Dự kiến trong tuần này, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình phương án tăng lương tối thiểu trong khối doanh nghiệp lên Chính phủ. Theo đó, lương tối thiểu vùng I sẽ tăng thêm khoảng 15%, áp dụng từ 1/1/2014. Trước thông tin tăng lương, lao động và doanh nghiệp đều tỏ ra lo lắng.
Người lao động lo bởi lương tối thiểu chưa kịp tăng thì giá cả đã tăng đón đầu.
Ảnh: Ngọc Châu.
Nỗi lo tăng giá, tăng chi phí
“Sau khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia chọn mức lương tối thiểu, Bộ LĐ-TB&XH hiện đang tập hợp ý kiến của các bộ liên quan. Nếu nhanh, trong tuần này, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ, còn muộn sẽ sang tuần sau”.
|
Giữa lúc giá cả các loại hàng hóa thiết yếu đối với đời sống người lao động (NLĐ) hiện đang có xu hướng tăng (xăng dầu, điện, sữa, thực phẩm...), thông tin tăng lương khiến nhiều người chưa kịp mừng đã vội lo. Trong căn phòng tuềnh toàng chừng 4m2 tại thôn Bầu, xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) chị Hoa - công nhân của Cty Panasonic vừa đi làm ca về cho biết, lương Cty trả hiện đã cao hơn mức quy định, nên đợt tới có tăng lương cũng không có ý nghĩa gì, chỉ tạo thêm áp lực.
Theo chị Hoa, mỗi lần nghe đến hai từ tăng lương, chủ phòng trọ ngay lập tức tăng giá tiền thuê phòng, tiền điện, nước. “Bây giờ tiền thuê phòng đã hơn 1 triệu đồng/tháng, chưa tính tiền ăn, tiền xăng xe... Nếu tới đây, lợi dụng tăng lương, chủ nhà tiếp tục tăng giá, chắc chắn bọn em sẽ không còn tiền gửi về quê nuôi con”, chị Hoa lo lắng.
Ngoài việc chủ nhà trọ thường lấy cớ tăng lương để tăng tiền phòng, điện, nước, theo nhóm công nhân làm việc tại Cty Canon (KCN Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội), họ còn phải đối mặt với việc các loại hàng hóa thực phẩm thiết yếu (thịt, cá, rau, củ, quả...) đua nhau tăng theo lương. “Hiện, đời sống công nhân đang rất khó khăn. Ai không tin đến các khu công nhân thuê trọ sẽ biết. Nếu lợi dụng tăng lương mà giá cả lại leo thang, cuộc sống bọn em càng bấn loạn”, chị Đào - đại diện cho nhóm công nhân nói.
Không chỉ NLĐ mà nhiều chủ doanh nghiệp hiện cũng đang tỏ ra lo lắng nếu tới đây lương tối thiểu tăng. “Giữa lúc hoạt động sản xuất kinh doanh đang ngập tràn khó khăn, việc để doanh nghiệp duy trì hoạt động đã khó, nay tăng lương, sẽ tiếp tục gia tăng chi phí đầu vào”, ông P.Đ.A, Giám đốc một chi nhánh thuộc Cty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông (Bộ GTVT) cho biết. Theo ông P.Đ.A, với doanh nghiệp quy mô nhỏ, sử dụng ít lao động ít bị tác động, nhưng với doanh nghiệp sử dụng hàng trăm đến hàng ngàn lao động, sẽ là một bài toán hóc búa vì phải nghiên cứu tăng quỹ lương.
Ông Trần Đức Việt, Giám đốc Điều hành (Tổng Cty May 10) cho biết, hiện, toàn Tổng Cty May 10 đang sử dụng khoảng 10.000 lao động. Theo ông Việt, trong năm 2012, lương trung bình toàn Tổng Cty vào khoảng hơn 4 triệu đồng/người. Như vậy, tính ra, trung bình mỗi tháng, May 10 phải chi ít nhất 40 tỷ đồng tiền lương. “Do đó, tới đây, nếu tăng lương tối thiểu, chắc chắn sẽ làm tăng chi phí lên là điều khó tránh khỏi”, ông Việt khẳng định.
Tổng Cty may Đức Giang (Long Biên, Hà Nội), hiện có khoảng 8.450 công nhân. “Thú thực, mỗi lần tăng lương lãnh đạo Cty rất đau đầu”, giám đốc một đơn vị thuộc May Đức Giang nói.
Tăng lương hại nhiều hơn lợi?
Ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội cho biết, Nhà nước không nên quy định mức lương tối thiểu cho doanh nghiệp. Vì, có đưa ra một mức cố định, doanh nghiệp cũng sẽ tìm mọi biện pháp để “lách”. Vì khi đó, doanh nghiệp trả lương cho lao động cao hơn một chút so với quy định hoặc tăng lương nhưng lại cắt giảm các khoản phúc lợi khác. Do đó, nói là tăng lương, nhưng thực chất đời sống NLĐ không thay đổi. “Giả sử Nhà nước quy định lương tối thiểu trong doanh nghiệp là 250 đồng. Ngay lập tức, doanh nghiệp áp mức 251 đồng để đối phó. Rõ ràng, trả lương hơn một đồng là doanh nghiệp đã thực hiện đúng pháp luật; nhưng khoản một đồng đó không làm cho đời sống NLĐ nâng lên”, ông Lợi phân tích.
Theo ông Lợi, có nhiều vấn đề liên quan đến lương trong doanh nghiệp đã được ông chất vấn nhưng đến nay, những người làm lương ở Bộ LĐ-TB&XH cũng như Hội đồng Lương Quốc gia chưa lý giải được. “Cái cần làm nhất hiện nay là tổ chức Công đoàn phải quan tâm hơn nữa đến NLĐ. Họ phải đứng ra bảo vệ lợi ích cho NLĐ trước giới chủ. Khi nào lực lượng Công đoàn chưa phải là một đối trọng với giới chủ, khi đó, các quy định về lương không có ý nghĩa”, ông Lợi nói.
Ông Phạm Gia Túc, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (thành viên Hội đồng Lương Quốc gia) cho PV Tiền Phong biết, sau khi thống nhất về mức lương tối thiểu cho doanh nghiệp, trong tuần này, Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ để áp dụng bắt đầu từ ngày 1/1/2014. Khi được hỏi, việc tăng lương sẽ tác động thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ông Túc không bình luận.
Trong khi đó, Vụ trưởng Lao động Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) bà Tống Thị Minh thừa nhận với PV Tiền Phong rằng, Bộ LĐ-TB&XH chỉ nghiên cứu và đưa ra quy định về mức lương tối thiểu, còn việc tác động của lương tối thiểu đến đời sống lao động và doanh nghiệp thế nào, không phải trách nhiệm của bộ này. “Tăng lương tối thiểu chắc chắn sẽ tác động đến sản xuất của doanh nghiệp. Để tránh bị ảnh hưởng, tốt nhất là doanh nghiệp nên tiết giảm chi phí sản xuất”, bà Minh khuyên.
Kết quả cuộc bỏ phiếu mới đây của Hội đồng Tiền lương Quốc gia (gồm đại diện Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đã chọn mức lương tối thiểu cho khối doanh nghiệp vùng I là 2.750.000 đồng/tháng, tăng khoảng 15% so với mức hiện tại là 2.350.000 đồng/tháng. |