(Baonghean) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Chương lần thứ XXIX, nhiệm kỳ 2010 - 2015, đặt mục tiêu “phấn đấu đưa Thanh Chương trở thành huyện vững mạnh toàn diện của vùng Tây Nam Nghệ An”. Bằng nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, những năm qua, huyện Thanh Chương có bước “đột phá” trong dồn điền, đổi thửa, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp đưa sản lượng lương thực vượt ngưỡng 100.000 tấn; đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; tăng cường thu hút đầu tư, tập trung hoàn thành các dự án trọng điểm, tạo đà phát triển vững bền.
Khí thế mới trong sản xuất nông nghiệp
Lĩnh vực nông nghiệp được xem là nét nổi bật, tạo dấu ấn nhất trong nhiệm kỳ qua của huyện Thanh Chương. Từ thực tế đất sản xuất manh mún, ruộng bậc thang, không có lợi thế về tài nguyên khoáng sản, không nằm trong vùng kinh tế trọng điểm đầu tư của tỉnh, nên Đảng bộ Thanh Chương xác định rõ phải thực hiện cuộc “cách mạng” toàn diện trong sản xuất nông nghiệp để chuyển hướng phát triển mới. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIX về nhiệm vụ và giải pháp đã xác định rõ: Chủ động, tích cực vận động nông dân chuyển đổi ruộng đất lần thứ hai, gắn chuyển đổi ruộng đất để quy hoạch lại hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, phát triển mô hình trang trại, gia trại... thực hiện CNH, HĐH. Trên cơ sở định hướng chung, đảng bộ các xã căn cứ vào tình hình thực tế, chủ động triển khai thực hiện.
Được sự hướng dẫn của lãnh đạo xã Thanh Liên, chúng tôi đi thăm cánh đồng sau chuyển đổi ruộng đất thuộc vùng Cửa Đền, Cửa Sen, vùng Máng, vùng Màu... Những vùng đồng sâu trũng thường hay ngập úng, năng suất lúa thấp trước đây, nhờ chuyển đổi ruộng đất nên vùng này quy hoạch tập trung theo hình thức đấu thầu đã hình thành những trang trại tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao... Trang trại của vợ chồng anh Phạm Văn Dũng và chị Nguyễn Thị Phương, trên diện tích chỉ hơn 1,3 ha, ngoài cơ cấu trồng lúa 1 vụ và nuôi cá, anh chị đã đầu tư nuôi 500 con gà thịt, 30 con lợn thịt, lợn nái cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Chị Phương cho biết: “Trước khi nhận khoán vùng đất này, gia đình khó khăn lắm, đất đai ít, lại manh mún nên phải đi làm thuê. Nhưng nhờ có chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, gia đình nhận khoán phát triển kinh tế trang trại nên cuộc sống đã khá lên rồi”. Trên vùng đất đấu thầu nhận khoán, nhiều chủ trang trại đã hình thành được phương thức nuôi trồng mới hiệu quả cao, khẳng định có thể làm giàu trên đất đai trước đây gần như bị bỏ hoang.
Đồng chí Phan Bá Ngọc - Chủ tịch UBND xã Thanh Liên cho biết: “Khi thực hiện chủ trương chuyển đổi ruộng đất, thay đổi hoàn toàn hiện trạng đồng ruộng, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, kết quả chuyển đổi bình quân hiện nay có 1,89 vùng/hộ. Điều này đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động vùng nông thôn. Riêng vùng 5% đất công ích sau khi quy hoạch tập trung hơn 20 ha đã hình thành 23 trang trại, gia trại bước đầu đã cho hiệu quả cao”.
Còn ở các xã Cát Văn, Thanh Lĩnh và nhiều xã khác, đều có kết quả rõ nét trong đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính. Khắp xứ đồng màu xanh của cây trồng nào ngô, đậu, lạc, khoai... phủ kín trên diện tích đất 2 lúa. Bí thư Đảng ủy xã Cát Văn, đồng chí Nguyễn Văn Thùy, khẳng định: “Điều quan trọng góp phần làm nên thành công trong chuyển đổi ruộng đất, đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất hàng hóa quy mô lớn là phát huy hiệu quả hoạt động của HTX. Thực hiện chức năng dịch vụ “2 đầu” (vào và ra), HTX dịch vụ nông nghiệp Cát Văn đã trở thành “bà đỡ” cho toàn bộ hoạt động sản xuất nông nghiệp trên diện tích 130 ha của xã”.
