(Baonghean.vn) - Đó là chỉ đạo của đồng chí Phạm Văn Linh - Phó Ban Tuyên giáo Trung ương tại Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác biên giới Việt Nam - Lào được tổ chức vào sáng 8/11 tại tỉnh Hà Tĩnh.
Hội nghị nhằm cung cấp thông tin về tình hình biên giới, tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng, quản lý và bảo vệ đường biên giới, nội dung chính của hai văn kiện pháp lý rất quan trọng, đó là “Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào” và “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào vừa có hiệu lực cũng như các hiệp định, thỏa thuận liên quan biên giới của hai nước.
Khu vực biên giới Việt Nam - Lào có đường biên dài 2.337,459 km đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 10 tỉnh của Cộng hòa DCND Lào.
Từ tháng 5/2008, Việt Nam - Lào triển khai kế hoạch tổng thể thực hiện công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới theo hướng chính xác, hiện đại, bền vững và thống nhất trên toàn tuyến. Qua đó, tạo thuận lợi cho công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới.
Với sự nỗ lực của 2 nước, đến 9/2013, công tác tăng dày, tôn tạo hoàn thành. Toàn tuyến hiện có tổng số 792 vị trí tương đương với 834 cột mốc, ngoài ra hai bên cắm bổ sung 29 cọc dấu tương đương với 27 vị trí cọc dấu.
Hoàn thành tăng dày tôn tạo mốc quốc giới đã thể hiện rõ quyết tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và Lào vì một đường biên giới chung giữa 2 nước hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển; là tiền đề để hai nước ký kết Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam - Lào” và “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác biên giới trong tình hình mới; ngăn ngừa có hiệu quả hiện tượng xâm nhập canh, xâm nhập cư do thiếu hiểu biết về đường biên giới và cũng là cơ hội để mỗi nước phát triển kinh tế - xã hội vùng biên...
Trong phần tham luận tại hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng cũng như ý nghĩa to lớn trong việc hoàn thành việc phân mốc quốc giới. Vì thế, để nâng cao nhận thức của người dân đối với chủ trương của Trung ương; tiếp tục tuyên truyền, giải thích cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân khu vực biên giới, làm hạt nhân để tạo sự đồng thuận trong xã hội, thống nhất cao trong công tác bảo vệ và quản lý biên giới...
Muốn vậy, đồng chí Phạm Văn Linh yêu cầu các tỉnh có chung đường biên giới nói riêng, các tỉnh lân cận và cả nước phải chủ động định hướng, chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức và phải dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ. Làm sao để người dân hiểu được tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt, có một không hai đó bắt nguồn từ sự gần gũi về địa lý, sự sẻ chia về lịch sử đấu tranh chống kẻ thù chung, sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước ngày nay. Cùng đó, có thêm những chính sách ưu tiên cho vùng biên, cụ thể là ưu tiên về dự án dân sinh, phát triển kinh tế - xã hội...
Nghệ An có chung đường biên giới chiều dài 419,5 km với 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bôlykhămxay, Lào. Tuyến biên giới này được tăng dày, tôn tạo 105 vị trí với 116 mốc giới, 44 cọc dấu; trong đó tuyến biên giới tiếp giáp với tỉnh Xiêng Khoảng tăng dày, tôn tạo 27 vị trí với 36 mốc; tuyến Bôlykhămxay 39 vị trí, 39 mốc và tuyến Hủa Phăn 39 vị trí, 41 mốc. Đến năm 2013, công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc giới trên địa bàn tỉnh hoàn thành cơ bản kế hoạch đề ra. |
Cảnh Nam