(Baonghean) - Mặc dù được củng cố, kiện toàn và đang dần thích ứng, hòa nhập, tuy nhiên xuất phát cả từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan, hệ thống chính trị cơ sở vùng tái định cư còn gặp những khó khăn, hạn chế dẫn đến mục tiêu nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo chưa được như mong muốn.
Trình độ, năng lực cán bộ chưa đồng đều
Ở khu tái định cư (TĐC) Thanh Sơn (Thanh Chương) năng lực, trình độ của cán bộ không đều, cộng với tính thống nhất, đoàn kết, cộng sự chưa cao là một trong những nguyên nhân dẫn tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền còn nhiều hạn chế: việc chia, giao đất cho nhân dân, giải tỏa lấn chiếm đất đai trên địa bàn hiệu quả thấp; giải quyết các chế độ chính sách còn thiếu kịp thời để xảy ra nhiều sai sót, chậm trễ. Thời gian qua, ở xã này xảy ra những vụ việc lùm xùm liên quan đến sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách; giải quyết nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT gây bức xúc trong dư luận, làm ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, điều hành của chính quyền địa phương.
Cũng tại xã Thanh Sơn, cuối tháng 4/2016, trên địa bàn xảy ra sự việc hàng chục gia đình bị Công ty CP Liên minh tiêu dùng Việt Nam sử dụng chiêu trò tham gia mua hàng để "bẫy" người dân, thu hàng tỷ đồng. Nhưng điều xót xa là việc một số cán bộ có chức vụ (trong đó có Phó Chủ tịch HĐND xã và Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách văn hóa) lại chính là người “đưa” dân vào vòng xoáy đa cấp. Mặc dù sau đó, những cán bộ này đã bị xử lý kỷ luật, nhưng vẫn gây ảnh hưởng không tốt đến uy tín của cấp ủy, chính quyền đối với người dân…
Đồng chí Nguyễn Thạc Châu - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Sơn thẳng thắn cho biết: Thực tế đội ngũ cán bộ trên địa bàn hiện nay trình độ còn khá chắp vá, trong khi dân số tương đối đông với 5 thành phần dân tộc Thái, Khơ mú, Ơ đu, Khơ me, Kinh với phong tục tập quán, trình độ nhận thức khác nhau. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thực sự gần dân, không nắm chắc chủ trương, chính sách để tham mưu. Một số cán bộ chủ chốt cấp ủy cũng hạn chế về trình độ, năng lực, nhất là trong việc chỉ đạo, lãnh đạo, nên chưa tìm ra được những giải pháp tối ưu tháo gỡ những khó khăn vướng mắc như giải quyết việc chiếm dụng đất đai đối với các chủ trang trại; giải tỏa các nhà, ốt quán trái phép, xử lý tình trạng vi phạm lâm luật xảy ra trên địa bàn…
Tại một số chi bộ bản qua theo dõi sổ ghi chép biên bản thấy rằng nội dung sinh hoạt còn nghèo nàn, việc duy trì chế độ sinh hoạt chi bộ chưa thường xuyên, có chi bộ cách một tháng hoặc hai tháng một lần, công tác phát triển đảng gặp khó khăn. Bí thư Chi bộ bản Tân Lập (xã Thanh Sơn) - đồng chí Lương Đại Xuân, cho hay: Cuộc sống khó khăn nên thanh niên bỏ học đi làm công, ở nhà chủ yếu người già và trẻ nhỏ, chi đoàn thanh niên không hoạt động được nên 3 năm trở lại đây chi bộ chỉ kết nạp được 1 đảng viên. Trong sinh hoạt chi bộ mới dừng lại ở việc triển khai các chủ trương, chính sách từ trên xuống, chứ chi bộ chưa tự đề ra và thực hiện được những nghị quyết, những nội dung liên quan đến những vấn đề diễn ra ngay tại địa bàn.