Đồng chí Lê Đình Thanh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thanh Chương khẳng định: “Sau chuyển đổi, huyện khuyến khích các xã căn cứ điều kiện thực tiễn cụ thể và bám quy hoạch để tìm giải pháp, xây dựng mô hình phù hợp, hiệu quả”. Nếu so với mục tiêu xác định thì kết quả còn khiêm tốn, nhưng cái được lớn nhất, mang tính “đột phá” là huyện xây dựng được kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng hoàn chỉnh với số lượng giao thông mở mới 293 km, làm mới 52 km kênh mương, lắp đặt trên đồng ruộng 41.253 cống giao thông, thủy lợi; hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng để làm cống thủy lợi, tổng số tiền huy động từ nhân dân để đóng góp làm giao thông, thủy lợi nội đồng trên 39 tỷ đồng. Việc đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp cũng đã có bước phát triển rất mạnh với tổng số 824 máy nông nghiệp, tăng 702 máy so với trước chuyển đổi. Trên khắp các cánh đồng đã hình thành những cách đồng mẫu lớn, cánh đồng chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao, như cánh đồng mẫu lớn chuyên trồng ngô ở xã Thanh Liên, cánh đồng chuyên sản xuất lúa ở Thanh Phong…
Một dấu ấn lớn trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIX là năng suất lúa vào tốp đầu của tỉnh, đạt mức từ 64 tạ/ha đến 67 tạ/ha, tạo sản lượng lương thực lần đầu tiên đã vượt ngưỡng 100.000 tấn lương thực và duy trì các năm liên tục sau khi thực hiện chuyển đổi ruộng đất. Từ kết quả của việc chuyển đổi ruộng đất theo Chỉ thị 08- CT/TU và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIX đang tạo những điều kiện thuận lợi để Thanh Chương ổn định đảm bảo an ninh lương thực, tiếp tục xây dựng những cánh đồng chuyên canh hàng hóa hiệu quả cao, đưa cơ giới vào sản xuất, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Phát huy truyền thống học tập
Thanh Chương là miền quê có truyền thống hiếu học và khoa bảng, có nhiều danh tướng, nhà khoa học, nhà văn hóa, doanh nhân nổi tiếng. Để tiếp tục bồi đắp truyền thống đó, nhiệm kỳ 2010 – 2015, cấp ủy, chính quyền các cấp ở Thanh Chương đã chăm lo công tác phát triển giáo dục, nâng cao dân trí, trong đó trọng tâm là xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Huyện ủy Thanh Chương đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-HU, ngày 30/6/2011 về đẩy mạnh xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Theo đó đến năm 2015 sẽ có 60% trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia và 100% trường học được kiên cố hóa. Để đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ, UBND huyện và 29 xã đã ban hành đề án, 11 xã xây dựng kế hoạch để thực hiện đề án cấp huyện với lộ trình thực hiện cho từng năm cụ thể. Điều đáng ghi nhận ở Thanh Chương, quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia trong điều kiện nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng từ chương trình kiên cố hóa trường học bị cắt giảm, nhưng các địa phương đã nỗ lực vươn lên, tranh thủ để lồng ghép các nguồn lực ưu tiên xây dựng trường chuẩn. Thanh Khê là xã miền núi khó khăn của huyện Thanh Chương, có 7/10 xóm thuộc diện xóm đặc biệt khó khăn; địa hình chia cắt phức tạp, đời sống của nhân dân còn ở mức thấp. Trước tình hình đó, đảng ủy, UBND xã giao trách nhiệm cụ thể cho các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc chăm lo công tác giáo dục. Bằng cách làm đó, cấp ủy, chính quyền và người dân huy động 4,4 tỷ đồng xây trường THCS đạt chuẩn quốc gia năm 2011. Riêng trường mầm non từ chỗ học ở nhà văn hóa các xóm, xã đã ưu tiên quy hoạch ở địa điểm đẹp, thuận lợi, trong đó, phụ huynh học sinh và con em trong xã quyên góp hơn 4,6 tỷ đồng để xây dựng trường mới.
