(Baonghean) - Kỳ họp sắp tới, HĐND tỉnh sẽ ban hành Nghị quyết định mức và việc tăng thu học phí của các trường đại học, cao đẳng, trung học dạy nghề chuyên nghiệp do tỉnh quản lý ra thảo luận. Dự kiến, nếu nghị quyết được thông qua, học phí các loại hình đào tạo sẽ được nâng lên. Dư luận đang đặt câu hỏi: Liệu tăng mức thu học phí, chất lượng đào tạo có tăng?

Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật Việt - Đức hiện có gần 2.500 học sinh, sinh viên đang theo học, 6 khoa: điện, công nghệ ô tô, cơ khí, xây dựng, đào tạo lái xe, khoa học cơ bản. Mức thu học phí hiện nay đối với từng hệ đào tạo công lập: cao đẳng nghề 250 ngàn đồng/tháng; trung cấp nghề200 ngàn đồng/tháng; ngắn hạn sơ cấp nghề 500 ngàn đồng/tháng. Cũng như đặc trưng của nhiều trường dạy nghề, 70% chương trình đào tạo của trường Cao đẳng nghề kỹ thuật Việt - Đức học chương trình thực hành. Đào tạo nghề gắn với sản xuất nên rất cần vật tư thiết bị vì vậy chi phí là rất lớn.

Tăng mức thu học phí - Có tăng chất lượng đào tạo? ảnh 1

Tăng mức thu học phí để đầu tư mua sắm thiết bị dạy học ở Trường cao đẳng Nghề kỹ thuật Việt Đức.Tuy nhiên, định mức của tỉnh cấp cho trường dạy nghề là 5,7 triệu đồng/học sinh/năm (hệ cao đẳng) và 5 triệu đồng/học sinh/năm (hệ trung cấp). Mức thu học phí này được nhà trường áp dụng ở mức thấp so với khung quy định được phép thu của Nhà nước. Định mức hỗ trợ của Nhà nước và chi phí của người học đóng góp chưa đáp ứng được chi phí đào tạo của nhà trường. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Vì vậy, điều chỉnh mức tăng học phí là rất cần thiết.

Dự kiến mức thu học phí mới: năm học 2012 - 2013 hệ cao đẳng là 300 ngàn đồng/tháng/học sinh, trung cấp là 250 ngàn đồng; năm học 2013 - 2014 hệ cao đẳng là 350 ngàn đồng, hệ trung cấp là 300 ngàn đồng; năm học 2014 - 2015 hệ cao đẳng là 400 ngàn đồng, hệ trung cấp là 350 ngàn đồng. Trường Cao đẳng Du lịch nghề Du lịch thương mại Nghệ An đề xuất mức thu học phí mới là từ 200 lên 215 ngàn đồng/tháng/học sinh đối với hệ trung cấp nghề, từ 220 lên 280 ngàn đồng/tháng/học sinh đối với hệ cao đẳng nghề; Trường Trung cấp nghề kinh tế kỹ thuật Miền Tây mức thu học phí mới từ 150 đến 250 ngàn đồng/tháng/học sinh trong năm học 2012 - 2013 và sẽ tăng theo các năm tùy đặc thù ngành học.

Theo thầy giáo Cao Tấn Việt - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật Việt - Đức thì với mức thu học phí hiện tại chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo, các trường dạy nghề đang còn “liệu cơm gắp mắm”. Với thực trạng kinh phí như hiện nay, chất lượng đào tạo khó có thể nâng cao được. Để tăng thêm nguồn kinh phí đào tạo, nhà trường thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí để mua sắm thiết bị phục vụ dạy và học. Tuy nhiên, tỉnh cần nâng định mức hỗ trợ lên 6,5 triệu đồng/học sinh/năm đối với hệ cao đẳng và 6 triệu đồng đối với hệ trung cấp”.

Một khó khăn chung của các trường dạy nghề là học sinh chủ yếu là con em vùng sâu, vùng xa, gia đình chính sách, hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao nên tăng học phí ảnh hưởng đến đời sống của học sinh. Bên cạnh đó, tâm lý của nhiều người dân còn nặng tư tưởng thích đi học đại học, việc phân luồng, chuyển dịch cơ cấu đào tạo sang học nghề còn gặp nhiều khó khăn. Vấn đề đặt ra cho các trường dạy nghề là cân bằng giữa việc thu hút người học và nâng cao chất lượng đào tạo.Theo bà Nguyễn Thị Kim Chi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Các trường trung cấp, cao đẳng dạy nghề cần phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng thương hiệu thu hút người học. Phải cân đối 2 yếu tố chi phí đào tạo - khả năng nhu cầu của người dân, thực hiện an sinh và an dân. Tăng mức thu học phí nhằm đáp ứng chất lượng dạy học của nhà trường, nhu cầu nguyện vọng của người học. Tuy nhiên, để làm được điều đó, các trường cần tập trung công tác tuyên truyền để người dân nhận thức được sự quan trọng của việc học nghề, định hướng cho con em họ trong quá trình chọn nghề, góp phần bổ sung nguồn lao động có tay nghề cho tỉnh nhà và cả nước”.

Lê Thanh