xuất đầu tàu cho các chuỗi giá trị.
Trong nền kinh tế tự cung, tự cấp, chúng ta đã dành ưu tiên cao cho mục tiêu “xóa đói, giảm nghèo”, tập trung hỗ trợ trực tiếp cho khâu yếu nhất là hộ sản xuất quy mô nhỏ. Trong nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, cung ứng cho thị trường thế giới, phương thức đó không thể mang lại hiệu quả vì không tạo ra động lực phát triển. Đã đến lúc cần tập trung đầu tư cho khâu mạnh nhất của chuỗi giá trị là DN, để có đủ năng lực xây dựng mối liên kết dọc chặt chẽ xuyên suốt toàn chuỗi, kết nối ngư dân với thị trường, dẫn dắt toàn chuỗi phát triển bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế.
Thứ hai, cần kiểm soát sản lượng. Chúng ta phải chuyển từ quy hoạch sang quota. Nền kinh tế thủy sản hiện nay thường xuyên diễn ra tình trạng thừa, thiếu nguyên liệu. Thiếu cơ chế liên hệ giữa khâu sản xuất nguyên liệu với khâu chế biến, XK và thương mại là nguyên nhân chính, và đã đến lúc không thể kéo dài chính sách khuyến khích sản xuất theo kiểu tự do, tăng “cung” một chiều, không có cơ chế kiểm soát, không dựa vào hiểu biết rõ ràng về thị trường và không có cơ chế để chủ động phát triển “cầu”.
Thứ ba, chúng ta phải kiểm soát chất lượng, chuyển từ sản phẩm cuối sang toàn chuỗi. Việc kiểm soát chất lượng sản phẩm thủy sản phải được thực hiện không phải ở khâu cuối cùng, mà phải ở những điểm kiểm soát tới hạn trong suốt chuỗi giá trị. Thí dụ, trong chuỗi giá trị nuôi thủy sản, cần kiểm soát ít nhất 3 khâu: chất lượng giống, chất lượng thức ăn nuôi và chất lượng sản phẩm XK.
Thứ tư, về tín dụng, chúng ta phải chuyển từ ngắn hạn sang trung, dài hạn. Nhiều công ty thủy sản (nhất là cá tra, tôm, cá ngừ) đã chuyển đổi mô hình SX-KD, từ thuần túy mua nguyên liệu của dân để chế biến rồi XK, với số vốn lưu động cần thiết cho mỗi chu kỳ sản xuất không nhiều lắm), sang làm chủ cả khâu nuôi (thậm chí cả sản xuất giống và thức ăn nuôi cá) và đánh cá, chủ động nguyên liệu và khép kín chuỗi giá trị, với số vốn cần thiết tăng gấp bội và chu kỳ sản xuất kéo dài hơn. Nhưng cơ chế tín dụng hiện nay của các ngân hàng chỉ cho vay số vốn lưu động hạn chế với chu kỳ ngắn để chế biến XK, lại đòi hỏi những điều kiện về tài sản thế chấp ngặt nghèo. Rất cần thiết lập cơ chế tín dụng của các ngân hàng thương mại theo tinh thần mới, tháo gỡ nút thắt, đang gây ách tắc về vốn hiện nay do khoản tín dụng chỉ dựa trên tài sản thế chấp.
P.V: Đầu tư cho kinh tế thủy sản vẫn còn nhiều rủi ro, nhất là thiên tai, dịch bệnh, vậy có cách nào để giải quyết tình trạng đó không? Và liệu DN có khả năng giải quyết được điều này không, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Hữu Dũng: Đó là điều chắc chắn, và càng chắc chắn là chỉ DN thì không thể giải quyết được tình trạng này. Chính vì thế, giải pháp thứ 5 mà tôi muốn nói tới là phải kiểm soát được hậu quả rủi ro. Chúng ta phải chuyển từ hỗ trợ sang bảo hiểm. Đầu tư cho SX-KD thủy sản gắn với những rủi ro về an toàn dịch bệnh vật nuôi, thiên tai, thị trường,... Nhiều loại rủi ro không tránh được nhưng có thể kiểm soát hậu quả rủi ro bằng các cơ chế tài chính khác nhau. Cho đến nay Chính phủ và các cơ quan QLNN địa phương xem xét hỗ trợ về tài chính cho các chủ thể sản xuất khi có rủi ro xảy ra trên quy mô lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Nhưng sự hỗ trợ đó có tác dụng rất hạn chế.