Nhiều xã khác như Thanh Lương, Thanh Lĩnh… nỗ lực xây dựng 3 cấp học đạt chuẩn quốc gia. Điều đó đem đến cho huyện Thanh Chương có thêm 21 trường được công nhận đạt chuẩn, nâng tổng số trường chuẩn quốc gia lên 66/129 trường học, đạt 51,2%. Đồng chí Đặng Văn Hóa – Huyện ủy viên, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện, chia sẻ: “Con số này so với mặt bằng chung toàn tỉnh thì chưa phải là tốp đầu, nhưng đã phản ánh được sự nỗ lực lớn của Thanh Chương. Đặc biệt hơn, số trường đã đạt chuẩn này được chia đều ở các xã, thị trấn, trong đó có xã đạt chuẩn quốc gia ở cả 3 bậc học mầm non, tiểu học, THCS”. Cũng theo đồng chí Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo, mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIX đề ra 60% số trường đạt chuẩn quốc gia vào năm 2015, Thanh Chương phải có thêm 11 trường đạt chuẩn nữa, mục tiêu này có thể về đích được.
Cùng đó, ngành Giáo dục huyện chú trọng chăm lo chất lượng đội ngũ giáo viên, từ đó nâng cao chất lượng đại trà, tạo đà nâng cao chất lượng mũi nhọn. Đồng chí Đặng Anh Dũng – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương chia sẻ: “Tinh thần hiếu học tiếp tục được phát huy, bồi đắp. Xã nào mỗi năm cũng có hàng chục con em đậu đại học và tính chung cả huyện, vài năm gần đây có trên 1.200 con em đậu vào các trường đại học, cao đẳng. Tin vui hơn, đó là kỳ thi đại học 2014 vừa qua, Thanh Chương có 3 em Thủ khoa, 3 em Á khoa, 8 em đạt điểm từ 27 trở lên. Con em Thanh Chương có khát khao, ý chí học giỏi để tạo lập cuộc sống…”.
Khai thông “tứ tắc”
Địa bàn Thanh Chương được ví là mảnh đất “tứ tắc”. Cái cách ví von ấy âu cũng xuất phát từ thế sông, dáng núi vô cùng hiểm trở mà ra. Thế nhưng, hôm nay trở lại mảnh đất “nhút mặn, chua cà”, nhìn những cây cầu mới nối đôi dòng sông Lam, những con đường nối gần những xóm làng, mới hay câu nói ấy chỉ còn là hoài niệm. Những công trình đã và đang dần thành hình đã “nối những nhịp bờ vui” cho nhân dân trên chặng đường xây dựng và phát triển quê hương.
Cây cầu treo Rạng nối xã Thanh Tiên với xã Thanh Hưng đang tích cực hoàn thiện, mở ra nhiều kỳ vọng cho người dân xã Thanh Tiên và cả vùng Cát Ngạn. “Khi đưa cầu vào sử dụng, người dân qua sông, không phải “lụy đò” nữa, cả làng, cả xã rất vui”- cụ Nguyễn Văn Diệu nhà ở gần cầu cho biết. Còn đồng chí Nguyễn Trọng Bảy – Chủ tịch UBND xã Thanh Tiên cho biết: “Mỗi ngày ước tính có hàng trăm lượt khách đi lại qua bến đò Rạng. Tuy nhiên, vào mùa mưa lũ, đò phải ngừng hoạt động nên người dân hai bờ phải đi vòng về cầu Dùng mới qua sông được, quãng đường phải hơn 8 km nên rất bất tiện. Khi có cầu treo Rạng, những khó khăn đó sẽ được xóa bỏ và tạo thuận lợi cho giao thương trong huyện, cũng như với huyện Đô Lương”.
