Trước đó, theo số liệu cũng của cơ quan này nhưng mới tính đến ngày 21/12/2020, tăng trưởng tín dụngmới đạt 10,14% so với cuối năm 2019 và tăng 11,62% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Tú cũng cho biết, hệ thống tổ chức tín dụng đã cung ứng hơn 9 triệu tỷ đồng cho nền kinh tế, ngay cả trong năm 2020, khi dịch Covid-19 hoành hành cũng bổ sung thêm cho thị trường hơn 1 triệu tỷ đồng.
Đồng thời, lượng tín dụng tăng thêm trong năm 2020 vẫn chủ yếu được ngành ngân hàng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống người dân.
“Mức tăng trưởng trên mặc dù không đạt được như mức kỳ vọng từ đầu năm là 14% nhưng đã thể hiện được sự cố gắng rất lớn của toàn hệ thống trong bối cảnh ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Tăng trưởng tín dụng đã chững lại trong những tháng đầu năm và phục hồi dần vào cuối năm”, ông Tú nhấn mạnh.
Mặt khác, hiện tại, thị trường hiện tại có mức lãi suất rất thấp. "Lần đầu tiên trong nhiều năm có mức lãi suất như bây giờ, đã giảm một nửa so với lãi suất của 6 - 7 năm trước", ông nói Tú nói.
Ngoài ra, tại công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu ông Tú cho biết, hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn duy trì được sự ổn định, quy mô và hiệu quả hoạt động tiếp tục được cải thiện; năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành, tính minh bạch của các tổ chức tín dụng từng bước được nâng cao, tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Chi tiết hơn, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống tổ chức tín dụng giảm dần qua các năm và duy trì dưới 2% trong giai đoạn từ cuối năm 2017 đến tháng 7/2020, sau đó tăng lên 2,09% vào cuối tháng 10/2020 do tác động của dịch Covid-19.
Tỷ lệ nợ xấu bao gồm cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức 4,36%, giảm mạnh so với mức 10,08% vào cuối năm 2016 và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu 5% đã đặt ra.