(Baonghean) - Sau Đại hội Đảng các cấp, việc tích cực đưa giống cây, con mới, hiệu quả kinh tế cao vào thực tiễn của các địa phương cũng đã và đang mở thêm nhiều hướng phát triển cho vùng đất này.

“Đất nào, cây nấy”

Về xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn) hôm nay điều dễ nhận thấy đó là quang cảnh đổi mới ở một xã nghèo ven đô. Những con đường nội thôn chật hẹp ngày nào giờ đã trở nên quang đãng nhờ được phóng tuyến, bê tông hóa phẳng lỳ tô điểm thêm nhiều nhà cao tầng khang trang.

Với vị trí ven đô thị giáp thị trấn Nghĩa Đàn nhưng Nghĩa Hội thời gian trước vẫn được liệt vào tốp những xã kém phát triển. Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định mục tiêu "trở thành cực tăng trưởng vùng Đông Bắc Nghĩa Đàn" đã thể hiện sự quyết tâm chính trị cao cho một Nghĩa Hội vươn tầm phát triển mới.

Nghị quyết về xây dựng xã Nghĩa Hội đạt chuẩn nông thôn mới đã được ban hành, trong đó chú trọng tiêu chí nâng cao thu nhập cho người dân. Trên cơ sở đó, 2 đề án "xương sống" đã được Đảng bộ xã ban hành trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp, đó là đề án xây dựng mô hình trồng rau màu chuyên canh và đề án trồng rừng nguyên liệu. 

Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi.
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi.

Thực hiện đề án trồng rau chuyên canh, xóm Đồng Tiến được chọn làm điểm. Hôm chúng tôi đến xóm, trên xứ đồng Cửa Trực rau cải bắp, súp lơ đã xanh lút. Xóm đã kéo điện ra đồng, khoan giếng, xây dựng mương tiêu úng  tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sản xuất.

Đồng Tiến có hơn 2 ha chuyển đổi sang trồng rau cho thu nhập gấp 2 lần trồng lúa. Các hộ Đậu Thế Thông, Lê Hồng Thương mỗi gia đình trồng đến 4 sào rau cho thu nhập khá cao. Bí thư chi bộ, xóm trưởng Lê Văn Thắm chia sẻ: Để giải quyết khó khăn về đầu ra cho sản phẩm rau Đồng Tiến, Ban chi ủy và ban cán sự xóm đã có kế hoạch tổ chức lại nhóm hộ chuyên thu mua tiêu thụ cho bà con. Đồng thời, kết nối với Nhà máy gỗ Nghệ An để cung cấp thường xuyên nguồn rau an toàn, thực phẩm đảm bảo chất lượng cho bữa ăn ca của công nhân. 

Nếu cây rau ở Đồng Tiến tạo mô hình cho thu nhập nhanh, ổn định thì việc Nghĩa Hội rà soát quỹ đất lâm nghiệp chuyển đổi từ đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng cây nguyên liệu giấy trong bối cảnh Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An đứng chân trên địa bàn đã đi vào hoạt động chính thức cũng đã mở ra hướng phát triển mới cho địa phương.

Bí thư Đảng ủy xã Cao Xuân Hoàng cho biết: Xã cũng đã làm việc với Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An để phối hợp xây dựng vùng nguyên liệu kiểu mẫu, chất lượng cao, vừa tạo cảnh quan xung quanh nhà máy trên phần đất của xã. Hiện tại, Nghĩa Hội đã chuyển đổi trồng được 200 ha nguyên liệu giấy tạo cơ sở để tăng diện tích cho các năm sau. Như vậy, chuyển đổi những diện tích đất nông, lâm nghiệp kém hiệu quả khoảng gần 1.000 ha sang trồng cây gỗ nguyên liệu dựa trên cơ sở liên kết với nhà máy đang trở thành hướng phát triển mới của Nghĩa Hội.

Khác với Nghĩa Hội, Nghĩa Trung  trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định được vị trí "đắc địa" ở giữa đô thị Thái Hòa và thị trấn Nghĩa Đàn nên  sớm có định hướng phát triển các loại hình dịch vụ và trồng các loại cây đặc sản hàng hóa để triển khai thực hiện đề án "chuyển đổi cây trồng cạn". Ngoài Nhà hàng sinh thái Đồng Be trở thành điểm nhấn, điểm đến trong dịch vụ ăn uống vùng ven đô cho các thực khách trong và ngoài huyện thì nhờ triển khai thực hiện đề án "Chuyển đổi cây trồng trên đất nông nghiệp giai đoạn 2015-2020" đã tạo chuyển biến căn bản trên từng cánh đồng, từng vùng đất của xã. 

