(Baonghean) - Hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xử lý sau thanh tra đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra. Tuy nhiên, vẫn đang còn tình trạng nhiều đơn vị, doanh nghiệp cố tình chây ỳ, chậm trễ trong việc thực hiện nhưng chưa có biện pháp giải quyết triệt để. 

Năm 2014, toàn tỉnh đã kiểm tra, đôn đốc 409 kết luận thanh tra, quyết định xử lý và qua đó đã thu hồi được 1,509 tỷ đồng nộp ngân sách nhà nước. Mặc dù, ngành Thanh tra đã có nhiều giải pháp để đôn đốc, xử lý song việc thu hồi triệt để số tiền sai phạm trên còn gặp nhiều khó khăn. Hiện đang còn 185 doanh nghiệp chưa nộp đủ số tiền sai phạm (hơn 7,3 tỷ đồng). Qua rà soát, có 14 doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động với số tiền hơn 461 triệu đồng. Những doanh nghiệp khác dù đã được đôn đốc nhiều lần nhưng đến nay vẫn chây ỳ, chậm thực hiện kết luận thanh tra và quyết định xử lý.

Cụ thể như Công ty TNHH Xuân Quỳnh (có địa chỉ tại xã Quỳnh Xuân, huyện Quỳnh Lưu nay là phường Quỳnh Xuân, Thị xã Hoàng Mai), ngày 27/11/2008, Thanh tra tỉnh ban hành Kết luận số 857 về những sai phạm tại công ty này như hoạch toán kê khai doanh thu không đầy đủ; kê khai quyết toán, nộp thuế GTGT một số công trình do đơn vị thi công xây lắp chưa đầy đủ, chưa kịp thời với số thuế GTGT phải truy thu là hơn 818 triệu đồng. Bên cạnh đó, công ty còn kê khai, hoạch toán thiếu khối lượng đá hộc khai thác và xuất bán vào sổ kế toán. Số tiền và phí phải truy thu là hơn 76 triệu đồng, trong đó thuế GTGT là hơn 7,2 triệu đồng, thuế TNDN là hơn 40 triệu đồng, thuế tài nguyên là hơn 5,2 triệu đồng và phí bảo vệ môi trường là hơn 23 triệu đồng. Sau khi có kết luận, công ty này đã nộp 450 triệu đồng và hiện nay còn hơn 444 triệu đồng chưa nộp. Đã nhiều năm trôi qua nhưng công ty này vẫn chây ỳ chưa chịu nộp số tiền sai phạm trên. 

Công ty CP Nông sản và XNK Nghệ An hiện vẫn chưa nộp số tiền 800 triệu đồng sau khi có quyết định xử lý của Thanh tra tỉnh.
Công ty CP Nông sản và XNK Nghệ An hiện vẫn chưa nộp số tiền 800 triệu đồng sau khi có quyết định xử lý của Thanh tra tỉnh.

Bên cạnh đó, một số đơn vị hành chính, sự nghiệp qua quá trình thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm với số tiền phải thu hồi là hơn 695 triệu đồng, nhưng đến nay mới chỉ có 1 đơn vị là Trường ĐH Sư phạm kỹ thật Vinh nộp với số tiền hơn 38 triệu đồng. Còn lại các đơn vị như 2 Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Yên Thành và huyện Quỳnh Lưu, Sở LĐ-TB&XH, Sở NN&PTNT, UBND xã Nam Thượng (Nam Đàn)... với số tiền phải thu hồi hơn 657 triệu đồng nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Anh Nguyễn Sỹ Giang, Phó phòng Tiếp dân và Xử lý sau thanh tra cho biết: Phòng đã tham mưu nhiều văn bản đôn đốc và trực tiếp làm việc với các đơn vị này nhưng đến nay các đơn vị vẫn chưa thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ. Thời gian tới, ngành Thanh tra sẽ tiếp tục làm văn bản đôn đốc gửi các chủ đầu tư, các đơn vị phải nộp và sẽ thành lập các đoàn kiểm tra để đôn đốc trực tiếp tại các đơn vị. Đồng thời, tổng hợp, phân loại cụ thể các sai phạm và phân tích rõ nguyên nhân, trên cơ sở đó, đề xuất UBND tỉnh hướng xử lý dứt điểm đối với một số đơn vị không có khả năng thu hồi.

