(Baonghean) - Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 30/7/2013 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020, mở ra đường hướng, điều kiện cho Nghệ An phấn đấu xây dựng trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, tạo cơ sở để đến năm 2020 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.
Bước chuyển mạnh mẽ
9 tháng qua, cảng Cửa Lò có số lượng hàng hóa đạt hơn 2 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ; tổng sản lượng hàng bốc xếp đạt hơn 4 triệu tấn, tăng 28%. Xí nghiệp đã tổ chức tiếp nhận, xếp dỡ an toàn 583 lượt tàu ra vào cảng nhận, trả hàng.
Một số mặt hàng đạt sản lượng khá như than tăng gấp 2 lần do có thêm nguồn than cung cấp cho các nhà máy xi măng Vissai tăng mạnh; mặt hàng sắt thép, thiết bị tăng 2% do có nguồn thiết bị từ Trung Quốc đi Lào và Nhà máy Xi măng Sông Lam tăng, nên đã làm tăng sản lượng hàng hóa thông qua.
Ông Trần Văn Đạt - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh, Giám đốc Xí nghiệp xếp dỡ Cửa Lò cho biết: Ngoài ra, mặt hàng container do các hãng tàu không ngừng tăng sản lượng và bổ sung thêm tàu mới, đồng thời Xí nghiệp xếp dỡ Cửa Lò tăng cường công tác giải phóng tàu, sắp xếp lịch tàu ra vào hợp lý nên đã làm tăng 15% sản lượng hàng hoá qua cảng…
Ông Hoàng Văn Tám - Giám đốc Sở Công Thương cho hay: Thời gian qua, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách và chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp, tạo điều kiện giúp Nghệ An triển khai nhiều quy hoạch, thu hút được một số chương trình, dự án đầu tư công nghiệp quan trọng. Nhiều dự án, nhà máy mới được đầu tư đi vào hoạt động đã bước đầu phát huy hiệu quả, tạo cơ sở đẩy nhanh giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
10 tháng đầu năm 2016, chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn Nghệ An tăng 9,46% so với cùng kỳ năm 2015. Một trong những dự án trọng điểm đầu tư mang lại kết quả tốt được kỳ vọng lớn đó là nhà máy sản xuất tôn thép mang thương hiệu Quốc gia - Hoa Sen (Công ty TNHH MTV Hoa Sen). Tại Khu công nghiệp Đông Hồi (TX. Hoàng Mai), sau thời gian ngắn gấp rút đầu tư xây dựng, lắp ráp máy móc, ngày 4/6/2016, dây chuyền Mạ Nof của Nhà máy Hoa Sen với công suất 400.000 tấn/năm đã đi vào hoạt động, cho ra sản phẩm đầu tiên. Chỉ thời gian ngắn sau đó, dây chuyền mạ màu có công suất 120,000 tấn/năm; dây chuyền xẻ băng công suất 100.000 tấn/năm, dây chuyền ống thép công suất 60.000 tấn/năm và 1 dây chuyền đã chạy máy vào ngày 30/6/2016, toàn bộ sẽ đi vào hoạt động và cho ra sản phẩm vào ngày 3/7/2017.
Anh Phạm Tiến Phương - Phó Giám đốc nội vụ công ty cho hay: Dự kiến cuối năm 2016, nhà máy sẽ cho ra sản phẩm của dây chuyền tẩy rỉ. Khoảng tháng 6/2017, cho ra sản phẩm của dây chuyền cán nguội. Sau khi 2 dây chuyền này đi vào hoạt động thì nhà máy sẽ hoàn toàn tự chủ động về mặt nguyên liệu đầu vào.
Những năm qua, mặc dù tiếp tục chịu sự tác động của suy thoái kinh tế, nguồn vốn khó khăn, thị trường thu hẹp nhưng sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng trưởng khá ấn tượng, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng đều qua các năm, năm 2013 tăng 8,3%, năm 2014 tăng 9,38%, năm 2015 tăng 9,7%. Cụ thể: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng bình quân 12,84%, đóng góp vào mức tăng trưởng cao nhất của toàn ngành công nghiệp; Ngành khai khoáng tăng 0,79%; Sản xuất và phân phối điện tăng 23,56%; Cung cấp và xử lý nước thải, rác thải tăng 12,03%.
Quy mô và tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ổn định, trong 3 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, tỉnh đã thu hút được một số dự án đầu tư quan trọng trên các lĩnh vực: chế biến nông, lâm, thủy sản, thực phẩm đồ uống, vật liệu xây dựng, may mặc,... Trong đó, xi măng được xem là sự đột phá lớn; các dự án Tôn Hoa Sen, Royal Foods, Massan,... nằm ngoài mong đợi.
Sản xuất công nghiệp giai đoạn vừa qua tăng trưởng đạt mức cao hơn bình quân chung của cả nước và khu vực. Một số sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh như: điện sản xuất, bột mỳ, sản phẩm may xuất khẩu, sợi các loại, xi măng, gạch không nung,... đạt và vượt mục tiêu nghị quyết đề ra.