Theo đó, Nghĩa Trung đã đồng loạt chuyển đổi vùng đất trồng lúa - cá kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh tập trung tại 4 xóm gồm Đập Bể, Xuân Yến, Diễn Xuân, Tân Trung. Đối với vùng đất mía kém hiệu quả từ xóm Đồng Nheo đến xóm Đồng Be chuyển sang trồng cam, quýt, ổi, bưởi...

Bí thư Đảng ủy Bùi Huy Trụ cho biết: Nhờ Nghĩa Trung sớm xác định được mũi đột phá trong nhiệm kỳ này là nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp với việc triển khai thực hiện đề án chuyển đổi cây trồng cạn, do vậy, mới hơn 1 năm sau Đại hội Đảng bộ xã đã có gần 40 ha được chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, ngoài ra xã đã hình thành định hướng phát triển kinh tế dịch vụ ven đô thị, thu nhập bình quân từ 17 triệu đồng/ người/ năm tăng lên 20 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm đáng kể từ 12,3% dự kiến còn 8% vào cuối năm nay.   

Khai mở hướng đi mới 

Bây giờ khi nói đến địa phương đi đầu trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An, người ta thường nhắc đến Nghĩa Đàn với sự hiện diện của các dự án trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp từ sản xuất đến chế biến của Tập đoàn TH như: dự án chăn nuôi bò sữa gắn với chế biến, dự án rau sạch, chế biến gỗ... và điều này còn hoàn toàn chính xác bởi định hướng của Nghị quyết 26- NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 đã xác định việc xây dựng trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại Nghĩa Đàn... 

Mô hình kinh tế vườn đồi xã Nghĩa Trung.
Đại hội Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã nêu rõ định hướng: Tiếp tục thu hút và huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển để tạo bước chuyển dịch quan trọng trong cơ cấu kinh tế, nhất là về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến nông, lâm sản. Chăm lo đầu tư và phát triển nông nghiệp, nhất là những cây, con truyền thống cho đại bộ phận nông dân gắn với nâng cao đời sống và đảm bảo an sinh xã hội... trên cơ sở đó, phấn đấu xây dựng Nghĩa Đàn trở thành trung tâm kinh tế của vùng Tây Bắc tỉnh Nghệ An.

Như  vậy có thể thấy khá rõ, Nghĩa Đàn xác định kinh tế nông nghiệp vẫn là hướng phát triển chính của huyện. Bên cạnh các dự án nông nghiệp công nghệ cao thì việc ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, quy trình mới vào việc nâng cao hiệu quả của các loại cây, con truyền thống đang được thực hiện rộng rãi. 

 Đồng chí Phan Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nghĩa Đàn khuyến khích các xã dựa vào các điều kiện lợi thế của mình năng động, sáng tạo trong việc xây dựng các mô hình nông nghiệp mới có hiệu quả. Trên cơ sở đó, huyện cũng có một số cơ chế hỗ trợ nhằm " kích cầu" đầu tư cho các hộ dân tạo phong trào phát triển sâu rộng. 

 Sau đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII, Nghĩa Đàn đã ban hành 3 chương trình, 5 đề án, 7 chỉ thị nhằm cụ thể hóa các mục tiêu nghị quyết, trong đó đáng lưu ý trên lĩnh vực kinh tế có đề án xây dựng nông thôn mới cũng chú trọng xây dựng các mô hình và đề án ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, thực tế ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với suất đầu tư lớn, đầu tư đồng bộ đang còn là trở ngại lớn đối với Nghĩa Đàn trong bối cảnh phần lớn các hộ dân còn nghèo. 

Vì vậy, hướng đi mới đã được Nghĩa Đàn xác định nâng cao hiệu quả kinh tế trên những cây, con truyền thống với việc ứng dụng một số giải pháp về giống, kỹ thuật được xem là hoàn toàn đúng đắn. 

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phan Tiến Hải: Nghĩa Đàn tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, người dân để các phòng ban, các xã dần hình thành  tư duy ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn chủ động áp dụng trên từng công đoạn, trên mỗi cây, con. Có như vậy, mới tạo được sức lan tỏa, hiệu quả, thực hiện được định hướng lớn trong bối cảnh huyện nghèo, các hộ dân đa phần còn khó khăn.

Hữu Nghĩa

TIN LIÊN QUAN