Qua trao đổi với lãnh đạo Thanh tra tỉnh được biết, việc tồn đọng số tiền lớn sau khi có kết luận thanh tra và quyết định xử lý là do còn thiếu chế tài mạnh để xử lý các đơn vị chây ỳ. Ông Lê Anh Sơn, Phó Chánh tra tỉnh cho biết: Có những đơn vị có kết luận sai phạm từ năm 2008 nhưng đến nay qua nhiều lần phát văn bản đôn đốc, làm việc trực tiếp nhưng vẫn không thu hồi được số tiền sai phạm. Tuy nhiên, việc xử lý những đơn vị này chưa được quy định rõ ràng, chưa có chế tài cụ thể để xử phạt. Ngành Thanh tra đã chuyển sang cơ quan công an một số hồ sơ nhưng đều bị trả về vì chiếu theo luật thì chưa đến mức để chuyển hồ sơ. Kết quả rà soát và đánh giá sơ bộ cho thấy các văn bản pháp luật về thanh tra chưa có các quy định cụ thể về trách nhiệm của các chủ thể liên quan; biện pháp bảo đảm thực hiện kết luận thanh tra đối với các sai phạm về kinh tế; chế tài xử lý các chủ thể có hành vi vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra...

Luật Thanh tra năm 2010 đã quy định về việc xử lý và chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra, xử lý hành vi không thực hiện yêu cầu, kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Trong đó, quy định trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết luận thanh tra hoặc nhận được kết luận thanh tra, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp hoặc thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận thanh tra. Tuy nhiên, các quy định này rất khái quát, chỉ mang tính nguyên tắc về xử lý và chỉ đạo việc thực hiện kết luận thanh tra. Nghị định số 86/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Thanh tra cũng đã quy định về trách nhiệm của đối tượng thanh tra; của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; của thủ trưởng cơ quan quản lý đối tượng thanh tra; của cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành trong việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra nhưng các quy định này chưa cụ thể, nhất là về trình tự, thủ tục, thời hạn; đặc biệt là thiếu chế tài và biện pháp bảo đảm việc thực hiện kết luận thanh tra. 

Để công tác xử lý sau thanh tra, kiểm tra đạt hiệu quả cao, thời gian tới các cấp ủy đảng, BCH Công đoàn cấp trên trực tiếp của các đơn vị có sai phạm cần có tinh thần, trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt công tác thực hiện kết luận thanh tra và quyết định xử lý. Việc xây dựng kế hoạch và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận thanh tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân không thực hiện, thực hiện chậm hoặc thực hiện không triệt để các kết luận, quyết định thanh tra. Bên cạnh đó, cần xem xét trách nhiệm của tổ chức và người đứng đầu các đơn vị sai phạm trong việc chỉ đạo, thực hiện các kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra.

Cơ quan Thanh tra làm văn bản kiến nghị với BCH Đảng ủy, Công đoàn cấp trên trực tiếp của các đơn vị sai phạm nếu đơn vị này không nộp tiền sai phạm để phối hợp, xây dựng biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, để việc thực hiện các kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra được thực hiện nghiêm túc, triệt để, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, ngoài những nỗ lực thực hiện các giải pháp trên của cơ quan thanh tra, thì cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ở các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh. 

 Nguyên Hưng

Năm 2014, toàn ngành Thanh tra tỉnh đã triển khai 211 cuộc thanh tra, kiểm tra hành chính tại 735 đơn vị trên nhiều lĩnh vực. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 494/735 đơn vị có sai phạm, kiến nghị xử lý với số tiền hơn 46,2 tỷ đồng. Đến nay, cơ quan thanh tra đã xử lý hơn 43,7 tỷ đồng, trong đó đã thu hồi vào Ngân sách Nhà nước trên 17,3 tỷ đồng  (đạt 87%). Bên cạnh đó, ngành Thanh tra đã kiến nghị xử lý hành chính 111 tổ chức, 182 cá nhân sai phạm.