(Baonghean) - Học phí ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay có nhiều mức khác nhau. Mức học phí có sự chênh lệch khá lớn giữa các trường công lập và ngoài công lập và giữa các ngành học. Nhưng có một điểm chung là năm học 2014 - 2015 này, mức học phí của các trường đại học, cao đẳng đều... tăng!

images1048080_sinh_vi_n_tru_ng__h_y_khoa_vinh_l_m_quen_v_i_c_c_d_ng_c__y_h_c_ti_n_ti_n__nh_t.p.jpgSinh viên Trường ĐH Y khoa Vinh làm quen với các dụng cụ y học tiên tiến. Ảnh: T.P
 
Theo Nghị định 49/2010 của Chính phủ về mức trần học phí đối với đào tạo trình độ đại học tại trường công lập theo các nhóm, ngành đào tạo, chương trình đại trà từ năm học 2014 - 2015 là: với các ngành Khoa học xã hội, Kinh tế, Luật, Nông, Lâm, Thủy sản (nhóm 1) 5,5 triệu đồng/năm; với các ngành Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật, Công nghệ, Thể dục thể thao, Nghệ thuật, Khách sạn, Du lịch (nhóm 2) 6,5 triệu đồng/năm; Y, Dược (nhóm 3) 8 triệu đồng/năm. Trường Đại học Y khoa Vinh thuộc nhóm trường đại học công lập trực thuộc tỉnh quản lý, nên mức học phí được áp dụng trên 80% mức quy định chung của Nhà nước. Năm học này, học phí hệ đại học ở trường này là 700.000 đồng/tháng; hệ cao đẳng là 600.000 đồng/tháng. Mức học phí này tăng 10% so với năm học trước. Mức học phí cao gây không ít khó khăn cho sinh viên. Em Cao Thị Bích, người dân tộc Thổ, xã Nghĩa Mai (Nghĩa Đàn), sinh viên năm thứ nhất, Đại học Y khoa Vinh chia sẻ: “Gia đình em đông con, bố mẹ làm nương rẫy, thu nhập thấp, lại đang nuôi hai chị em học đại học nên rất khó khăn. Ngoài học phí hàng tháng, còn các khoản chi phí khác như: tiền nhà, tiền ăn… Học phí tăng, quả thật gia đình em gặp không ít khó khăn, bố mẹ phải xoay xở đủ kiểu”. 
 
Còn ở các trường tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ, việc đóng học phí thực hiện theo số tín chỉ đăng ký thực học của sinh viên. Mức thu học phí của một tín chỉ được xác định căn cứ vào tổng thu học phí của toàn khóa học theo nhóm, ngành đào tạo và số tín chỉ đó, theo nguyên tắc không vượt quá mức trần học phí quy định. Theo Quyết định ban hành khung học phí đại học chính quy thu theo hình thức tín chỉ của các khối ngành giai đoạn 2011 – 2015 của Trường Đại học Vinh, năm học 2014 – 2015 này, nhà trường áp dụng mức học phí đối với khối, ngành: Khoa học xã hội, Kinh tế, Luật, Nông - lâm - thuỷ sản là 190 nghìn đồng/tín chỉ; còn đối với các khối ngành: Khoa học tự nhiên; Kỹ thuật, công nghệ; Thể dục thể thao; Khách sạn, du lịch là 180 nghìn đồng/tín chỉ.
 
Em Phan Thị Bảo, sinh viên khoa Cử nhân Tiếng Anh cho biết, mức học phí này đã tăng lên 30 nghìn đồng/tín chỉ so với năm học trước. Trung bình mỗi kỳ em đăng ký học khoảng 18 – 20  tín chỉ, tương đương mức học phí 3,2 – 3,6 triệu đồng/kỳ. Học phí tăng đã trở thành nỗi lo đối với sinh viên và gia đình ở nông thôn có con học đại học. Chị Nguyễn Thị Nhàn (mẹ của Bảo) chia sẻ: “Gia đình có 2 con đang học đại học, ngoài khoản chi phí đóng học phí hàng tháng, còn phải chu cấp thêm các khoản sinh hoạt phí… Học phí tăng, đối với gia đình nông dân như chúng tôi thực sự rất khó khăn”. 
 