Nghệ An đạt được thành công về thu hút đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp, trong đó phải kể đến những dự án quy mô lớn với vốn đăng ký cao, có tác động mạnh đến nền kinh tế tỉnh nhà (Dự án VSIP Nghệ An 76,4 triệu USD; Nhà máy chế biến sữa tươi sạch TH True milk, Dự án sản xuất gỗ ghép thanh và gỗ ván MDF công suất 130.000 m3/năm; Dự án Hoa Sen Đông Hồi vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng; Dự án Nhiệt điện Quỳnh lập 1 vốn đầu tư 2,2 tỷ USD; Dự án xi măng Sông Lam, Sông Lam 2 của Tập đoàn The Vissai; xi măng Hoàng Mai 2 của Tổng Công ty Xi măng Vicem Việt Nam, Nhà máy chế biến thực phẩm Royal Food,...) là tiền đề vô cùng quan trọng để quảng bá hình ảnh và thu hút các tập đoàn khác vào đầu tư vào Nghệ An.
Cần giải pháp phát triển dài hơi
Thành quả và kinh nghiệm phát triển các lĩnh vực, sự phát huy hiệu quả của các dự án đã hoàn thành từ nhiệm kỳ trước và xu hướng dịch chuyển các nguồn lực có liên quan đến vị thế địa kinh tế tác động tích cực đến triển vọng phát triển công nghiệp của Nghệ An, tạo nền tảng quan trọng cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong nghị quyết.
Các nguồn lực phát triển công nghiệp về khoáng sản, lâm sản, đất đai, nguồn nhân lực đã được rà soát quy hoạch và khai thác ngày càng hợp lý. Cơ sở hạ tầng về giao thông, cảng biển, sân bay, khu kinh tế, KCN, cụm công nghiệp,... được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các dự án công nghiệp.
Bối cảnh vùng Bắc Trung bộ đang xuất hiện những động lực phát triển mới mạnh mẽ (nhất là khu vực Nghi Sơn - Thanh Hóa, Vũng Áng - Hà Tĩnh) tạo thế chuyển lên đẳng cấp phát triển mới, hình thành xu hướng liên kết và lan tỏa rõ rệt, là cơ hội để ngành Công nghiệp Nghệ An thu hút nhiều dự án đầu tư.
Ngoài ra, tiềm năng để phát triển công nghiệp tỉnh khá lớn: tài nguyên rừng trồng, tài nguyên khoáng sản, quỹ đất để phát triển công nghiệp, nguồn nhân lực đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”,... Nhận thức về vai trò của công nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội và sự đồng thuận, quyết tâm từ các cấp lãnh đạo đến các ngành và địa phương ngày càng cao là những yếu tố quan trọng để thực hiện thắng lợi mục tiêu nghị quyết đề ra.
Trước những thuận lợi và khó khăn, ngành Công Thương và các ban, ngành liên quan đã xây dựng “kịch bản” để tăng cường các giải pháp dài hơi, bền vững cho phát triển công nghiệp, đảm bảo mục tiêu Nghị quyết 26 đề ra. Đó là, rà soát xây dựng, bổ sung điều chỉnh các chương trình, đề án, quy hoạch và nâng cao hiệu quả việc quản lý thực hiện. Xây dựng quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trên cơ sở lựa chọn một số lĩnh vực phù hợp với khả năng thực tế của tỉnh để tạo nguồn nguyên liệu, phụ liệu trong nước, giảm dần nguyên liệu nhập ngoại, tạo thế chủ động trong quá trình phát triển công nghiệp.
Xác định phát triển công nghiệp hỗ trợ là mục tiêu chiến lược lâu dài và phù hợp với xu thế. Xây dựng danh mục các dự án công nghiệp hỗ trợ để đưa vào chương trình xúc tiến đầu tư hàng năm của tỉnh. Nghiên cứu để tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Quy định trình tự, thủ tục xác nhận ưu đãi và hậu kiểm ưu đãi đối với các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.
Qua trao đổi, ông Hoàng Văn Tám - Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, phát triển công nghiệp cần có vốn đầu tư lớn, việc thu hút các dự án đầu tư đòi hỏi phải đáp ứng nhiều yếu tố về nguồn nguyên liệu đầu vào, giao thông thuận lợi, quy mô thị trường tiêu thụ lớn, hạ tầng, đất đai,...
Vì thế, bên cạnh các giải pháp cụ thể về công nghiệp chế biến, khoáng sản, làng nghề… ngành đưa ra các giải pháp điều hành để có hiệu quả cao nhất. Đó là, nâng cao chất lượng vận động, xúc tiến đầu tư, đổi mới công tác chuẩn bị, tiếp nhận và thực hiện các dự án.
Thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ tạo môi trường và không gian đầu tư hấp dẫn bằng việc thực hiện đồng bộ 8 nhóm giải pháp đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua, nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) để chuẩn bị sẵn sàng đón đầu làn sóng đầu tư từ nước ngoài vào, sau khi Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại qua thông tin điện tử. Thực hiện tốt nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nghiệp; Tăng cường phối hợp giữa các ngành kiểm tra việc thực hiện bảo vệ môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm tại các KCN, CCN và các dự án công nghiệp thứ cấp.
Thu Huyền