Nói về khó khăn trong công tác xây dựng đảng tại địa phương, đồng chí Nguyễn Danh Hiếu - Phó Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) cho hay: trên địa bàn đảng viên đi làm ăn xa nhiều gây khó khăn cho công tác quản lý, một số chi ủy, chi bộ chưa chú trọng công tác nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chi bộ đạt thấp.
Vẫn nặng tâm lý trông chờ, ỷ lại
Thực tế ở các khu TĐC hiện đất đai chia và giao cho nhân dân các thôn bản chưa đầy đủ, như ở Thanh Sơn (Thanh Chương), ông Lô Văn Nguyên, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho hay: “Hiện còn bản Chà Coong II và Thái Lâm đất giao còn thiếu so với quy định, một số hộ chưa có đất... khiến việc chỉ đạo thực hiện đề án trồng chè gặp nhiều khó khăn. Trong đề án trồng chè nông nghiệp 100 ha có 16 ha đã trồng keo xen chè hoặc trồng keo không chăm sóc. Đảng ủy xã đang tập trung chỉ đạo UBND xã rà soát để giải quyết”.
Ở xã Ngọc Lâm cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu đất, thiếu nước sản xuất của một số hộ chưa giải quyết được, tại một số bản như bản Hiện, bản Xiềng Lằm công tác chia ruộng cho dân chưa hoàn thành. Điều này gây không ít khó khăn cho cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống cho người dân trên địa bàn. Ví như tình trạng người dân đi về giữa nơi ở cũ và nơi ở mới tuy có giảm, nhưng vẫn còn khó khăn trong việc quản lý nhân khẩu, quản lý hành chính và cả công tác phát triển đảng.
Tuy nhiên, điều mà cán bộ cấp ủy, chính quyền ở các xã TĐC Thanh Chương băn khoăn, trăn trở đó là một số người dân trong đó có cả cán bộ, đảng viên vẫn còn nặng tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chịu bứt phá vươn lên. Điều này, trong báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020, BCH Đảng bộ xã Thanh Sơn cũng đã chỉ rõ: “Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa bắt nhịp với xu thế phát triển chung và nơi ở mới; tư tưởng bảo thủ trì trệ, trông chờ ỷ lại trong cán bộ, đảng viên và nhân dân còn lớn”.
Còn tại xã Đồng Văn (Quế Phong), đề cập đến bộ phận chuyển tái định cư thủy điện Hủa Na, theo đồng chí Lang Văn Tuần - Bí thư Đảng ủy xã, thời gian đầu chuyển ra mặc dù hệ thống chính trị đã được kiện toàn, song do điều kiện mới chuyển về định cư ở địa điểm mới, tư liệu sản xuất như đất đai, ruộng nước chưa đầy đủ nên ảnh hưởng đến nhiều cuộc sống đảng viên, nhân dân khi họ đang phải chuyên tâm để ổn định cuộc sống gia đình.
Mặt khác, ở Đồng Văn có 5/10 bản vẫn còn thực trạng người đứng đầu các chi hội chưa phải là đảng viên. Điều này cũng ảnh hưởng phần nào đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cơ sở. Do đó, xã đang tích cực tạo nguồn, phát hiện và bồi dưỡng các quần chúng ưu tú kết nạp vào đảng, qua đó tạo điều kiện để kiện toàn cho các chi hội ở cơ sở. Đến thời điểm này của năm 2016, Đồng Văn đã kết nạp được 14 đảng viên mới, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 -2020 đặt ra là kết nạp được 11 -12 đảng viên mới/năm.
Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng mà Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Đồng Văn chỉ rõ là vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại. “Do đó, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết quyết tâm từ nay đến năm 2020 xóa bỏ tư tưởng này, mà trước hết cán bộ, đảng viên phải thực sự gương mẫu để thực hiện nghị quyết, tạo sức lan tỏa cho nhân dân thực hiện và làm theo”, đồng chí Lang Văn Tuần cho biết.
