(Baonghean.vn)- Cử tri tỉnh Nghệ An kiến nghị: Tòa án nhân dân tối cao phối họp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu, ban hành hướng dẫn liên ngành về đánh giá chứng cứ và áp dụng lãi suất của các hợp đồng tín dụng đối với các hợp đồng vay nợ dân sự và kinh doanh thương mại. Từ đó tạo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật giữa Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân các cấp.
Vấn đề này Tòa án nhân dân tối cao trả lời như sau:
a) Về ban hành văn bản hướng dẫn về đánh giá chứng cứ
Thực hiện Nghị quyết số 45/2013/QH13 ngày 18-6-2013 của Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2013 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, với tư cách là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi), Tòa án nhân dân tối cao đang tiến hành xây dựng dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự, trong đó có đặt ra vấn đề sửa đổi, bổ sung các quy định về chứng cứ, đánh giá chứng cứ khi giải quyết các vụ việc dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình.
Đồng thời, thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 104 Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ của Tòa án nhân dân tối cao trong việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Tòa án nhân dân tối cao đang tiến hành tổng kết thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hôn nhân và gia đình để tổng hợp những khó khăn, vướng mắc phát sinh phục vụ cho việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành và xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.
Theo Nghị quyết 70/2014/QH13 ngày 30-5-2014 của Quốc hội về Điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XIII, năm 2014 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015 thì Bộ luật tố tụng dân sự được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10 năm 2015.
Trên cơ sở Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao sẽ xem xét, quyết định việc ban hành văn bản hướng dẫn về chứng cứ và đánh giá chứng cứ để các Tòa án áp dụng thống nhất trong quá trình xét xử.
b) Về áp dụng lãi suất trong các hợp đồng tín dụng để tạo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật
Thực tiễn thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 cho thấy các quy định về lãi suất đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, không phù hợp với thực tiễn và đang ảnh hưởng đến việc áp dụng pháp luật như phản ánh của cử tri.
Một trong những hạn chế của Bộ Luật dân sự năm 2005 đó là quy định về trách nhiệm dân sự do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền và quy định về lãi suất trong hợp đồng vay tài sản còn có những cách hiểu khác nhau.
Tại khoản 2 Điều 305 Bộ Luật dân sự năm 2005 quy định: “Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”
Quy định trên không phù hợp vì thực tế lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố thường thấp hơn lãi suất vay trong hạn mà các bên thỏa thuận nên đã thiếu đi tính công bằng, hợp lý, không đảm bảo quyền lợi của bên cho vay, đồng thời thiếu tính răn đe đối với người vi phạm nghĩa vụ. Quy định này đã phần nào làm giảm hiệu lực và hiệu quả của Bộ luật dân sự, đồng thời khuyến khích người có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ trả tiền của họ....
Trong quá trình tham gia soạn thảo dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi), Tòa án nhân dân tối cao đã có kiến nghị sửa đổi bổ sung các Điều 305, Điều 476 Bộ luật dân sự năm 2005 cho phù hợp với thực tiễn vay tài sản, đảm bảo sự công bằng, hợp lý đối với các bên trong quan hệ vay tài sản góp phần ổn định xã hội.
G.H ( Tổng hợp)