Cũng tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ, nhưng mức học phí của trường Đại học Công nghiệp Vinh năm học 2014 - 2015 được áp dụng là 230 nghìn đồng/tín chỉ. Đối với các trường ngoài công lập, theo quy định, được phép tự quyết định mức học phí, tự cân đối thu - chi trong trường, nên hiện mức học phí ở mỗi trường mỗi khác. Bởi vậy, đối với nhiều sinh viên theo học ở đây, nỗi lo học phí lại càng nặng nề hơn. Tuy nhiên, một số sinh viên lại không mấy lo lắng về vấn đề học phí cao mà lại kỳ vọng vào đầu ra sau khi tốt nghiệp. Em Trần Thị Phương (Quỳnh Lộc – Quỳnh Lưu), sinh viên năm thứ nhất ngành Công nghệ thực phẩm cho biết, mỗi kỳ học em đăng ký trên 15 tín chỉ, tương đương với mức học phí 3,5 – 4 triệu đồng/kỳ. Tuy mức học phí này khá cao so với các trường công lập, nhưng em vẫn lựa chọn học ở đây với hy vọng nhà trường có sự liên kết đào tạo với các doanh nghiệp để tìm được đầu ra cho sinh viên sau khi ra trường.  
 
Cũng có xu hướng tăng học phí so với năm học trước, nhưng mức học phí đối với trường thuộc hệ cao đẳng nghề vẫn đang ở mức thấp (ít hơn 1/2 so với các hệ đại học). Học phí của Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam – Hàn Quốc năm học 2014 – 2015 là: 350 nghìn đồng/tháng (đối với hệ cao đẳng) và 300 nghìn đồng/tháng đối với hệ trung cấp. Theo ông Nguyễn Duy Nam – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề KTCN Việt Nam – Hàn Quốc, mức học phí này chưa thể đáp ứng được kinh phí đào tạo của nhà trường. Mỗi tháng, nhà trường đã phải chi khoảng 90 triệu đồng tiền điện; 20 triệu tiền nước; chưa kể nguồn kinh phí lớn để đầu tư cho hệ thống máy móc phục vụ thực hành cho sinh viên. Mặc dù đặc thù của trường cao đẳng nghề là phải đầu tư máy móc thực hành nhiều, nhưng mức hỗ trợ kinh phí của Nhà nước vẫn thấp hơn các hệ đào tạo khác”. 
 
Nguồn kinh phí đào tạo của các trường đại học, cao đẳng hiện nay vẫn đang dựa nhiều vào nguồn thu từ học phí, trong khi thiết bị phục vụ giảng dạy, chi phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất đã có một “mặt bằng” giá mới. Yêu cầu tăng lương, tăng thu nhập đối với đội ngũ giảng viên để họ yên tâm công tác và nghiên cứu khoa học đang trở nên cấp thiết. Việc tăng học phí đại học, cao đẳng ở mức độ phù hợp có thể tạo ra “cú hích” để nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nước ta vẫn là một nước nông nghiệp với hơn 70% dân số sống ở nông thôn, đời sống kinh tế còn không ít khó khăn. Trong khi đó, một sinh viên từ nông thôn ra thành phố học đại học không chỉ phải lo chuyện học phí, mà còn phải tính đến nhiều khoản chi phí “ăn theo” khác. Do vậy, mức học phí tăng lên hàng năm có thể gây khó khăn cho nhiều sinh viên. Bởi vậy, để có thể yên tâm học tập, sinh viên cần tìm hiểu kỹ về mức học phí ở từng trường, từng ngành để có lựa chọn phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình, lại vừa có được cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. 
 
 
Đinh Nguyệt