(Baonghean) - Để sử dụng quỹ BHYT hợp lý, tiết kiệm, phục vụ việc KCB cho người dân một cách hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành công văn số 3352/UBND-TM về việc tăng cường quản lý quỹ BHYT. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An yêu cầu:
Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc BHXH tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách pháp luật về BHYT; ý nghĩa, quyền lợi, trách nhiệm của người dân khi tham gia BHYT nhằm khuyến khích, vận động người dân tham gia BHYT. Kịp thời phản ánh và biểu dương những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt chính sách BHYT; phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những hành vi, trục lợi quỹ BHYT. Cụ thể:
Sở Y tế:
Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở KCB để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT và quản lý tốt nguồn quỹ BHYT. Chỉ đạo và giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 29/3/2016 của Bộ Y tế về việc tăng cường đảm bảo chất lượng dịch vụ KCB khi thực hiện điều chỉnh, thống nhất giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.
- Chỉ đạo các cơ sở KCB chấp hành nghiêm các quy định, hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế trong việc chỉ định và thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả vì quyền lợi chính đáng của người bệnh; nghiêm cấm mọi biểu hiện lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Giám đốc các cơ sở KCB phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nếu để tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT xảy ra tại đơn vị mình quản lý.
- Phối hợp với BHXH tỉnh định kỳ và đột xuất tiến hành thanh, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn, sử dụng và quản lý quỹ BHYT tại các cơ sở KCB (nhất là đối với các cơ sở KCB sử dụng vượt quỹ lớn, kéo dài) kiến nghị UBND tỉnh xem xét, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đối với các cơ sở KCB để xảy ra bội chi quỹ BHYT kéo dài do nguyên nhân chủ quan; xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với người đứng đầu và các cá nhân có liên quan đến lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
- Thực hiện nghiêm công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế theo quy định. Các cơ sở KCB phải căn cứ danh mục thuốc, phân hạng bệnh viện, yêu cầu điều trị để lựa chọn thuốc sử dụng cho người bệnh BHYT theo nguyên tắc đảm bảo an toàn và hiệu quả. Giám đốc Sở Y tế chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh đối với kết quả đấu thầu thuốc trên địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với BHXH tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 29/2012/CT-UBND ngày 10/11/2012 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tăng cường trách nhiệm trong sử dụng, quản lý quỹ BHYT, báo cáo kết quả sơ kết về UBND tỉnh trước ngày 31/8/2016.
- Chỉ đạo các đơn vị KCB đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối liên thông dữ liệu giữa cơ sở KCB với Sở Y tế, BHXH tỉnh theo quy định của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam.
BHXH tỉnh Nghệ An:
- Căn cứ các quy định về tổ chức thực hiện công tác giám định và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT, nghiên cứu xây dựng phương pháp giám định phù hợp với tình hình thực tế địa phương nhằm nâng cao chất lượng giám định BHYT, đảm bảo các chi phí KCB được kiểm soát chặt chẽ, thanh toán đúng quy định, hạn chế tối đa việc lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ giám định viên trong thực hiện công tác giám định thanh toán BHYT tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ sở KCB để thực hiện công tác giám định và thanh toán chi phí KCB BHYT theo đúng quy định. Kiểm soát chặt chẽ việc thanh toán dịch vụ kỹ thuật, đặc biệt là dịch vụ kỹ thuật từ nguồn xã hội hóa đang sử dụng tại các cơ sở KCB. Thường xuyên phân tích, đánh giá tình hình chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật được thực hiện từ các trang thiết bị này đối với người bệnh BHYT; trường hợp phát hiện việc thực hiện sai quy định, lạm dụng dịch vụ y tế từ cơ sở KCB báo cáo UBND tỉnh xử lý theo đúng quy định.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thống kê chi phí KCB BHYT trong công tác giám định, thường xuyên phân tích, đánh giá theo dõi chặt chẽ tác động của thông tuyến và tăng giá dịch vụ y tế đến chi phí KCB trên địa bàn. So sánh số lượt KCB tại các cơ sở KCB giữa các tháng nhằm kịp thời phát hiện gia tăng chi phí đột biến, sai sót, trùng lặp trong thanh toán chi phí KCB BHYT để kịp thời chấn chỉnh, xử lý.
- Chỉ đạo BHXH cấp huyện tăng cường công tác giám định tại cơ sở KCB, phát hiện sớm các trường hợp lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT. Đối với các cơ sở ngoài công lập trên địa bàn nếu để xảy ra tình trạng lạm dụng quỹ BHYT, bội chi quỹ lớn kéo dài do nguyên nhân chủ quan mà không có các giải pháp kiểm soát chi phí, yêu cầu BHXH tỉnh xem xét, điều chỉnh phạm vi hợp đồng hoặc tạm dừng hợp đồng KCB. Trường hợp có biểu hiện gian lận về BHYT, kể cả các giám định viên bao che cho các đơn vị KCB gian lận trong sử dụng quỹ BHYT, yêu cầu BHXH tỉnh chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định tại Điều 215, Mục 2, Chương 18 Bộ Luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015.
- Tăng cường vai trò của BHXH tỉnh trong việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế tập trung tại Sở Y tế theo đúng các quy định của pháp luật về tổ chức đấu thầu, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh những bất hợp lý trong việc lựa chọn nhà thầu và danh mục trúng thầu để chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
- Báo cáo thường xuyên tình hình sử dụng quỹ BHYT trong toàn tỉnh, đề xuất kịp thời các giải pháp quản lý nguồn quỹ BHYT theo đúng quy định.
UBND các huyện, thành phố, thị xã:
- Chỉ đạo các cơ sở y tế, các phòng ban liên quan, UBND các xã, phường, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền chính sách BHYT trên địa bàn; tăng cường phát triển đối tượng tham gia BHYT; phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH để kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT theo quy định của pháp luật.
- Chỉ đạo UBND các xã, phường thị trấn nghiêm cấm việc cấp sai giấy xác nhận nhân thân của đối tượng có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh.
PV