(Baonghean)  - Theo Cục Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng nhu cầu về thức ăn phục vụ trong ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm của nước ta hiện nay vào khoảng trên dưới 20 triệu tấn/năm. Dự kiến năm 2020 nhu cầu về sử dụng thức ăn chăn nuôi (TACN) cả nước sẽ lên đến con số 27 - 27,5 triệu tấn. 

Hiện Việt Nam là một “cường quốc” về xuất khẩu gạo với kim ngạch xuất khẩu gạo đạt từ 3,6 - 3,7 tỷ USD/năm; nhưng lại nhập khẩu một lượng ngô, đậu tương… khổng lồ về để sản xuất, chế biến TACN trị giá lên đến hơn 3 tỷ USD. Như vậy tiền thu về từ xuất khẩu gạo chỉ đủ để nhập khẩu lại nguyên liệu chế biến TACN. Đây thực sự là một nghịch lý cần có sự thay đổi càng sớm càng tốt.

Vì sao các doanh nghiệp sản xuất TACN muốn nhập khẩu nguyên liệu ngô, lúa mì hơn là mua lúa gạo trong nước? Điều đó trước hết về mặt dinh dưỡng thì trong hạt ngô giàu chất dinh dưỡng hơn nên gia súc, gia cầm ăn vào mau béo và tăng trọng nhanh hơn. Nhưng quan trọng hơn, là việc giá nhập khẩu ngô từ Mỹ và một số nước khác về Việt Nam chỉ ở mức từ 5.300 - 5.500 đồng/kg ngô hạt, thấp hơn mua tại Việt Nam từ 500 - 700 đồng/kg.  Ngô sản xuất trong nước nói chung, Nghệ An nói riêng dù có năng suất cao hơn hoặc bằng năng suất ngô của họ thì giá thành sản xuất vẫn cao hơn và phải bán với giá cao hơn từ 500 - 1.000 đồng/kg ngô hạt, do quá trình sản xuất hoàn toàn bằng lao động thủ công. 

Khía cạnh khác: Nước Nhật họ mua lúa gạo do nông dân Nhật sản xuất ra cao hơn giá gạo nhập khẩu ở nước ngoài về từ 2 - 3 lần. Phải chăng họ làm như vậy có 2 cái được: Thứ nhất là góp phần nâng cao mức thu nhập cho người nông dân Nhật và được thứ hai là được ăn sản phẩm sạch do chính người Nhật sản xuất ra. Vậy câu hỏi đặt ra là: Việt Nam có làm được như vậy không? Và có thể sử dụng tinh bột lấy từ lúa gạo ta có rất nhiều trong nước để sản xuất TACN; đồng thời nguồn thức ăn bổ sung thì ngay trong nước ta không thiếu, đó là: bột cá biển, xương các loại, sữa… Cả nước ta mỗi năm xuất khẩu từ 6 - 7 triệu tấn gạo, nếu cộng cả cám và gạo tấm sẽ có khối lượng lớn trên 10 triệu tấn/năm, đủ để thay thế hoàn toàn nhập khẩu ngô, lúa mì từ nước ngoài về sản xuất TACN. Riêng Nghệ An mỗi năm còn dư thừa trên dưới 300.000 tấn lúa, chưa kể ngô cũng đủ cho 1-2 nhà máy sản xuất TACN trong tỉnh hoạt động. Hiện tại nông dân ở hầu hết các huyện đồng bằng ở Nghệ An đang gieo cấy nhiều giống lúa KD18, lúa lai và nhất là trong vụ hè thu thì cơ bản gieo cấy giống lúa KD18. Theo bà con nông dân cho biết, những giống lúa đó vừa dễ làm, vừa có năng suất cao, nhưng gạo ăn không ngon nên họ gieo cấy nhiều để phục vụ chăn nuôi là chủ yếu.

Người chăn nuôi ở ta hiện nay phải mua thức ăn công nghiệp với giá cao, bán sản phẩm chăn nuôi với giá thấp. Đặc biệt hiện nay nước ta đã và đang gia nhập vào hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (FTA) và Hiệp định thương mại tự do ASEAN có hiệu lực từ sau ngày 31/12/2015. Tất cả những hiệp định nói trên hầu như xóa bỏ gần hết thuế các mặt hàng nhập khẩu, trong đó có hàng hóa nông sản. Sắp tới thực phẩm chăn nuôi từ các nước EU và Mỹ tự do nhập khẩu vào Việt Nam thì lúc ấy người chăn nuôi chúng ta sẽ rất khó khăn nếu chúng ta vẫn tiếp tục nhập ngô, lúa mỳ từ nước ngoài về để chế biến TACN công nghiệp rồi bán với giá cao như bây giờ. Thế nên, chúng ta cần tăng cường sử dụng nguồn thức ăn được sản xuất chủ yếu trong nước với giá bán hợp lý; và đây là vấn đề lớn trong tình hình hội nhập hiện nay cần được sự quan tâm từ Trung ương đến các địa phương. 

Trí Tuệ (TP. Vinh)