Hiện có nhiều doanh nghiệp đổi mới dây chuyền, thiết bị, công nghệ và cho ra đời nhiều loại sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế như: thép tisco, Xi măng PC30-40, gạch Granit, ống nhựa Tiền phong; thép mã kẽm, thép in nox hoà phát và vô số sản phẩm tiêu dùng về thiết bị điện và điện dân dụng; các mặt hàng công nghệ phẩm (dầu ăn, bánh kẹo, giấy, bút mực, vải, áo quần, cốc chén, bát).v.v... Các mặt hàng chất lượng cao nên giá cả có phần cứng. Nhiều người cho rằng hàng chất lượng cao chỉ giành để xuất khẩu và thị trường thành thị. Đây là cách nhìn khá phiến diện và quan niệm quá lạc hậu, bởi tư duy của người nông dân về mua sắm hôm nay đã khác trước. Theo điều tra gần đây cho thấy, bằng các con đường xuất khẩu lao động, mở ngành nghề sản xuất kinh doanh, đời sống của nhiều vùng dân cư đã khởi sắc và trong tư duy tiêu dùng đã có thay đổi căn bản. Đó là bên cạnh một bộ phận  ham hàng hoá rẻ thì không ít người dân lại có tư duy mua hàng "độc" (hàng chất lượng cao) bền đẹp. Điều đó cho thấy nông thôn đang luôn là thị trường tiềm năng cho cả hàng nội và hàng ngoại, hàng thông thường và hàng chất lượngng cao.
 
Song hàng hoá nhất là hàng Việt Nam chất lượng cao vẫn chưa thực sự về với nông thôn, một phần do nhận thức chưa đầy đủ, một phần do thiếu chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều dễ thấy, thị trường nông thôn tuy tiềm năng lớn, song để đưa hàng về tận các vùng các doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí về vận chuyển, dịch vụ khá lớn. Nhiều doanh nghiệp (nhà sản xuất) chưa tính được chiến lược dinh doanh lâu dài nên chưa có chính sách đưa hàng về nông thôn để cung ứng phục vụ. Trên thực tế rất nhiều sản phẩm hàng hoá của các doanh nghiệp phần lớn do tư thương tự phát mang về cung ứng theo kiểu mặt hàng nào lợi nhuận lớn mang về nhiều và ngược lại. Họ ít quan tâm về tuyên truyền quảng bá về chất lượng, thương hiệu, cho nên người dân thiếu thông tin cần thiết về chất lượng, mẫu mã, làm cho nhiều loại hàng hoá chất lượng cao ít người biết đến đầy đủ. Thực trạng đó làm cho nhiều người có tiền lo sợ mua nhầm hàng nhái, hàng giả. Vì thế bà con nông dân mong muốn, các doanh nghiệp sớm phối hợp mở các chiến dịch đưa hàng về phục vụ địa bàn nông thôn thông qua các hội chợ, bán hàng cơ động; hoặc thông qua chính sách xây dựng các đại lý bán lẻ tại các vùng miền để người dân có điều kiện tiếp cận với các loại sản phẩm hàng hoá Việt Nam chất lượng cao.

Văn Đoàn