Cũng trên sông Lam đoạn qua huyện Thanh Chương, thêm một cây cầu bê tông cốt thép sừng sững được dựng xây nối vững chắc giữa hai bờ sông Lam làm thỏa mãn ước mơ bao đời nay của lãnh đạo huyện và nhân dân hai bờ sông Lam. Đầu tháng 10/2014, cầu được đưa vào sử dụng nối Thị trấn Dùng đi vùng tả ngạn, đến khu tái định cư Thủy điện Bản Vẽ. Cây cầu này được thi công vượt tiến độ 15 tháng. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Viết Thiện – Trưởng phòng Công Thương huyện Thanh Chương cho biết: “Thanh Chương có 36 bến đò ngang sông Lam. Trong những năm qua, với những cây cầu được đầu tư xây dựng đã góp phần xóa được 29 bến đò. Sắp tới, cầu treo Rạng hoàn thành thì cả huyện chỉ còn 6 bến đò, tạo thuận lợi rất lớn và đảm bảo an toàn trong đi lại cho nhân dân các địa phương trong huyện”.
Không chỉ có những cây cầu nối nhịp đôi bờ sông Lam, những năm qua, nhiều tuyến đường giao thông liên xã, liên thông được các chính quyền và nhân dân ở Thanh Chương tập trung, thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng, phá thế bế tắc, góp phần phát triển kinh tế cho nhiều địa phương. Điển hình là tuyến đường chợ Chùa đi Thanh Đức, dọc theo tuyến đường này, và những xóm làng khang trang, trù phú của các xã Phong Thịnh, Thanh Hòa, Thanh Nho, Thanh Đức... Đến với mảnh đất Thanh Chương những ngày này, chúng tôi còn được chứng kiến nhiều công trình hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị đã hoàn thành, đưa vào sử dụng như Quốc lộ 46 đi Tràng Minh, 6 km mở rộng Tỉnh lộ 533, hồ trung tâm Thị trấn Dùng… Tất cả tạo nên một diện mạo, động lực phát triển mới cho huyện.
Để có được những kết quả tích cực nêu trên, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách từng chương trình, dự án cụ thể. Quá trình thực hiện, huyện tăng cường công tác dân vận, phát huy cao tinh thần, trách nhiệm, thái độ của cán bộ, đảng viên theo hướng tuyên truyền cho nhân dân hiểu và các mục tiêu hướng tới nhằm đảm bảo nâng cao đời sống của nhân dân. Vì vậy, nhiều lĩnh vực được triển khai nhanh, đảm bảo yêu cầu tiến độ. Đồng chí Nguyễn Hữu Vinh – Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: “Với những cách làm cụ thể trên, qua gần 5 năm của nhiệm kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIX, các công trình trọng điểm cơ bản được triển khai đồng bộ. Đến nay, đã có 28/30 công trình được triển khai đầu tư và xúc tiến đầu tư. Trong đó, có 9 công trình hoàn thành, 11 công trình đang triển khai, 8 công trình đã có quyết định đầu tư và chủ trương đầu tư góp phần tạo nên diện mạo mới cho Thanh Chương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời để lại những kinh nghiệm quý trong thu hút đầu tư phát triển, tạo động lực đưa Thanh Chương trở thành huyện khá của vùng Tây Nam Nghệ An”.
Khi trao đổi về những bài học kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo thực hiện các mục tiêu đại hội, đồng chí Lê Quang Đạt – Bí thư Huyện ủy Thanh Chương đúc rút: “Tinh thần chỉ đạo chung của Huyện ủy là phải bám sát Nghị quyết, lượng hóa thành những chương trình, đề án cụ thể, xây dựng lộ trình và thực hiện đúng tiến độ; đồng thời có sơ kết đánh giá kiểm tra thường xuyên. Đối với những lĩnh vực, dự án triển khai tiến độ chậm phải làm rõ nguyên nhân cụ thể, tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời”.
Nhóm phóng viên