(Baonghean.vn)- Chiều 4/12, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng, UBND tỉnh có buổi làm việc với các sở, ngành liên quan để nghe và cho ý kiến về Quy hoạch phát triển cây ăn quả có múi tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015- 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đồng chí phó chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng chủ trì buổi làm việc chiều nay
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng chủ trì buổi làm việc.

Năm 2015, diện tích trồng cây ăn quả có múi là 6.072 ha, tăng 1.166 ha so với năm 2010, sản lượng tăng từ 43.043 tấn lên 48.388 tấn. Trong đó, cây cam đã đươc định hướng là cây chủ lực của tỉnh và diện tích tăng lên 3.792 ha.

Tuy nhiên, nhìn chung diện tích cây ăn quả có múi vẫn tăng chậm, phần lớn diện tích còn phân tán và manh mún, khó khăn cho chỉ đạo sản xuất; đời sống nhiều hộ dân chưa cao, hạn chế đến khả năng huy động vốn tại chỗ, việc chấp hành quy trình kỹ thuật của người dân không đồng đều làm ảnh hưởng đến chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Trong khi đó, Nghệ An vẫn còn nhiều tiềm năng về đất đai, thổ nhưỡng đất đai thuận lợi…

Ông Hoàng Ngọc Luyện, Phó trưởng Đoàn Quy hoạch Nông nghiệp thủy lợi Nghệ An trình bày các nội dung trong dự thảo quy hoạch.

Trong chủ trương phát triển những năm tới, Nghệ An xác định cây ăn quả có múi không những là cây trồng xóa đói giảm nghèo mà còn là thế mạnh trong phát triển nông nghiệp. Ngoài cam, sẽ mở rộng giống bưởi Quang Tiến để trở thành loại cây đặc sản vùng Phủ Quỳ, tăng hiệu quả cây chanh, nhất là ở các xã của huyện Hưng Nguyên.

Mục tiêu sẽ hình thành được các vùng trồng cây ăn quả có múi quy mô lớn, tập trung, từng bước nâng cao chất lượng và sản lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ và hướng tới xuất khẩu. Theo đó, năm 2020 tổng diện tích quy hoạch đạt 8.270 ha, sản lượng đạt khoảng 86.000  tấn/năm, trong đó cây cam quýt 5.600 ha, chanh 1.900 ha và bưởi 770 ha; năm 2030 ổn định diện tích 10.160 ha.

Ông Thái Văn Nông, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường góp ý về quy hoạch diện tích đất phù hợp trong phát triển cây có múi.

Sau khi nghe ý kiến của các sở, ngành liên quan, đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận: Sở NN&PTNT tiếp thu ý kiến của các ngành liên quan, bổ sung hoàn thiện quy hoạch. Trong đó chú trọng các nội dung như: cân đối quỹ đất, bố trí các diện tích đất có đủ điều kiện để đưa vào quy hoạch phát triển cây ăn quả có múi và ổn định diện tích hiện trạng.

Cùng việc thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết với nông dân để tổ chức phát triển cây ăn quả có múi trên địa bàn, cần có sự chuẩn bị chu đáo về các giải pháp khoa học công nghệ như sử dụng giống chất  lượng và hiệu quả cao; tập trung cho công tác thủy lợi.

Cây cam đem lại hiệu quả kinh tế rất cao cho nông dân vùng Minh Hợp, Quỳ Hợp.

UBND tỉnh sẽ có giải pháp gắn sản xuất với tiêu thu sản phẩm; khuyến khích đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, an toàn, trong sản xuất, đồng thời áp dụng các công nghệ bảo quản để nâng cao chất lượng sản phẩm.

                                                Phú Hương

TIN LIÊN QUAN