Chiều 22/8, tại TP. Vinh, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Brain Works Group (BWG) tổ chức Hội nghị Kết nối doanh nghiệp Nghệ An - Nhật Bản (Hội nghị kinh doanh EGA lần thứ 67).
Tham dự hội nghị, có ông Naomichi Murooka - Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam; Kondo Noboru - Giám đốc điều hành Brain Works Group, cùng 20 tổ chức, doanh nghiệp đến từ Nhật Bản.
Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh; đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; PGS. TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Tổ phó Tổ tư vấn phát triển kinh tế - xã hội cho Chủ tịch UBND tỉnh cùng 70 doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực đang hoạt động tại Nghệ An.
Tạo không gian mở cho doanh nghiệp giao lưu
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa khẳng định hội nghị là dịp để tỉnh Nghệ An giới thiệu, quảng bá tiềm năng, cơ hội đầu tư của tỉnh đến cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, đồng thời là cơ hội để doanh nghiệp Nghệ An kết nối, giao lưu học hỏi và đặt nền tảng cho hoạt động đầu tư kinh doanh với cộng đồng doanh nghiệp đến từ Nhật Bản.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 8 dự án có vốn FDI đầu tư từ Nhật Bản với tổng vốn đầu tư trên 92 triệu USD. Các lĩnh vực đầu tư bao gồm: khai thác đá vôi, thực phẩm, may mặc, sản xuất linh kiện, xử lý rác thải, hạ tầng. Nhật Bản hiện cũng là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Nghệ An, tính đến nay tổng số các chương trình dự án do Nhật Bản tài trợ tại Nghệ An là 44 dự án, với tổng số vốn tài trợ là 5.070 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh cho biết thêm, Nghệ An hiện có gần 12.000 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh hiệu quả. Năm 2018, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Nghệ An xếp thứ 19/63 tỉnh thành, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ. Về thương mại, năm 2018 kim ngạch xuất khẩu giữa doanh nghiệp Nghệ An với các đối tác Nhật Bản đạt 22,13 triệu USD, gồm các mặt hàng may mặc, đá các loại, hàng thủ công mỹ nghệ, gỗ, sản phẩm gỗ, thủy sản, hoa quả và nước hoa quả, muối, nhựa thông; kim ngạch nhập khẩu đạt 13,1 triệu USD gồm máy móc thiết bị, điện thoại và linh kiện điện thoại, nguyên phụ liệu sản xuất, muối. Về lao động, Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng lớn công dân đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản với khoảng 3.000 - 4.000 lao động/năm…
“Chúng tôi mong muốn tạo dựng một không gian mở cho cộng đồng các doanh nghiệp Nghệ An, Nhật Bản giao lưu, kết nối đầu tư, kinh doanh; đồng thời nhận được các ý kiến đóng góp quý báu của các nhà đầu tư để tỉnh Nghệ An có thể làm tốt hơn nữa công tác kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu, đồng thời nhấn mạnh mục đích chung là doanh nghiệp có lợi, tỉnh Nghệ An phát triển nhanh và bền vững, con em Nghệ An có thu nhập và có việc làm tốt, góp phần xây dựng Nghệ An ngày càng giàu đẹp, văn minh, thực sự xứng đáng là trung tâm trên 10 lĩnh vực của khu vực Bắc Trung bộ.
Thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác Nghệ An - Nhật Bản
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu được nghe ông Kondo Noboru - Giám đốc điều hành BWG có bài phát biểu với chủ đề “Chung tay xây dựng tương lai của Trái Đất, sự hợp tác mới giữa các nước mới nổi và Nhật Bản”, khẳng định Hội nghị kinh doanh EGA lần thứ 67 được tổ chức tại Nghệ An là cơ hội để giao lưu, kết nối giữa các doanh nghiệp Nghệ An và các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản.
Cũng tại sự kiện này, trao đổi với các đại biểu Nhật Bản, PGS. TS Trần Đình Thiên khẳng định Việt Nam những năm gần đây nổi lên như “ngôi sao” về hấp dẫn đầu tư, Nhà nước đánh giá cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, từ đó đã và đang có những cải cách mạnh mẽ về chính sách và thể chế, thay đổi trong chiến lược thu hút FDI theo hướng những nhà đầu tư chiến lược, dài hạn, có chất lượng, mà các nhà đầu tư Nhật Bản là một trong những chuẩn mực tiêu biểu.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và hiện là Tổ phó Tổ tư vấn của Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm, Nghệ An có những thế mạnh riêng trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Trong thời gian tới, định hướng của tỉnh là xem Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư hàng đầu, chiến lược, mong muốn và sẵn sàng đón các nhà đầu tư Nhật Bản.
Trong khi đó, đại diện JICA tại Việt Nam đánh giá, Nghệ An có tiềm năng rất cao trong lĩnh vực nông nghiệp, kiến nghị tỉnh nên tập trung vào những nông sản là điểm mạnh, đào sâu hơn, đưa công nghệ cao vào để đưa các sản phẩm nông nghiệp Nghệ An lên tầm cao hơn nữa, nâng cao giá trị nông sản.
“JICA mong muốn giúp đỡ Nghệ An trở thành địa điểm thu hút đầu tư từ Nhật Bản, không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp mà cả du lịch và nhiều lĩnh vực khác”, Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Murooka bày tỏ.
Hội nghị cũng đã dành thời gian tổ chức phần hỏi đáp giữa đoàn chủ tọa gồm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Thành, Giám đốc điều hành BWG, Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam với các doanh nghiệp Nhật Bản và Nghệ An.
Nhiều ý kiến đồng tình, hoan nghênh sáng kiến của tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị “Kết nối doanh nghiệp Nghệ An - Nhật Bản”, xem đây là cơ hội quý giá để gặp gỡ, kết nối thông tin. Nhiều đại biểu đã thảo luận sôi nổi, chia sẻ thông tin, đánh giá tình hình, kiến nghị các biện pháp nhằm thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác Nghệ An - Nhật Bản. Một số đại biểu mong muốn Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp...
Bên lề hội nghị, các cuộc giao lưu, gặp gỡ, kết nối diễn ra sôi nổi, cho thấy nhu cầu và tiềm năng hợp tác giữa các bên còn rất lớn trong thời gian tới.