(Baonghean) - Trong quá trình thực hiện Luật BHYT đã nảy sinh một số bất cập, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh cho người dân trên địa bàn... Luật BHYT sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua sẽ là “đòn bẩy” tạo đà để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một tốt hơn…
Thực hiện Luật BHYT, ở Nghệ An đã có 2.118.159 người được cấp thẻ BHYT, chiếm hơn 70,7% dân số; số người tham gia BHYT tăng hàng năm, tạo tiền đề vững chắc cho mục tiêu phát triển BHYT bền vững, tiến tới BHYT toàn dân. Quyền lợi của người tham gia BHYT cơ bản được đảm bảo theo đúng quy định, chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được nâng cao; số người dân được tiếp cận và chăm sóc sức khỏe từ nguồn quỹ BHYT ngay tại cộng đồng dân cư và nhiều dịch vụ y tế ngày càng tăng…Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật BHYT (đã sửa đổi, bổ sung) và việc thực hiện Luật BHYT còn bộc lộ một số bất cập và tồn tại, khiến chất lượng dịch vụ y tế lẫn quyền lợi của người tham gia BHYT chưa được như mong muốn.
Chị Nguyễn Thị Hoài, 39 tuổi, trú tại huyện Nghi Lộc có 5 năm điều trị ở Bệnh viện K Hà Nội trở về điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An được 1 năm. Chị đã thực hiện xạ trị tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An và hiện đang điều trị ngoại trú. Chị Hoài bày tỏ thắc mắc: Trước đây điều trị ở Bệnh viện K Hà Nội, tôi thấy bệnh nhân ngoại trú được phát thuốc dạng tiêm Aslem tăng miễn dịch 15 ống/tháng. Nhưng về Bệnh viện Ung bướu Nghệ An lại không được phát ống nào. Hỏi các y, bác sỹ ở đây thì được trả lời “BHYT không thanh toán nên không phát”. Bệnh viện K Hà Nội thì BHYT cho phép cấp phát, còn Bệnh viện Ung bướu Nghệ An tại sao lại không?
Trao đổi với bác sỹ Phạm Vĩnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, được biết: Không riêng gì thuốc Aslem cấp phát ngoại trú, mà nhiều loại thuốc phụ trợ điều trị nội trú khác cũng không được thanh toán nên cũng không thể đưa vào sử dụng cho bệnh nhân. Và chính bác sỹ Hùng cũng không hiểu tại sao ở Bệnh viện K Hà Nội thì được chi trả còn Bệnh viện Ung bướu Nghệ An lại không được thanh toán.
Bác sỹ Phạm Vĩnh Hùng cho hay: Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đã huy động nguồn xã hội hóa mua 1 máy chụp CT Scanner 64 dãy trị giá 25 tỷ đồng, hiện đại nhất khu vực miền Trung. Thiết bị được lắp đặt ngay sau thời điểm có Công văn ngày 11/4/2013 của Bộ Y tế về việc một số vướng mắc trong triển khai TTLT số 04 ghi rõ “Trường hợp đơn vị chỉ có loại máy từ 64-128 dãy mà không trang bị loại máy dưới 32 dãy. Để đáp ứng cho việc chẩn đoán và bảo đảm quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT thì khi chỉ định chụp theo yêu cầu chuyên môn vẫn được thanh toán theo giá của loại máy đã được phê duyệt”. Tuy nhiên, khi đưa về sử dụng thì chỉ được BHXH thanh toán theo giá 32 dãy (Bệnh viện Trung ương áp giá dịch vụ này là 2,1 triệu đồng/lần trong khi Bệnh viện Ung bướu tỉnh đề nghị là 1,5 triệu đồng/lần). Mãi đến tháng 1/2014 thì một số trường hợp chụp CT scanner 64 dãy mới được thanh toán theo giá đề nghị, trường hợp khác vẫn áp dụng theo giá loại máy 32 dãy…Việc chi trả BHYT như thế thì không khuyến khích được nhà đầu tư, cũng như người dân chưa được hưởng dịch vụ y tế kỹ thuật cao.