Cần thay đổi mạnh mẽ từ nhận thức
Từ thực tế trên, thấy rằng, cốt lõi trong công tác xây dựng đảng, củng cố hệ thống chính trị vùng TĐC trước hết phải khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Để làm được điều này phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên thông qua việc nêu gương bằng những việc làm, hành động cụ thể. Từ đó tạo niềm tin trong nhân dân, để người dân thấy rằng “phải đem sức ta giải phóng cho ta” và yên tâm xây dựng cuộc sống mới.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Trần Đăng Khoa - Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quế Phong cho hay: Cũng một phần vì trông chờ, ỷ lại vào sự chỉ đạo, hỗ trợ của đảng ủy cấp trên mà năng lực của một số cấp ủy cơ sở trong tổ chức thực hiện để đưa ra các nghị quyết chuyên đề vẫn còn hạn chế; cách tổ chức triển khai còn vướng mắc.
Đây là vấn đề mà Quế Phong phải tiếp tục tập trung bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao chất lượng cấp ủy đảng và đảng viên tại các bản TĐC. Mặt khác, Quế Phong cũng đang nỗ lực phối hợp với chủ đầu tư thủy điện Hủa Na để cấp đất sản xuất cho nhân dân, trong đó có đất ruộng. “Hiện nay vẫn còn 5/13 điểm tái định cư chưa được cấp đất ruộng. Do đó, từ nay đến hết quý I năm 2017, huyện tập trung chỉ đạo, phối hợp để cấp đất ruộng cho nhân dân có điều kiện sản xuất, ổn định đời sống”, Bí thư Huyện ủy Quế Phong - đồng chí Lữ Đình Thi cho biết.
Còn tại huyện Thanh Chương, đồng chí Đặng Anh Dũng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho hay: Thực tiễn cho thấy “cán bộ nào, phong trào ấy” như ở khu TĐC Ngọc Lâm, người đứng đầu cấp ủy và đứng đầu chính quyền có tinh thần đoàn kết cộng sự, cán bộ đều tay hơn nên phong trào tốt hơn ở Thanh Sơn.
Vì vậy, đối với đặc thù ở vùng TĐC, BTV Huyện ủy Thanh Chương không đặt nặng vấn đề bằng cấp, mà chú trọng đào tạo bồi dưỡng năng lực thực tiễn, tính chủ động, sáng tạo trong cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống. Huyện ủy cũng đã thành lập các tổ công tác cấp huyện do các đồng chí Ban Thường vụ, trong Ban Chấp hành Huyện ủy làm tổ trưởng định kỳ 1 - 3 tháng/lần xuống sinh hoạt chi bộ tại các thôn bản vùng TĐC, vừa nắm tình hình, giải đáp những băn khoăn, vướng mắc, vừa “cầm tay chỉ việc” cho đội ngũ cán bộ thôn bản...
Bên cạnh đó, ở các khu TĐC Thanh Chương, đồng bào tái định cư ở Tương Dương về gồm nhiều thành phần dân tộc (Thái, Khơ mú, Ơ đu, Khơ me...), nên rất khó thực hiện phương án tăng cường cán bộ địa phương cho bộ máy cấp ủy, chính quyền ở hai xã TĐC. Một là cán bộ sở tại không biết tiếng dân tộc, hai là không am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào, do vậy ngoài 2 cán bộ biên phòng tăng cường về làm bí thư, phó bí thư đảng ủy, nguồn cán bộ chủ yếu ở 2 xã TĐC là nguồn từ quê cũ xuống.
Do vậy, một vấn đề đặt ra là đối với vùng TĐC là phải thường xuyên, rà soát con em đã qua đào tạo cơ bản đưa vào quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sàng lọc, từng bước chuẩn hoá đội ngũ cán bộ. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ có năng lực, có triển vọng để tạo nguồn về lâu dài... trong đó coi trọng nguồn cán bộ ở xóm bản - nơi gần dân nhất và trực tiếp đưa chủ trương, chính sách nghị quyết, chương trình, hành động, đề án của cấp ủy đảng, chính quyền vào cuộc sống.
Nhóm P.V