Trong bối cảnh mới, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, cần chuyển phương thức và trách nhiệm kiểm soát hậu quả rủi ro từ Nhà nước sang các tổ chức bảo hiểm, để lấy phí của số đông bù đắp cho những chủ thể kinh tế bị thiệt hại. Nhà nước cần ban hành các chính sách phát triển mạnh các hệ thống cung cấp dịch vụ bảo hiểm ngành hàng thủy sản, theo những tiêu chí và điều kiện đa dạng. Đồng thời, cần có thể chế quy định việc chủ thể SX-KD thủy sản quy mô lớn phải mua bảo hiểm, và chủ động áp dụng có các giải pháp phòng tránh để kiểm soát rủi ro. Cùng với đó, là phải có giải pháp mới về phát triển thị trường: phải chuyển từ trợ cấp sang quỹ XK.
Hiện nay NSNN dành cho phát triển thị trường ở ta mới khoảng 100 tỷ đồng, nghĩa là dưới 5 triệu USD mỗi năm. Để tạo nguồn tài chính tập trung phục vụ cho xúc tiến thương mại, chi phí cho các vụ kiện thương mại, đấu tranh với các các rào cản và xúc tiến các hoạt động phát triển công nghệ ngành thủy sản, Chính phủ cần nghiên cứu cho phép áp dụng cơ chế thu phụ phí phát triển và bảo vệ thị trường xuất khẩu để xây dựng Quỹ phát triển và bảo vệ thị trường đối với một số ngành hàng chủ lực.
Thứ sáu, là giải pháp dành cho hải sản: Chúng ta phải chuyển từ khai thác sang nuôi biển. Do nguồn lợi ngày càng suy giảm, nguồn cung hải sản của thế giới sẽ luôn luôn thiếu hụt, cung không đủ cầu, mức độ ngày càng trầm trọng. Do vậy, ngành nuôi biển là ưu tiên phát triển cao của nhiều nước có lợi thế tiếp cận biển. Việc phát triển công nghiệp nuôi biển quy mô lớn không những giải quyết được bài toán về nguyên liệu hải sản đa dạng cho chế biến XK, mà còn tạo ra một cú hích mạnh mẽ cho ngành thủy sản, góp phần ổn định và giữ gìn an ninh trên biển.
Thứ bảy, đó là cần thành lập Bộ Kinh tế Biển. Việt Nam vẫn chưa có một thể chế nhà nước thống nhất để quản lý biển. Để thực hiện Chiến lược Biển cần phải có một thiết chế quốc gia đủ mạnh, nhất quán về chủ trương và kỷ cương trong hành động, có chính sách quản lý thống nhất vùng biển, thềm lục địa và hải đảo.
Cuối cùng, đó là giải pháp Nhà nước với DN cần phải chuyển từ hành chính sang đồng quản lý. Từ trước đến nay, quan hệ của các cơ quan Chính phủ với DN là mối quan hệ giữa cơ quan quản lý với chủ thể kinh tế bị quản lý. Gần đây, ở nước ta, quan hệ cộng tác công tư (PPP) đã được đặt ra, nhưng mới trên lý thuyết và trong một số phạm vi (như đầu tư) và chưa có cơ sở pháp lý thật đầy đủ. Cần xây dựng thể chế xác lập vai trò của cộng đồng DN trong mối quan hệ toàn diện, đồng kiểm soát và giám sát lẫn nhau với hệ thống các cơ quan Chính phủ. Để thực hiện được cơ chế đồng quản lý, Nhà nước cần thể chế hóa vai trò của các hiệp hội DN; tạo điều kiện thiết lập và củng cố vị thế của hiệp hội trong cộng đồng và trong xã hội; hỗ trợ, tiếp sức cho hiệp hội thực hiện tốt chức năng của mình và phân công cho hiệp hội làm thay một số phần việc của Nhà nước.
P.V:Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Hồng Hà
(Thực hiện)