BHYT và việc thực hiện Luật BHYT hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập, một trong số đó là việc phân tuyến về khám chữa bệnh. Việc phân tuyến khám chữa bệnh là một hướng đúng đắn có mục đích giảm giải người bệnh vào một số cơ sở y tế, gây quá tải. Nhưng vô hình trung gây nhiều khó khăn, cản trở cho người bệnh tham gia BHYT. Cụ thể, người bệnh có thẻ BHYT phải thực hiện hành trình chuyển tuyến, chuyển bệnh viện lòng vòng mà không thể đến trực tiếp, ngay tức thời bệnh viện mình cần điều trị. Điều này khiến bệnh nhân mất thời gian, ảnh hưởng đến kinh tế và điều quan trọng hơn là không tiếp cận kịp thời các liệu pháp điều trị hữu hiệu ngay từ đầu, có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người bệnh. Bên cạnh đó, chính sự phân tuyến này đã tạo nên lực cản phát triển, ý thức nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế do ít có tính cạnh tranh, cũng như từ đây xuất hiện tình trạng giữ bệnh nhân.
Giá cả các dịch vụ kỹ thuật y tế đang có những bất cập. Cũng một ca mổ ruột thừa nhưng ở bệnh viện tuyến trung ương thì được thanh toán cao hơn ở bệnh viện tỉnh, bệnh viện tỉnh cao hơn bệnh viện huyện trong khi các bệnh viện đều cùng thực hiện một kỹ thuật và vật phẩm tiêu hao giống nhau. Chính mức thanh toán như vậy sẽ không khuyến khích được các đơn vị phát triển kỹ thuật, vươn lên nắm giữ những kỹ thuật của tuyến trên; các đơn vị tuyến dưới không dám đầu tư con người, trang thiết bị để giảm tải cho tuyến cao hơn…
BHYT hỗ trợ người dân điều trị bệnh tật và chăm sóc sức khỏe nhưng để chính sách này tốt hơn nữa thì cũng cần có những thay đổi nhất định, phù hợp hơn để mọi người hưởng chế độ hoàn chỉnh hơn. Bác sỹ Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình Nghệ An kiến nghị: Luật và các chính sách thực thi cần quy định rõ thời điểm tính bảo hiểm y tế cho người bệnh. Như hiện nay, chúng ta mới tính tiền chi trả cho bệnh nhân từ khi bệnh nhân có mặt tại bệnh viện; mà đáng lý cần phải tính vào lúc bệnh nhân bắt đầu cần đến sự chăm sóc y tế cho đến khi bệnh kết thúc điều trị và trở về đến nhà. Có như vậy, BHYT mới toàn diện hơn và nhân văn hơn.
Những bất cập, tồn tại của Luật BHYT và việc thực hiện Luật đã và đang được chấn chỉnh, sửa đổi, theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn, vì người dân. Trong Luật BHYT sửa đổi, bổ sung vừa được thông qua đã có nhiều điểm mang tính đột phá mạnh mẽ khắc phục hạn chế của luật hiện hành. Cụ thể như: Khuyến khích tham gia BHYT theo hộ, mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT và mức hưởng y tế, mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT, quy định cụ thể việc quản lý và sử dụng quỹ BHYT… Việc mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế. Từ ngày 1/1/2016, sẽ mở thông tuyến KCB BHYT giữa tuyến xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh. Mở thông tuyến KCB BHYT đến tuyến tỉnh và tuyến trung ương trong phạm vi cả nước đối với người thuộc hộ nghèo và người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Bác sỹ Bùi Đình Long, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An khẳng định: Cùng đồng hành với các nhà xây dựng Luật, trong khi chờ những sửa đổi tiếp theo, chúng ta cần triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán KCB BHYT, quản lý và sử dụng quỹ BHYT có hiệu quả; Tăng cường sự phối hợp liên ngành, sự phối hợp giữa Sở Y tế và BHXH tỉnh, giữa cơ quan BHXH và cơ sở KCB… Có như vậy, mục tiêu BHYT toàn dân mới được thực hiện thành công, BHYT sẽ tạo đà để chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng đi lên.
Thanh Sơn – Từ Thành